Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% mà Chính phủ đã đề ra, GDP 6 tháng tới phải tăng được 7,4%. Đây là điều chưa từng có trong tiền lệ 10 năm qua.
Điều ngạc nhiên nhất là ngành dịch vụ tăng mạnh
Số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê cho biết GDP 6 tháng vừa qua ước tính đạt 5,73%, trong đó quý I đạt 5,15%, quý II có sự khởi sắc hơn với mức tăng trưởng 6,17%.
Trong mức tăng 5,73% của nền kinh tế, khu vực nông – lâm – thủy sản tăng 2,65%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,81%, đóng góp 2 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,85% là mức cao nhất trong cùng kỳ 5 năm gần đây, đóng góp 2,59 điểm phần trăm.
Những con số trên được đánh giá là khá tích cực và nền kinh tế đang có đà tăng trưởng, quý sau cao hơn quý trước nhưng theo tính toán của Tổng cục Thống kê, để đạt được mục tiêu đã đề ra, 6 tháng cuối năm nền kinh tế phải tăng được 7,4% - là điều chưa bao giờ có trong 10 năm qua, như nhận xét của ông Hà Quang Tuyến – Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia.
Trao đổi với chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, ông cho biết những con số đưa ra thể hiện nền kinh tế đang có khởi sắc nhất định, trong đó, ông ấn tượng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của của ngành dịch vụ.
“Đó là điều ngạc nhiên nhất với tôi, tôi không nghĩ là nó có thể tăng mạnh như vậy”, ông cho biết.
Dù vậy, đối với mục tiêu 6,7%, ông Tuấn Minh bày tỏ sự lo ngại. Bởi lẽ, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện vẫn chưa ổn định, lên xuống thất thường liệu tăng trưởng của khu vực này có duy trì tiếp ở ngưỡng cao hay không.
“Tôi khá nghi ngờ về điều này”, ông cho biết.
Bên cạnh đó, với ngành như công nghiệp chế biến chế tạo cũng chưa có nhiều đột phá, đặc biệt là khai khoáng. Mặc dù Chính phủ đã yêu cầu khai thác thêm 1 triệu tấn dầu để đảm bảo tăng trưởng nhưng trong bối cảnh giá dầu giảm – hiện giá dầu WTI giao dịch ở ngưỡng 45 USD/thùng so với mức 53 USD đầu năm 2017, dầu Brent cũng giảm xuống còn hơn 47 USD với mức 57 USD trước đó – liệu có đảm bảo được?
Những vấn đề khác như xuất khẩu, khu vực kinh tế tư nhân... ông Minh cũng nhận định là có cải thiện nhưng chưa có nhiều đột biến, do đó, việc tăng trưởng có đạt được mức 6,7% hay không vẫn còn là một ẩn số lớn.
Kỳ tích liệu có thể xảy ra?
TS. Cấn Văn Lực nhiều lần khẳng định với báo chí, Việt Nam cần phải tăng tiêu dùng nội địa. Điều này còn hiệu quả hơn khai thác 1 triệu tấn dầu, giúp Việt Nam đạt được mục tiêu đề ra là 6,7%
“Chỉ 1% tiêu dùng nội địa tăng lên thì nền kinh tế đã có thêm 38.000 tỷ đồng, gấp 4 lần so với con số ước tính 9.200 tỷ thu được nếu khai thác thêm 1 triệu tấn dầu”, ông nói.
Ông cũng đề cập đến việc phát triển du lịch. Vì nếu đạt được mục tiêu tăng trưởng ngành từ 30 – 35% trong năm nay, ngân sách sẽ có thêm từ 7.000 – 8.000 tỷ đồng, bổ sung cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, việc nuôi dưỡng 61.000 doanh nghiệp đã ra đời trong 6 tháng đầu năm để họ phát triển cũng là cách giúp cho nền kinh tế phát triển ổn định bền vững.
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thì khẳng định Việt Nam có thể đạt được từ 8 – 9% trong tầm tay thay vì cứ loay hoay mức 6,7% như bây giờ.
Ví dụ, tài sản của DNNN đang có trong giá trị 300 tỷ USD, nếu cải thiện được, chỉ cần tăng 1 điểm % sẽ thu về được 3 tỷ USD, bằng 1,5% điểm GDP. Trong khi đó, như đánh giá, dư địa này có thể đạt được 4 điểm %.
Ông cho biết tài sản của khối doanh nghiệp này đang là 300 tỷ USD, nếu tăng được 1 điểm %, sẽ thu về 3 tỷ USD, bằng 1,5 điểm % GDP. Ông Cung đánh giá dư địa này có thể đạt được đến 4 điểm % tăng trưởng.
Hay như ở khu vực kinh tế tư nhân với tổng tài sản ước tính 200 tỷ USD, chỉ cần tăng 1 điểm %, nền kinh tế sẽ có thêm được 2 tỷ USD.
Nghĩa là, theo Viện trưởng Viện CIEM, nền kinh tế của Việt Nam còn rất nhiều dư địa, mà nếu làm tốt, tái cơ cấu, phân bổ hiệu quả, những mức tăng trưởng đạt được sẽ cao hơn rất nhiều con số mà chúng ta đặt ra trước đây. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận đây là tầm nhìn của tương lai, mà đây là bước đệm. Trước mắt, mức tăng trưởng 6,7% là hợp lý, nhưng không hề dễ đạt được.
Theo N Dương / Trí thức trẻ