Tăng trưởng GDP quý I năm nay cao hơn năm 2020, năm đầu Covid-19 bùng phát, nhưng vẫn thấp hơn 10 năm trước đó.
Sáng nay (29/3), Tổng cục Thống kê công bố số liệu kinh tế - xã hội trong 3 tháng đầu năm 2021. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 3,68% của quý I/2020, nhưng thấp nhất trong giai đoạn 10 năm trước đó.
Theo Tổng cục Thống kê, từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 3, Covid-19 diễn biến phức tạp tại một số địa phương đã ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế – xã hội. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,16%, đóng góp 8,34% vào mức tăng trưởng chung; công nghiệp và xây dựng tăng 6,3%, đóng góp gần 56% và khu vực dịch vụ tăng 3,34%, đóng góp 35,7%.
Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng với mức tăng 9,45%. Ngành khai khoáng tăng trưởng âm 8,24% do sản lượng dầu thô khai thác giảm 11% và khí đốt tự nhiên giảm 16,1%. Ngành xây dựng tăng 5,17%, cao hơn mức tăng 4,37% của quý I/2020.
Khu vực dịch vụ tăng trưởng tích cực khi dịch Covid-19 được kiểm soát chặt chẽ, doanh nghiệp xuất khẩu đã tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do được ký kết. Một số ngành có tăng trưởng như bán buôn và bán lẻ tăng 6,45%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,35%. Ngược lại, ngành vận tải, kho bãi giảm 2,17%; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 4,49%.
Quý I cũng ghi nhận sự phục hồi của xuất, nhập khẩu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước tính hơn 152 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa quý I ước xuất siêu hơn 2 tỷ USD.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp trên thế giới với các biến thể mới, kinh tế – xã hội được dự báo còn phải đối mặt với nhiều thách thức. "Việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân", Tổng cục Thống kê đánh giá.
Cơ quan này kiến nghị cần kiểm soát tốt dịch, nhanh chóng triển khai tiêm vaccine, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nhanh các gói hỗ trợ, tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Ngành nông nghiệp cần điều chỉnh cơ cấu mùa vụ lúa, diện tích gieo trồng, cơ cấu giống hoặc chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên đất trồng lúa; tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm...