Trong khi giá gà công nghiệp tại chuồng chỉ 8.000-8.500 đồng/kg thì ở chợ tiểu thương vẫn bán giá 55.000-60.000 đồng/kg. Dân buôn lợn cũng đang kiếm đậm khi bán lẻ có thể lãi 3,5 triệu đồng/con.
Giá gà tại chuồng rẻ như rau, ở chợ vẫn đắt
Giá gà công nghiệp đang rớt thê thảm. Báo Pháp luật TP.HCM cho biết, giá gà tại trại ở Đồng Nai và một số tỉnh Đông Nam bộ hiện chỉ 8.000-8.500 đồng/kg, thấp nhất từ trước tới nay. Người nuôi gà đang lỗ rất nặng bởi chi phí giá thành là 23.000-24.000 đồng/kg. Mỗi ký thịt gà, người nuôi lỗ khoảng 15.000 đồng/kg.
Nghịch lý là giá gà tại trại thì rẻ như rau, người nuôi thua lỗ, còn giá thịt gà công nghiệp ở các siêu thị, chợ vẫn không giảm bao nhiêu.
Giá thịt gà tại chợ không giảm.
Theo khảo sát của PV báo Lao Động tại các chợ dân sinh ngày 4/4, giá thịt gà công nghiệp bán nguyên con khoảng 55.000 đồng/kg, giá thịt đùi và cánh: 75.000 đồng/kg. Giá gà ta cũng cao, khoảng 120.000-130.000 đồng/kg, chênh lệch so với giá tại chuồng khoảng 70.000 đồng/kg.
Thịt lợn lại bật tăng mạnh, dân buôn lãi đậm
Mấy ngày nay, giá lợn hơi lại bật tăng mạnh. Chủ một trang trại lợn ở Khoái Châu (Hưng Yên) cho biết, hôm 7 và 8/4, người dân trong vùng đã xuất bán lợn hơi với giá 85.000 đồng/kg mà thương lái tranh nhau mua. Một số trang trại chăn nuôi ở Phú Thọ, Thái Nguyên thừa nhận, giá lợn hơi đang có xu hướng tăng.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, nguyên nhân chính khiến giá lợn hơi tăng cao là do thiếu hụt nguồn cung, trong khi đó dịch tả châu Phi cũng khiến giá thành sản xuất tăng cao hơn trước rất nhiều.
Còn theo lãnh đạo Bộ Công Thương, mức chênh lệnh giá từ trại nuôi ra thị trường là vì mất rất nhiều chi phí, chiếm gần 40% giá thành thịt.
Một nguyên nhân nữa khiến giá thịt lợn đắt đỏ là ở khâu trung gian. Khâu trung gian và bán lẻ đang ăn lãi quá nhiều. Người chăn nuôi mất 4-5 tháng mới nuôi được con lợn nặng 1 tạ, nếu bán giá 73.000 đồng/kg, họ lãi khoảng 1,5 triệu đồng/con. Nhưng thương lái mua lợn về giết mổ rồi đưa ra bán lẻ chỉ 1 ngày đã lãi ngay 3,5 triệu đồng/con.
Thịt heo nhập khẩu giá rẻ bán đầy cửa hàng, siêu thị ít bán
Theo khảo sát của PV Dân trí tại các cửa hàng ở TP.HCM, thịt heo nhập khẩu được bán với nhiều chủng loại khác nhau và giá cả cũng rất phải chăng.
Thịt heo nhập khẩu được bán tại nhiều cửa hàng.
Theo đó, thịt heo nhập khẩu đang có giá “mềm” hơn so với thịt heo đang bán trong nước từ 30-80%. Nhiều người tiêu dùng đã lựa chọn thịt heo nhập khẩu để tiết kiệm chi tiêu.
Trong khi đó, nhiều siêu thị lớn cho rằng, do thói quen tiêu dùng của người dân thích thịt tươi nên không bán thịt lợn đông lạnh nhập khẩu. Còn những siêu thị bán nhưng số lượng không đáng kể.
72 tấn lòng lợn thối suýt lên bàn nhậu
Lực lượng quản lý thị trường vừa phát hiện một kho hàng tại Hải Dương chứa hơn 72 tấn lòng lợn bốc mùi hôi thối không rõ nguồn gốc chờ tiêu thụ ra thị trường. Tổng giá trị số hàng trên là hơn 1,1 tỷ đồng.
Chủ 72 tấn lòng lợn khai nhận thu mua toàn bộ số hàng trôi nổi ngoài thị trường bằng nhiều nguồn và thu gom trong nhiều ngày, không có giấy tờ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc về bán kiếm lời.
Lực lượng chức năng nhận định đây là vụ vi phạm nghiêm trọng về việc kinh doanh nội tạng động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ với số lượng lớn nhất từ trước đến nay.
Mua 1,8 kg cua biển, gỡ mất 5 lạng dây buộc
Thực khách mua cua biển đã quá quen thuộc với việc cua luôn cần buộc dây. Song những tranh cãi quanh chuyện "Mua cua cân luôn dây" giữa nhà hàng và thực khách thì dường như không có điểm dừng.
1,8 kg cua biển, gỡ mất 5 lạng dây buộc
Theo phản ánh của báo Tổ quốc, mới đây, chị C.T.N (trú tại Kim Mã, Hà Nội) có đặt mua cua tại một hệ thống khá nổi tiếng về hải sản. Mặc dù cua được thực khách này đánh giá khá ngon và tươi, nhưng việc nhà hàng mập mờ về loại dây buộc cua khiến chị không khỏi bực bội.
Chị C.T.N chia sẻ, chị mua 1,85kg cua mà cân ra được hẳn 500gram dây.
Xoài, chuối, dứa rớt giá thê thảm
Báo Phụ nữ thông tin, do khó tiêu thụ vì dịch Covid-19, xoài từ các vùng trồng đổ về Sài Gòn bán với giá rẻ như cho, chỉ từ 10.000 đồng/kg, có nơi 2kg 15.000 đồng. Giá xoài tại nhà vườn đang rớt chưa từng thấy, có loại còn 5.000 đồng/kg.
Cũng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá chuối giảm mạnh. Theo báo Tổ quốc, chuối xanh cả buồng từ 80.000-100.000 đồng. Chuối tiêu xanh giá 20.000 đồng/nải, chín 15.000 đồng/nải. Chuối lá xanh 15.000 đồng/nải và chín 6.000 đồng/nải. Giá bán bằng 1/3 so với thời điểm năm ngoái.
Người trồng dứa ở Hậu Giang cũng đang gặp khó khi giá dứa sụt giảm. Theo phản ánh của VOV, giá dứa loại 1 tại rẫy hiện khoảng 3.000 đồng/trái. Dứa loại 2 còn 1.500 đồng/trái và loại 3 khoảng 700 đồng/trái.
Tôm hùm, tôm sú, cá hồi Sapa giá rẻ chưa từng thấy
Zing cho hay, hiện giá các loại thủy, hải sản tại Hà Nội đồng loạt giảm từ 30%. Trong đó, tôm hùm baby loại 0,3-0,4 kg/con giá chỉ còn 269.000 đồng/con, giảm 20% so với thời điểm “giải cứu” giữa tháng 2. Tôm hùm Alaska loại 1-3 kg/con sống giá 1,05-1,25 triệu đồng/kg, cua Alaska loại 2,5-3,5 kg/con 1,7-2 triệu đồng/kg. Cá tầm giá 240.000-270.000 đồng/kg, cua thịt và ghẹ 500.000-580.000 đồng/kg, sò huyết to loại 70-80 con/kg giá 240.000-280.000 đồng/kg.
Tôm hùm baby loại 4-5 con/kg.
Còn theo phản ánh của Dân trí, giá tôm sú tự nhiên “khổng lồ” tại TP.HCM hiện chỉ còn 390.000 đồng/kg, đây là mức giá giảm sâu kỷ lục. Tôm sú tự nhiên kích cỡ lớn có số lượng không nhiều và hiếm hoi trên thị trường.
Giá cá hồi cũng đang giảm thê thảm. Trước cá hồi Sa Pa được bán với giá 260.000 đồng/kg, thương lái tranh nhau mua, thì nay rớt giá còn 160.000-170.000 đồng/kg.
Giá gạo cấp thấp tăng đột biến, thế giới lên cao nhất 7 năm
Nguồn cung thiếu hụt, nhu cầu sử dụng cao đã đẩy giá gạo cấp thấp tại ĐBSCL những ngày gần đây tăng mạnh.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV (Vĩnh Long) cho biết trên Tiền Phong, gạo IR50404 thành phẩm tại các kho của doanh nghiệp ở ĐBSCL hiện được giao dịch với giá khoảng 10.000-10.200 đồng/kg. Còn giá gạo nguyên liệu là 8.300-8.500 đồng/kg, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với 2 tháng trước.
Trên thế giới, giá gạo và lúa mỳ tăng mạnh và đã lên mức cao nhất trong vòng 7 năm qua trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan rộng, trong khi các nước không ngừng tích trữ.