Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020 định hướng đến 2030 cho thấy lượng gạo xuất khẩu hàng năm dự kiến 4,5-5 triệu tấn, thu về đến 2,5 tỷ USD.
Ảnh minh họa. |
Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi các bộ ngành, Hiệp hội lương thực, các cơ quan liên quan về việc triển khai Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bản chiến lược này được xây dựng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu của sản phẩm gạo xuất khẩu và thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo Việt Nam, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, xuất khẩu…
Chiến lược xác định đa dạng hoá thị trường, giảm phụ thuộc vào một số thị trường nhất định, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế về kinh tế và hợp tác quốc tế về đầu tư sản xuất, chế biến, xuất khẩu gạo, khai thác cơ hội, tiềm năng, lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị, thương hiệu và uy tín của gạo Việt.
Chiến lược chia làm 2 giai đoạn, từ năm 2017 - 2020, lượng gạo xuất khẩu hàng năm đạt 4,5 -5 triệu tấn, thu về 2,2 - 2,3 tỷ USD/năm.
Trong giai đoạn từ 2021 - 2030, lượng gạo xuất khẩu hàng năm khoảng 4 triệu tấn, trị giá 2,3 -2,5 tỷ USD.
Đến năm 2020, cơ cấu gạo xuất khẩu cũng thay đổi, gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình không vượt quá 20% tổng lượng gạo xuấ khẩu, gạo Japonica chiếm 30%, gạo nếp 20%, các loại gạo khác khoảng 5%.
Đến năm 2030, tỷ lệ gạo trắng thường chỉ chiếm 25%, gạo phẩm cấp trung bình dưới 10%, gạo Japonica chiếm 40%, gạo nếp 25%, gạo dinh dưỡng khác khoảng trên 10%.
Chiến lược xác định rõ việc tăng tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp vào các thị trường, trực tiếp vào các hệ thống phân phối gạo của các nước, khai thác hợp lý. Đến năm 2020, xuất khẩu gạo sang châu Á chiếm 60% tổng lượng xuất, thị trường châu Phi khoảng 22%, Trung Đông 2%, chây Âu khoảng 5%, châu Mỹ khoảng 8%, châu ÚC là 3%.
“Cần chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu theo hướng bền vững, khai thác nhu cầu ở các thị trườg trọng điểm, truyền thống, phát triển các thị trường mới với nhiều loại gạo chất lượng, có giá trị kinh tế cao”, Chiến lược nhấn mạnh.
Chiến lược được Thủ tướng phê duyệt còn đặc biệt chú trọng xuất khẩu gạo vào các thị trường như Đông Nam Á (Philippine, Indonesia, Malaysia), Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
“Thúc đẩy quan hệ thương mại gạo theo hướng ổn định, bền vững, hiệu quả, đưa gạo có chất lượng, thương hiệu, giá trị cao phân phối trực tiếp, duy trì thị phần gạo Việt của Trung Quốc ở mức cao”, bản Chiến lược đề cập.
Để đạt được những mục tiêu trên, ngành lúa gạo phải cơ cấu diện tích, năng suất, để giảm dần sản lượng gạo hàng hoá để xuất khẩu về mức 4,5- 5 triệu tấn năm 2020 và 4 triệu tấn năm 2030. Chuyển đổi canh tác đất lúa kém sang nuôi trồng thuỷ sản, trồng cây khác…
Đặc biệt, bản Chiến lược còn đề cập đến việc xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam, cải tiến công nghệ sau thu hoạch và chế biến các sản phảm từ lúa gạo. Khuyến khích chọn các loại giống tốt, chất lượng cao.
Ngoài ra, Chính phủ còn xác định đầu tư phòng kiểm định chất lượng gạo đạt tiêu chuẩn quốc tế tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long để tạo điều kiện cho kiểm tra chất lượng gạo xuất khẩu, góp phần nâng cao chất lượng hạt gạo Việt với chuẩn quốc tế. Hỗ trợ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận ở trong nước và nước ngoài.
Nhiều giải pháp về công nghệ, hạ tầng giao thông, hợp tác đầu tư chế biến sau thu hoạch, xã hội hoá hoạt động đầu tư hạ tầng cho dịch vụ logistics phục vụ xuất khẩu gạo… cũng đã được nhắc đến để hỗ trợ cho hạt gạo Việt ra thế giới.
Tâm An / BizLIVE