Dù nổi tiếng là nước xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới nhưng trên thị trường, gạo Việt không có thương hiệu, bị lép vế còn tại nội địa thì bị các loại gạo được cho là của Campuchia, Thái, Nhật, Hàn, Hà Lan, Mỹ… lấn át.
Gạo Việt chưa tạo được thương hiệu đặc trưng, mang dấu ấn trên thị trường
Yếu thế tại nội địa
Khảo sát thực tế tại các chợ, siêu thị trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cho thấy, phần lớn gạo bày bán đều có xuất xứ hoặc tên nước ngoài như: gạo Nhật Japonica, thơm Đài Loan, thơm Hà Lan… Riêng các vựa, tiệm bán gạo sỉ, lẻ gạo Thái, gạo Campuchia cũng tràn ngập và dành thế chủ động không kém. Tuy nhiên, theo phản ánh của các tiểu thương kinh doanh gạo, thực tế không có nhiều gạo ngoại nhập trên thị trường. Người tiêu dùng đang bị đánh lừa bởi tâm lý chuộng hàng ngoại. Tất cả sản phẩm có tên gạo rất tây chỉ là cách đặt tên hoặc là giống ngoại.
Có thể thấy, nguyên nhân của thực trạng này là do các đơn vị sản xuất gạo của Việt Nam không tạo ra được những sản phẩm đặc trưng, mang dấu ấn riêng cho mình. Và thị trường gạo đang bị “bội thực” với những tên gọi “na ná” nhau. Đơn cử, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) dù có nhiều nhãn hiệu gạo như: Bông bưởi xanh, Bông bưởi vàng, Bông bưởi đỏ, Bông bưởi đỏ đậm, Bông sứ, Bông trạng nguyên, Thiên Nga, Lộc Trời…. song lại thiếu sự đặc trưng và không tạo ấn tượng về chất lượng riêng.
Nhìn nhận thực tế của thị trường, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao - cho biết, do thiếu những sản phẩm gạo ngon nên vô hình trung đã tạo điều kiện cho người tiêu dùng tìm đến những sản phẩm gạo gắn mác ngoại. Dẫn tới việc gạo Việt càng trở nên yếu thế hơn.
Theo bà Hạnh, hầu hết gạo ngoại đang bán trên thị trường đều là giống ngoại trồng ở Việt Nam nhưng làm bao bì đẹp, in toàn tiếng nước ngoài. Thậm chí, không ít sản phẩm dán nhãn phụ tiếng Việt giống gạo nhập khẩu gây sự hiểu lầm có giá trị.
Thiếu gao thương hiệu cho xuất khẩu
Không riêng sản phẩm tiêu thụ trong nước, gạo xuất khẩu của Việt Nam không tạo dấu ấn cho người tiêu dùng các nước. Đa phần gạo Việt chất lượng thấp đang vào thị trường giá trị thấp. Ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia tư vấn thương hiệu nhận định: “Gạo Việt tự phát chạy theo nhu cầu thị trường, thay vì định vị tập trung vào thị trường mục tiêu. Đa số sản phẩm gạo xuất khẩu chỉ có giá trị trung bình nên ít thâm nhập vào thị trường cao cấp như: châu Âu, Mỹ mà chỉ tập trung xuất khẩu vào các nước châu Á”. Do vắng bóng gạo cao cấp nên giá trị và sản lượng gạo Việt Nam đang giảm so với các nước. Trước đây, Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về sản lượng xuất khẩu gạo thì nay bị tụt hạng một bậc. Thực tế chứng minh, từ trước đến nay gạo Việt Nam chủ yếu “lấy lòng” nhà nhập khẩu các nước chủ yếu bằng giá thấp. Tuy nhiên, thời gian tới ưu điểm này không còn là lợi thế, bởi tồn kho gạo của Thái Lan rất lớn. Song song đó, lợi thế về địa lý đang tạo điều kiện cho gạo Ấn Độ và Pakistan phát triển mạnh.
Ông Võ Minh Khải - chủ nông trại gạo hữu cơ Hoa sữa (Cà Mau) đề xuất, để xây dựng thương hiệu gạo, trước tiên phải tạo sự khác biệt về mẫu mã và chất lượng được cụ thể bằng việc nghiên cứu, sản xuất theo hướng hiện đại.
Tuy nhiên, ông Phạm Hưng Lâm - Giám đốc Công ty gạo Hưng Lâm (An Giang) cho rằng, xây dựng thương hiệu cho gạo không dễ bởi yếu tố mùa vụ và thổ nhưỡng của mỗi vùng khác nhau. Chẳng hạn như gạo nàng thơm Long An, gạo mầm An Giang… đều có diện tích trồng ít, không tập trung nên khi doanh nghiệp muốn chọn làm sản phẩm chủ lực để xây dựng thương hiệu xuất khẩu rất khó. Lý do, xuất khẩu phải cần số lượng nhiều, cung cấp liên tục chứ không thể nay bán vài trăm tấn nhưng mai lại không đủ hàng. Đây là nguyên nhân Hưng Lâm chọn gạo thơm Jasmine (một sản phẩm được trồng đại trà) làm sản phẩm chủ lực xuất khẩu - dù đây chỉ là mặt hàng mang giá trị trung bình.
Ngoài ra, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp ngành gạo, muốn xây dựng thương hiệu cho gạo Việt, ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp trong việc chọn giống lúa, các bộ ngành và địa phương cần nhanh chóng tháo gỡ một số vướng mắc khi triển khai Nghị định số 210/2013/NĐ-CP và Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Chính phủ. Theo lý giải của các doanh nghiệp, đến thời điểm này dù Nghị định số 210 đưa ra nhiều quy định hỗ trợ tài chính như: tài trợ một phần chi phí dự án; miễn, giảm các mức thuế phải nộp; hỗ trợ chi phí vận chuyển… nhưng do các Thông tư hướng dẫn chưa thể hiện rõ ràng các tiêu chí phân loại dự án, thủ tục thẩm định… nên các doanh nghiệp chưa tiếp cận được. Trong khi đó, Quyết định 68 mặc dù đã được triển khai thực hiện 2 năm nay nhưng, trong các văn bản hướng dẫn mới chỉ tập trung vào nhóm hộ nông dân, hợp tác xã mà chưa đề cập gì đến hỗ trợ doanh nghiệp...