Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa nắm bắt được thông tin, lợi ích mà Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) mang lại dẫn đến “bỏ quên” các ưu đãi lẽ ra được hưởng.
Cán cân thương mại nghiêng về Hàn Quốc
VKFTA có hiệu lực từ tháng 12/2015, đây được xem là động lực để hai nước đẩy mạnh trao đổi hàng hóa, nâng cao giá trị thương mại song phương.
Tuy nhiên, sau gần 2 năm thực thi, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tận dụng được các ưu đãi để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Chỉ có một số sản phẩm cà phê và tôm là những mặt hàng thế mạnh mà Việt Nam đã và đang xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Trong khi đó, hiện có khoảng 6.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư hoạt động kinh doanh vào Việt Nam, trong các lĩnh vực thiết bị điện tử, dệt may. Đáng chú ý, sau khi được sản xuất tại Việt Nam, các sản phẩm của các công ty này sẽ xuất khấu sang Hàn Quốc, với các mặt hàng điện thoại, quần áo, đồ điện tử.
Ông Park Chul Ho, Tổng giám đốc Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc tại Hà Nội (Kotra Hà Nội) hồ hởi vì sau gần 2 năm có hiệu lực, VKFTA đã thực sự làm cho mối quan hệ kinh tế hai nước cất cánh.
Cụ thể, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Hàn Quốc năm 2016 đạt hơn 45 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2015. Tuy nhiên, cán cân thương mại Việt Nam – Hàn Quốc đang trong trạng thái mất cân bằng với giá trị xuất khẩu ngày càng nghiêng về phía Hàn Quốc. Số liệu thống kê của Hàn Quốc cho thấy, 9 tháng năm 2017, giá trị hàng hóa Hàn Quốc xuất khẩu sang Việt Nam đạt gần 35 tỷ USD, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2016. Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc chỉ đạt khoảng 10,7 tỷ USD.
Thực tế, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam và là một trong những thị trường xuất khẩu lớn đối với các mặt hàng chủ lực của Việt Nam. Trong khi đó,Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tư của Hàn Quốc.
Về đầu tư, kể từ tháng 11/2014, Hàn Quốc đã vượt Nhật Bản để trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với 6.324 dự án và tổng số vốn đăng ký 55,8 tỷ USD (tính lũy kế đến ngày 20/9/2017).
Vì những con số ấn tượng này khiến phía Hàn Quốc tự tin mục tiêu đạt 100 tỷ USD kim ngạch thương mại song phương vào năm 2020 sẽ sớm cán đích.
Doanh nghiệp Việt bị động
Tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam tận dụng ưu đãi từ VKFTA và Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) rất hạn chế.
Cụ thể, doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) để hưởng ưu đãi từ AKFTA mới đạt 40%, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng C/O để hưởng ưu đãi từ VKFTA chỉ ở mức 15%.
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, trong khi các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề của Hàn Quốc đã chuẩn bị rất kỹ càng các điều kiện để được hưởng ưu đãi từ trước khi VKFTA có hiệu lực thì đến nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa nắm bắt được thông tin, lợi ích mà VKFTA mang lại dẫn đến “bỏ quên” các ưu đãi lẽ ra được hưởng.
Việc sử dụng C/O để hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang các thị trường thành viên tham gia FTA là một trong những yếu tố giúp doanh nghiệp nâng cao lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới sử dụng C/O để hưởng ưu đãi thuế quan khi có yêu cầu của đơn vị nhập khẩu, chưa chủ động xin cấp C/O trước khi xuất hàng.
Đặc biệt, doanh nghiệp phải không ngừng cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Vì tất cả các hàng hóa muốn được hưởng ưu đãi thuế quan và người tiêu dùng đón nhận đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, kỹ thuật đã cam kết.
Theo ông Han Kyung Joon, Phó giám đốc Kotra Hà Nội, để tận dụng tối đa các cơ hội từ VKFTA thì không chỉ Chính phủ hai bên cần thông tin đầy đủ, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, mà chính các doanh nghiệp cũng cần tích cực chủ động tìm hiểu kỹ về VKFTA để có thể nắm bắt cơ hội đầu tư, kinh doanh.
Anh Hoa / baodautu