Gemadept (GMD) đã tận dụng sự hiện diện trong hầu hết chuỗi giá trị logistics để trở thành nhà cung cấp dịch vụ logistics tích hợp, từ đầu đến cuối.
Ảnh minh họa.
Lợi nhuận 9 tháng vượt mục tiêu cả năm
Theo BCTC hợp nhất quý III/2015 của CTCP Gemadept (mã GMD), doanh thu thuần của công ty tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, lãi ròng quý 3 tăng mạnh, gấp hơn 3 lần cùng kỳ khi đạt 103.5 tỷ đồng.
Cụ thể, trong quý III, doanh thu thuần của GMD đạt 935 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán ghi nhận 660,28 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, lãi gộp quý III đạt 274,44 tỷ đồng, tăng 76%.
Doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh trên 123% và đạt 22,07 tỷ đồng. Chi phí tài chính cũng tăng vọt trên 181% so với cùng kỳ và ghi nhận 83,85 tỷ đồng. Trong đó lãi vay phải trả là 33,31 tỷ đồng, không có nhiều biến động.
Chi phí bán hàng quý III ghi nhận 11,85 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Ngược lại, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm hơn 17 tỷ đồng (giảm 19,6%) và ghi nhận 69,84 tỷ đồng.
Kết quả, GMD có lợi nhuận sau thuế quý III năm 2015 đạt 122,08 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ năm ngoái. EPS đạt 891 đồng/cổ phiếu.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, GMD có tổng doanh thu thuần 2.657 tỷ đồng, tăng 26,8% so với cùng kỳ. Tổng lợi nhuận trước thuế đạt 389,68 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận sau thuế đạt 355,08 tỷ đồng, giảm 35,7% so với 9 tháng đầu năm 2014. EPS 9 tháng đầu năm đạt 2.643 đồng/cổ phiếu.
Với kế hoạch doanh thu 3.200 tỷ đồng và kế hoạch lợi nhuận 330 tỷ đồng đã đề ra, công ty đã hoàn thành lần lượt 83% và 118%.
GMD có những gì?
Có thể nói, GMD có được kết quả kinh doanh khá khả quan trên một phần là nhờ vị thế là một trong những nhà cung cấp dịch vụ logistics lớn nhất Việt Nam và là một trong số ít những công ty trong nước đủ khả năng cung cấp tất cả các dịch vụ logistics trong chuỗi cung ứng và có nhiều loại tài sản khác nhau như cảng, trung tâm phân phối, kho chứa và các ICD.
GMD đã tận dụng sự hiện diện trong hầu hết chuỗi giá trị logistics để trở thành nhà cung cấp dịch vụ logistics tích hợp, từ đầu đến cuối.
Một lợi thế chủ chốt khác của GMD là sự sở hữu hoàn toàn các tài sản trong chuỗi giá trị logistics, giúp công ty có sự kiểm soát cao hơn so với việc thuê các tài sản này từ bên thứ ba, hoặc lệ thuộc vào các dịch vụ thuê ngoài để sử dụng trong chuỗi giá trị logistics.
Nguồn: GMD
Về cảng biển, GMD sở hữu và vận hành tổng cộng 5 cảng biển phân phối kéo dài dọc bờ biển miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam. Hệ thống cảng của GMD có thể xứ lý tổng cộng 595.000 TEU lượng hàng hóa container và 1,44 triệu tấn hàng hóa lớn (chỉ tại cảng Dung Quất) trong năm 2014, chiếm 5,8% tổng khối lượng container và 0,8% hàng hóa lớn xử lý tại cảng Việt Nam trong năm 2014.
Về cảng hàng hóa hàng không, toạ lạc tại một khu vực rộng 14,3ha tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, SCSC bao gồm 2 khu vực chính bao gồm cả sân bay với tổng diện tích 52.000 m² có thể tiếp nhận 3 máy bay Boeing 747 – 400F cùng một thời điểm, và khu vực chứa hàng hóa với tổng diện tích 91.000 m² cùng với công suất thiết kế 200.000 tấn hàng hóa mỗi năm.
Tổng số hàng hóa đi qua cảng hàng không SCSC đạt 71.308 tấn trong năm 2014 (tăng 14,7% so với năm trước đó), cho thấy vẫn còn khả năng tăng trưởng khối lượng tại cảng hàng không này mà không cần đầu tư thêm vốn.
Về điểm thông quan nội địa (ICDs), tọa lạc tại một khu vực rộng 12ha trên đường cao tốc Hà Nội, ở quận Thủ Đức của TPHCM, kho Phước Long ICD đã có hơn 30 năm hoạt động cung cấp gói dịch vụ đa dạng từ dịch vụ thông quan, xe tải và vận chuyển xà lan đến các trạm chứa container hàng hóa (CFS). Tổng số lượng hàng hóa đi qua Phước Long ICD trong năm 2014 đạt 442.000 tấn (tăng 9% so với năm 2013).
Về trung tâm phân phối (DC), hiện tại, hệ thống DC của GMD bao gồm DC 1, 2, 4 và An Thạnh tại tỉnh Bình Dương. Trong quý III/2015, DC 3 tại Bình Dương và trung tâm logistics tại Hải Dương đã đi vào hoạt động.
DC 3 có tổng diện tích 11.000 m² và công suất 18.300 pallet, trong khi trung tâm logistics tại Hải Dương là nhà kho truyền thống (không phải kho chứa pallet) với tổng diện tích 10.000 m². Hai cơ sở mới này đã nâng tổng diện tích và công suất của mạng lưới DC thuộc GMD lên lần lượt 21% và 29% đạt 123.172 m² và 80.000 pallet.
Trong quý III/2016, hệ thống kho lạnh tại Hậu Giang cho nhà máy thủy sản Minh Phú có thể đi vào hoạt động; kho lạnh này có diện tích 15.000 m² và công suất 50.000 pallet, có vai trò quan trọng khi đánh dấu sự hiện diện của GMD vào phân khúc chuỗi giá trị logistics đông lạnh, đang dần nổi lên, tạo ra biên lợi nhuận cao hơn và ước tính tăng trưởng nhanh chóng nhờ khả năng hội nhập vào mô hình bán lẻ hàng tươi sống hiện đại, cũng như ngành bán lẻ F&B (thực phẩm & thức uống) tăng trưởng mạnh trên khắp Việt Nam.
Về đội xe tải, công ty hiện đang sở hữu đội xe có quy mô đáng kể bao gồm 155 đầu kéo, 51 xe tải nhẹ (loại 1,5-5 tấn) phục vụ các tuyến đường ngắn và 250 rơ-móc. GMD cũng có 10 công ty hợp tác khác với năng lực hơn 200 xe tải đủ chủng loại. Trong năm 2015 và 2016, GMD có ý định mua thêm 50-100 xe tải nhỏ cho việc phân phối trong nội thành.
Về đội xà lan, GMD sở hữu và vận hành 14 xà lan vận tải đường thủy với công suất của mỗi xà lan 50-100 TEU. GMD dự tính đầu tư thêm 1 đến 2 xà lan trong cuối năm 2015 hoặc đầu năm sau với công suất 120-180 TEU để tập trung vào tuyến Việt Nam-Cambodia.
Đội tàu hàng hải, GMD sở hữu 4 tàu feeder (tàu vận chuyển nhỏ), bao gồm Pacific Gloria, Pacific Pearl, Pacific Grace và Pacific Express với tổng công suất 2.983 TEU. Trong năm 2014, đợi tàu hàng hải của GMD đạt được hiệu suất hoạt động trung bình khoảng 90%.
Việc mở rộng đội tàu này không phải là ưu tiên hàng đầu của GMD trong bối cảnh giá cước vận tải biển ở mức thấp; tuy nhiên những tài sản này giúp hoàn thành các dịch vụ logistics khác của GMD khi cung cấp các giải pháp toàn diện cho khách hàng.
Việc sở hữu đội vận tải riêng yêu cầu số vốn cao nhưng cho phép GMD có sự kiểm soát tốt hơn hệ thống logistics thay vì sử dụng dịch vụ thuê ngoài hoặc thuê lại phương tiện của bên thứ ba, cho phép tối ưu hóa hoạt động và duy trì chất lượng dịch vụ.
LINH LINH / BizLIVE