Bộ Giao thông vận tải đang dự thảo Nghị định 86/NĐ-CP sửa đổi về kinh doanh vận tải bằng ô tô trong đó nổi bật với quy định yêu cầu các tài xế taxi công nghệ gắn mào taxi E.
Ảnh minh họa.
Bộ Giao thông vận tải đang dự thảo Nghị định 86/NĐ-CP sửa đổi về kinh doanh vận tải bằng ô tô trong đó nổi bật với quy định yêu cầu các tài xế taxi công nghệ gắn mào taxi E.
Điều 6 Dự thảo Nghị định 86/NĐ-CP sửa đổi nêu rõ, xe taxi sẽ gồm taxi truyền thống tính tiền theo đồng hồ và taxi tính tiền thông qua ứng dụng phần mềm điện tử. Taxi truyền thống vẫn giữ nguyên mào taxi như hiện nay và có sơn, logo biểu trưng của doanh nghiệp, trong khi taxi công nghệ sẽ gắn mào Taxi E.
Trước một số thông tin về quy định này, nhiều ý kiến trái chiều đã được đưa ra.
Lãnh đạo Hiệp hội taxi Hà Nội phân tích, dự thảo Nghị định 86/NĐ-CP sửa đổi vẫn đưa ra các điều kiện rất khắt khe và ràng buộc với các doanh nghiệp taxi truyền thống. Vậy nên, nếu đưa taxi công nghệ vào quản lý, vậy thì hệ thống tính tiền điện tử sẽ do đơn vị nào kiểm định?
Số lượng taxi cũng là một vấn đề cần cân nhắc, hiện tại, Hà Nội có khoảng 18.000 xe taxi do bị khống chế bởi quy hoạch của thành phố nhưng khi cho phép gắn mào Taxi E cho các công ty như GrabTaxi và Uber sẽ khiến số lượng xe taxi chính thức của Hà Nội tăng cao và gây khó quản lý.
Thiếu sự công bằng
Đối với các đơn vị kinh doanh vận tải, họ sẽ phải mất nhiều chi phí cho việc đào tạo lái xe, trang bị cơ sở vật chất hay xây dựng thương hiệu. Hơn nữa, các công ty này cũng chịu sự theo dõi, quản lý ngặt nghèo của các đơn vị chức năng.
Trong khi đó, các công ty như Uber và Grab sử dụng hệ thống quản lý trực tuyến với tài xế. Thực chất, các tài xế lái xe Uber, Grab chỉ là những đối tác của ứng dụng này chứ không phải là nhân viên của công ty họ.
Trên thực tế, các ứng dụng đặt taxi qua điện thoại di động tuy có lượng tài xế lớn nhưng còn quản lý rất lỏng lẻo, chủ yếu là thông qua các hình thức điện tử như định vị vị trí xe, bản mềm giấy tờ của tài xế.
Thậm chí, nhiều hành khách còn “tố” là tài xế không đúng như hình trên ứng dụng, chỉ có xe là đúng với đăng ký trên hệ thống. Vì vậy, “việc hợp pháp hóa taxi Uber, Grab bằng việc gắn mào là thiếu công bằng với những đơn vị kinh doanh taxi truyền thống”, đại diện một công ty vận tải chia sẻ.
Vẫn cần có hành lang pháp lý
Taxi Uber và Grab tại Việt Nam đang dần trở lên phổ biến
Đứng trước nguy cơ bùng nổ về lượng taxi công nghệ thông qua các ứng dụng tương tự Uber, Grab, nhiều ý kiến cho rằng vẫn cần phải có sự quản lý.
Theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, bất cứ loại hình taxi nào cũng phải chịu các quy định chung như về niên hạn xe, tiêu chuẩn người lái, có bộ phận giám sát an toàn... để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng và bình đẳng với doanh nghiệp.
Đồng thời, nên để các xe cá nhân dạng Uber, Grab hoạt động trong các hợp tác xã, doanh nghiệp chứ không có tình trạng chạy riêng lẻ không chịu sự quản lý và hoạt động lộn xộn như hiện nay.
Còn theo ý kiến của ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội thì “Dự thảo này vẫn chưa phải là một văn bản chính thức, vì vậy các đơn vị kinh doanh vận tải không nên quá lo lắng”.
Đồng thời, ông cũng cho rằng phải làm rõ thế nào là Taxi E và khi đã là taxi thì phải chịu các quy định như taxi truyền thống mới đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng, không gây ra phản ứng dư luận.
Nguyễn Thắm / BizLIVE