Ngày 23/12, tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết, có 2 nghề “độc đáo” của tỉnh này vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ký quyết định về việc công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) quốc gia.
Trong đó, nghề truyền thống Gác kèo ong (huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời) và nghề thủ công truyền thống Muối ba khía (huyện Ngọc Hiển) của tỉnh Cà Mau được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục DSVHPVT quốc gia.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu Chủ tịch UBND các cấp nơi có DSVHPVT được đưa vào danh mục, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, đây là cơ hội tốt để tỉnh tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa, đồng thời khai thác, phát triển du lịch.
Theo kế hoạch, tỉnh Cà Mau sẽ xây dựng 2 mô hình thực hành di sản Gác kèo ong và Muối ba khía để giới thiệu tại huyện Ngọc Hiển và huyện Trần Văn Thời.
Nghề gác kèo ong...
... và muối ba khía được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. (Ảnh: Đình Hải)
Trước đó, UBND tỉnh Cà Mau có kế hoạch bảo vệ, phát huy giá trị DSVHPVT trên địa bàn tỉnh này đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Cà Mau lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục DSVHPVT quốc gia đối với các di sản: Nghề truyền thống Gác kèo ong và Nghề truyền thống Muối ba khía (năm 2019), Lễ hội Nghinh Ông - Sông Đốc (năm 2020), Lễ hội Đền thờ Vua Hùng (năm 2021), Nghề truyền thống làm tôm khô (năm 2022), Lễ Vía Bà Thủy Long (năm 2023), Lễ Vía Bà Thiên Hậu (năm 2024).
Để thực hiện kế hoạch này, tỉnh Cà Mau dự chi kinh phí hơn 3,7 tỷ đồng; trong đó, ngân sách cấp tỉnh là 2,5 tỷ đồng, cấp huyện 550 triệu đồng và xã hội hóa 550 triệu đồng.
Theo Huỳnh Hải / dantri.com.vn