Tổng cục Thống kê cho biết, tính đến hết 3 tháng đầu năm 2017, tổng lượt khách Trung Quốc sang du lịch tại Việt Nam tăng hơn 63% so với cùng kỳ năm trước, tăng mạnh nhất trong nhóm thị trường có lượng khách du lịch ở Việt Nam. Trong khi đó, khách từ một số thị trường Úc, châu Âu và Mỹ tăng khá chậm.
Cụ thể quý I năm 2017, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 3,2 triệu lượt người, trong đó khách từ châu Á đạt 2,3 triệu lượt người, tăng 34,4% so với cùng kỳ năm trước. Khách châu Âu đạt gần 560.000 lượt người, khách châu Mỹ là hơn 247.000 lượt người và khác từ châu Phi là hơn 8.800 lượt người.
Du khách Trung Quốc vào Việt Nam tăng kỷ lục |
Như vậy, lượng khách châu Á chiếm hơn 72% tổng lượt du khách đến Việt Nam, trong đó phần đông là du khách Trung Quốc chiếm hơn 41% lượt du khách châu Á, và chiếm hơn 29% tổng lượt khách quốc tế sang Việt Nam.
Tính riêng trong quý I/2017, khách du lịch Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh nhất trong các thị trường khách quốc tế, với tăng trưởng hơn 63,5% về lượng, tiếp sau là du khách Nga, Hàn Quốc, Đài Loan, Pháp, Đức và Thụy Điển... có lượt khách tăng trưởng trên 10%.
Trong khi đó một số thị trường có du khách tăng trưởng chậm khi vào Việt Nam, trong đó có du khách từ Nhật Bản chỉ đạt hơn 201.600 lượt người, tăng chưa đầy 5%, du khách Anh chỉ đạt 75.000 lượt người, tăng hơn 9%, và Hoa Kỳ đạt 179.000 lượt người, tăng 9%, khách du lịch từ Úc đạt 95,2 nghìn lượt người, tăng 3,4%...
Hiện đa phần khách Trung Quốc vào Việt Nam thông qua đường sắt, đường bộ từ cửa khẩu Móng Cái; cửa khẩu quốc tế Lào Cai và một số cảng hàng không như Đà Nẵng, Nha Trang. Tuy nhiên, theo Tổng cục Du lịch, từ khi Chính phủ cho phép Quảng Ninh được thực hiện thí điểm cho phép xe du lịch tự lái dưới 9 chỗ ngồi trở xuống từ Trung Quốc được phép vào một số địa phận thuộc tỉnh Quảng Ninh, lượng khách du lịch Trung Quốc vào Việt Nam qua cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) tăng rất mạnh.
Theo lý giải của đại diện Tổng cục Thống kê, những năm trước đây du khách Trung Quốc chủ yếu tập trung đông ở Đà Nẵng, Nha Trang. Năm nay họ chuyển địa điểm tham quan chủ yếu ở Móng Cái, Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh).
Tuy nhiên, có một thực tế là lượng khách Trung Quốc thường đi nhiều nhóm nhỏ, đi du lịch cá nhân không theo tour. Vì thế, ở nhiều thời điểm nhất định, nhất là hè và dịp lễ ở nhiều địa phương như Nha Trang, Vũng Tàu, Đà Nẵng và Quảng Ninh khách tự phát Trung Quốc quá đông khiến các địa phương quá tải hạ tầng: nghỉ dưỡng, lữ hành và hướng dẫn viên, tàu thuyền đi lại lẫn nơi tổ chức các sự kiện, ăn uống...
Bên cạnh đó, dù chiếm số đông nhưng du khách Trung Quốc lại là đối tượng có khả năng chi tiêu thấp hơn so với khách quốc tế tại Việt Nam. Theo điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2015, khách du lịch Trung Quốc tự tổ chức đến Việt Nam có mức chi tiêu bình quân trên 711,38 USD/lượt khách (khoảng 90 USD/ngày khách) chỉ bằng 63% so với chi tiêu trung bình của khách quốc tế tại Việt Nam, thấp hơn nhiều nước trong khu vực, chỉ cao hơn khách Lào, Malaysia.
Chi tiêu trung bình ngoài tour của khách du lịch Trung Quốc đối với khách đi theo tour là 41,28 USD/ngày/khách, chỉ bằng 35% mức chi tiêu trung bình của khách quốc tế tại Việt Nam. Mức chi của khách Trung Quốc không chỉ thấp hơn so với khách quốc tế khác mà còn thấp hơn so với việc chi tiêu tại một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Malaysia...
Trên thực tế, ở các địa điểm du lịch lớn như Đà Nẵng, Nha Trang, Hạ Long, từ năm ngoái đến nay tồn tại vấn đề là du khách Trung Quốc vào nhiều nhưng các hãng lữ hành, cơ sở kinh doanh dịch vụ trong nước không có lãi kinh doanh.
Nguyên nhân chính là do nhiều doanh nghiệp (DN) lữ hành Trung Quốc áp dụng chính sách "bao trọn" khi đưa du khách vào Việt Nam và một số quốc gia khác ASEAN. Các DN này đưa ra các mức giá đi tour trọn gói đến du khách, bao gồm từ tiền hướng dẫn, đi lại, ăn ở lẫn dịch vụ massage, mua đồ lưu niệm... khi vào Việt Nam. Sau đó, họ móc nối với các cơ sở lưu trú có yếu tố Trung Quốc tại các địa phương du lịch. Mô hình liên kết, móc nối này hoạt động dưới hình thức hợp đồng kiểu "mẹ" - "con" phân chia lợi nhuận tối ưu.
Chính vì vậy tại nhiều địa điểm du lịch ở Việt Nam, các DN trong nước không thể "moi tiền" từ du khách Trung Quốc dù khách nước này sang khá đông, nhiều địa điểm du lịch cộng đồng dùng chung như: bãi tắm, cảng biển luôn rất đông đúc thậm chí quá tải.
Mới đây, Thái Lan đã thực hiện chính sách hạn chế du khách Trung Quốc đi du lịch "tour 0 đồng" vào nước này bởi lợi nhuận phần lớn rơi vào các DN lữ hành Trung Quốc.
Nguyễn Tuyền / dantri