Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy mô tổng sản phẩm trong nước 6 tháng đạt gần 4 triệu tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 5,8%.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, quy mô tổng sản phẩm trong nước 6 tháng đạt gần 4 triệu tỷ đồng; tốc độ tăng GDP dự báo đạt khoảng 5,8%.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế Việt Nam hiện vẫn đang theo xu hướng tích cực, kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực.
Dựa trên các số liệu đã đạt được trong 5 tháng qua và dự báo tình hình của tháng 6/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, quy mô tổng sản phẩm trong nước 6 tháng đạt gần 4 triệu tỷ đồng; tốc độ tăng GDP dự báo đạt khoảng 5,8%.
Tốc độ tăng trưởng này là thấp hơn 0,42 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ (tăng 6,22%) và thấp hơn 0,12 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản Chính phủ cập nhật lại tại thời điểm quý I năm 2021 (tăng 5,92%).
Các chỉ tiêu kinh tế khác được dự báo rằng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 55,5% dự toán, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2020, xấp xỉ so với mức thực hiện cùng kỳ năm 2019.
Trong khi đó, chi ngân sách nhà nước ước đạt 43% dự toán; giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm ước đạt 34,15% kế hoạch (cùng kỳ năm 2020 đạt 34,85%).
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm nay, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển ổn định nhưng tiêu thụ nông sản gặp khó khăn.
Dự báo, mức tăng trưởng của khu vực này trong nửa đầu năm đạt khoảng 3%, thấp hơn 0,34 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản của Nghị quyết số 01/NQ-CP (3,34%) và thấp hơn 0,46 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản cập nhật (3,46%).
Trong khi đó, tuy sản xuất công nghiệp - xây dựng phục hồi nhưng do dịch Covid-19, một số khu công nghiệp bị ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, nhất là sản xuất các sản phẩm điện tử, nên dự báo tăng trưởng khu vực này đạt khoảng 7,85%.
Mức tăng trưởng này của khu vực công nghiệp - xây dựng như vậy là thấp hơn 0,71 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản của Nghị quyết số 01/NQ-CP (8,56%) và thấp hơn 0,06 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản cập nhật (7,91%).
Cụ thể hơn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, sản lượng sản phẩm các ngành dệt may, da giày, ô tô có mức tăng tốt, tuy nhiên sản lượng các sản phẩm điện tử dự báo chỉ đạt mức tăng thấp hoặc giảm.
Còn khu vực dịch vụ, dự báo chỉ tăng trưởng khoảng 5%, thấp hơn 0,33 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản của Nghị quyết số 01/NQ-CP (5,33%) và thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản cập nhật (5,2%).
Cũng theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tiêu dùng tiếp tục xu hướng phục hồi, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội dự báo tăng khoảng 7,1%, nhưng nhiều hoạt động dịch vụ như du lịch, vận tải,… tiếp tục gặp khó khăn, giảm sâu do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Hoạt động của doanh nghiệp cũng được dự báo còn khó khăn. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới dự báo tiếp tục xu hướng tăng thấp (khoảng 1,6%) nhưng số vốn đăng ký mới dự báo xu hướng tăng cao (khoảng 34,8%). Bên cạnh đó, xu hướng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn ở mức khá cao.
Những dự báo này cho thấy, tình hình kinh tế của Việt Nam vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là sau khi có tới hai đợt Covid-19 bùng phát trở lại, vào cuối tháng 1 và cuối tháng 4/2021.
Với tốc độ tăng trưởng GDP quý I và dự báo 6 tháng đầu năm chưa đạt mục tiêu theo kịch bản đề ra, thì áp lực rất lớn đang đặt vào các tháng cuối năm. Điều này đòi hỏi nỗ lực rất lớn của toàn nền kinh tế thì mới có thể đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra là 6,5%.