Kể từ 1/1/2021, danh mục doanh nghiệp nhà nước sẽ kéo dài hơn, với sự xuất hiện trở lại của các doanh nghiệp có vốn nhà nước trên 50%. Đang có khá nhiều trăn trở từ những người... bước lại.
Hành trình vật lộn đưa doanh nghiệp nhà nước trở lại đường ray phát triển vẫn tiếp tục. Lần này là sự thay đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước và mục tiêu niêm yết trên thị trường chứng khoán lớn của thế giới. Nhưng ai sẽ là người thực thi các nhiệm vụ này khi những chiếc ghế lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, đại diện phần vốn nhà nước trong doanh nghiệp ngày càng nóng, nhiều rủi ro...
Với sự thay đổi khái niệm, bức tranh doanh nghiệp nhà nước sẽ có thêm những màu sắc rất khác kể từ năm 2021. Ảnh: Đức Thanh
Bài 1: Khi người đại diện đòi khế ước
Kể từ ngày 1/1/2021, danh mục doanh nghiệp nhà nước sẽ kéo dài hơn, với sự xuất hiện trở lại của các doanh nghiệp có vốn nhà nước trên 50%. Đang có khá nhiều trăn trở từ những người... bước lại.
Chân dung doanh nghiệp nhà nước mới
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đang có một tâm thế rất khác. “Từ ngày 1/1/2021, chúng tôi trở lại là doanh nghiệp nhà nước, theo Luật Doanh nghiệp 2020”, ông Trường nói.
Ngay lúc này, về mặt pháp lý, ông Trường và cả Vinatex chỉ là những người... liên quan đến khu vực doanh nghiệp nhà nước. Vinatex đã được cổ phần hóa cách đây 5 năm, Nhà nước còn 53,49% vốn điều lệ và Vinatex đang nằm trong quá trình tiếp tục thoái vốn nhà nước. Ông Trường là đại diện phần vốn nhà nước tại đây.
Tuy nhiên, một tháng nữa, khi Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực, Vinatex sẽ có tên trong danh sách doanh nghiệp nhà nước, thuộc nhóm doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Cùng với Vinatex, sẽ có hơn cả ngàn doanh nghiệp trở lại là doanh nghiệp nhà nước. Đây là các công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con; công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty cổ phần là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Nhóm còn lại là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, đang có khoảng 500 doanh nghiệp, là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - con và công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Như vậy, bức tranh doanh nghiệp nhà nước kể từ năm 2021 sẽ có thêm những màu sắc rất khác so với giai đoạn 5 năm trước, tính từ thời điểm có hiệu lực của Luật Doanh nghiệp 2014.
Trăn trở của người... bước lại
Thực ra, các doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối vẫn có tên trong các đánh giá về khu vực doanh nghiệp nhà nước, hiệu quả đầu tư của vốn nhà nước trong doanh nghiệp.
Trong niên giám thống kê hàng năm cũng như Sách Trắng doanh nghiệp năm 2020 do Tổng cục Thống kê phát hành, bảng phân tích cơ cấu doanh thu, lợi nhuận của hệ thống doanh nghiệp Việt Nam, thì phần doanh nghiệp nhà nước được tính cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối. Trong đánh giá vai trò của khu vực này trong nền kinh tế, Vinatex, Vietnam Airlines... và nhiều doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối đều được nhắc tên là những người tiên phong...
Về tổ chức hoạt động, theo Luật Doanh nghiệp 2020, nhóm doanh nghiệp này cũng không có nhiều thay đổi so với hiện tại, khi vẫn tuân thủ quy định của hình thức công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần... Điểm khác lớn là các doanh nghiệp này sẽ phải tuân thủ quy định dành cho đối tượng là doanh nghiệp nhà nước ở một số luật, như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý tài sản công, Luật Tiếp cận thông tin, Bộ luật Dân sự, Luật Thủy lợi, Luật Lâm nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Kiểm toán nhà nước.
Nhưng tác động của sự thay đổi là tích cực. Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Ban Soạn thảo Luật Doanh nghiệp từng nhấn mạnh, cách phân loại này là để đảm bảo cơ chế quản trị, giám sát với doanh nghiệp tương ứng với mức vốn mà Nhà nước nắm giữ, chứ không phải cứ chi phối là làm gì cũng được. “Tới đây, cơ quan nhà nước khi làm việc với doanh nghiệp nhà nước sẽ phải xác định tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ để ứng xử phù hợp”, ông Hiếu phân tích.
Nhưng ông Trường vẫn không thực sự an tâm trước thời điểm chuyển đổi.
Hiện tại, 48% vốn điều lệ trong Vinatex thuộc về các cổ đông ngoài nhà nước. Họ có thể có ý đồ chiến lược, tính toán khác với ông chủ Nhà nước khi đầu tư vào tập đoàn này. Đây là lý do mà nguyên tắc hoạt động của doanh nghiệp cổ phần luôn dựa trên nguyên tắc dung hòa quyền lợi của các cổ đông, lợi ích của doanh nghiệp. Trong mối quan hệ này, vai trò của người đại diện phần vốn nhà nước, như trường hợp của ông Trường, vô cùng quan trọng, thậm chí có ý nghĩa quyết định tới sự phát triển của doanh nghiệp.
“Theo Điều 48, Điều 49, khoản 1, mục D của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69) về quyền và trách nhiệm của người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp, thì với những việc gì thuộc quyền hạn của hội đồng quản trị (HĐQT), hội đồng thành viên, người đại diện phải xin ý kiến chủ sở hữu trước khi biểu quyết. Nói chung, cổ đông đều không hiểu người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có quyền hạn, trách nhiệm, vai trò và cả chuyên môn thế nào mà làm việc gì cũng phải đi xin”, ông Trường dốc bầu tâm tư.
HĐQT của Vinatex có 7 người, gồm 3 người là cổ đông tư nhân, 4 người là đại diện cổ đông nhà nước. Ông Trường kể, cứ mỗi khi họp bàn việc cần dứt điểm thì các cổ đông nhà nước lại phải thực hiện quy trình xin ý kiến trước khi biểu quyết, có lúc mất 2 tuần, có lúc 1 tháng, lúc 2 tháng...
Cách đây nhiều năm, khi Vinatex chưa cổ phần hóa, sự chờ đợi này là đương nhiên, hay nói như nhiều lãnh đạo doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, thì khi nào có ý kiến mới làm. Khác với doanh nghiệp tư nhân, được toàn quyền với đồng tiền của mình, được làm những gì pháp luật không cấm, doanh nghiệp nhà nước chỉ được làm những điều mà chủ sở hữu quy định trong Điều lệ đã được Chính phủ phê duyệt.
Nhưng với công ty cổ phần, dù phần vốn nhà nước chi phối, sự chậm trễ sẽ làm khó doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của các cổ đông khác trong doanh nghiệp.
Không phải các cơ quan quản lý nhà nước không biết việc này. Ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công thương từng coi đây là một trong những điểm đầu tiên phải bàn tới khi tìm giải pháp nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.
“Vấn đề Chủ tịch Vinatex đặt ra rất thực tế. Nhiều khi xin ý kiến lâu, nhưng nhận ý kiến rồi có khi không biết xử lý thế nào. Trong kinh doanh, lâu là mất cơ hội; trong đầu tư, lâu làm tăng hệ số ICOR - căn bệnh kinh niên của doanh nghiệp nhà nước có lý do này”, ông An chia sẻ quan điểm cá nhân.
Khế ước giữa ông chủ Nhà nước và người đại diện
Trong sự bất an của người đại diện phần vốn nhà nước trong doanh nghiệp, có lỗi của cơ chế.
Luật số 69, Nghị định 10/2019/NĐ-CP về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước quy định rất chi tiết về các nội dung mà người đại diện phần vốn nhà nước trong doanh nghiệp, người đại diện vốn của doanh nghiệp phải báo cáo, xin ý kiến cơ quan đại diện chủ sở hữu, hay doanh nghiệp cử người đại diện trước khi tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết định tại đại hội đồng cổ đông, cuộc họp của HĐQT, hội đồng thành viên.
“Mọi rắc rối nằm ở chỗ, cả hai văn bản trên đều có đoạn chốt là ‘các vấn đề, nhiệm vụ khác...’. Để đảm bảo an toàn, các doanh nghiệp và cả cơ quan đại diện chủ sở hữu, các bộ, ngành đều ứng xử theo hướng báo cáo tất, xin tất, vì không biết rõ phần việc nào không cần. Thực sự, những người đại diện phần vốn nhà nước trong doanh nghiệp đang bị sức ép lớn vì cơ chế quá bó, hạn chế quyền tự chủ của doanh nghiệp”, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Ban Đổi mới doanh nghiệp (CIEM), một trong những chuyên gia kỳ cựu về doanh nghiệp nhà nước thừa nhận.
Đây không phải là khúc mắc khó giải. Ông Trường cho rằng, nguyên nhân cốt lõi là từ niềm tin của ông chủ và người đại diện phần vốn.
Về lý luận, 250 năm trước, Adam Smith, nhà kinh tế, chính trị học thế kỷ 18 đã xác định, chẳng bao giờ có niềm tin tuyệt đối của ông chủ và những người làm đại điện quản lý doanh nghiệp cho họ. Hai vị trí này luôn có khoảng cách trong suy nghĩ vì những lợi ích riêng có thể không trùng nhau. Để giải quyết, cơ chế ủy quyền, phân cấp đi cùng cơ chế giám sát, kiểm tra... được hình thành.
“Mối quan hệ giữa ông chủ Nhà nước và đại diện phần vốn nhà nước trong doanh nghiệp cũng tương tự như vậy, nếu rõ ràng, hoạt động sẽ thuận. Tôi nghĩ cần một khế ước”, ông Trường phân tích.
Khế ước giữa các vị trí này sẽ ghi rõ các vấn đề người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần báo cáo, xin ý kiến; còn lại giao quyền và giám sát thực thi bằng các mục tiêu.
Nhiều người đại diện vốn nhà nước chia sẻ quan điểm này. Bà Trần Thu Huyền, thành viên HĐQT, Giám đốc Khối Nhân sự VietinBank hình dung, thay vì cơ chế xin phê duyệt - được coi là tiền kiểm là cơ chế hậu kiểm - trao quyền cho người đại diện vốn, cùng với cơ chế giám sát.
“Cơ chế này sẽ nâng cao vai trò của thanh tra, giám sát, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, làm rõ trách nhiệm chính trị, hành chính và dân sự trong quan hệ kinh tế đối với doanh nghiệp nhà nước”, bà Huyền nói.
Doanh nghiệp khó hoạt động do cơ chế thì việc thay đổi là tất yếu. Việc sửa đổi Luật số 69 đã có trong kế hoạch, nhưng thay đổi thế nào có lẽ vẫn là chủ đề nóng.
Tổng số doanh nghiệp Việt Nam: 626.100. Số doanh nghiệp nhà nước: 2.269 (gồm cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối), chiếm 0,38% tổng số doanh nghiệp Việt Nam. Số doanh nghiệp 100% vốn nhà nước: 505, chiếm 0,18% tổng số doanh nghiệp Việt Nam. Số doanh nghiệp có lãi: 1.773, chiếm 78,5% tổng số doanh nghiệp Việt Nam. 51 doanh nghiệp kinh doanh hòa vốn, chiếm 2,2% tổng số doanh nghiệp Việt Nam. 436 doanh nghiệp lỗ, chiếm 19,3% tổng số doanh nghiệp Việt Nam. ICOR ở khu vực doanh nghiệp nhà nước là 8-10, so với mức 3-5 ở khu vực tư nhân. Số ngành, lĩnh vực kinh doanh Nhà nước duy trì 100% vốn điều lệ: 11. Số ngành, lĩnh vực kinh doanh Nhà nước duy trì trên 50% vốn điều lệ: 23. Nguồn: Sách Trắng doanh nghiệp Việt Nam 2020 |
Bài 2: Doanh nghiệp triệu tỷ và mức lương chục triệu
Lần này là sự thay đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước và mục tiêu niêm yết trên thị trường chứng khoán lớn của thế giới. Nhưng ai sẽ là người thực thi các nhiệm vụ này khi những chiếc ghế lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, đại diện phần vốn nhà nước trong doanh nghiệp ngày càng nóng, nhiều rủi ro...
Nhiều khả năng, cơ chế thí điểm đang được áp dụng cho các vị trí lãnh đạo tại một số doanh nghiệp nhà nước, trong đó có Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP sẽ được triển khai rộng. Ảnh: Đức Thanh
Người điều hành hàng triệu tỷ đồng vốn kinh doanh lại đang bị cân đong từng đồng lương, bên cạnh những khung khổ khác, khiến những chiếc ghế trong doanh nghiệp nhà nước chứa đựng nhiều áp lực.
Xin cơ chế cho... lãnh đạo
“Đã có cơ chế và hướng dẫn nào đãi ngộ hơn cho lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước chưa? Cả anh Thành, anh Thọ đều đang bị giới hạn tỷ lệ chi trả tiền lương cố định, trong khi họ là người nắm giữ vị trí trọng yếu, có tác động rất lớn tới hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp”, bà Trần Thu Huyền, thành viên HĐQT, Giám đốc Khối Nhân sự VietinBank đặt câu hỏi tại Hội thảo khoa học Đổi mới cơ chế, chính sách để thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước phát triển bền vững được tổ chức vào tháng 10/2020.
Hai nhân vật được nhắc đến là ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank, cũng là người đại diện phần vốn nhà nước tại đây và ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT, người đại diện phần vốn nhà nước tại Vietcombank. Cả hai đang ngồi ghế lãnh đạo ngân hàng thuộc top 5 ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất Việt Nam, với giá trị trên 1 triệu tỷ đồng, tính tới thời điểm tháng 3/2020.
Tuy nhiên, mức lương mà họ nhận được đang được tính trên mức lương cơ bản tối đa là 36 triệu đồng/tháng, theo Nghị định 53/2016/NĐ-CP quy định về lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước. Tất nhiên, mức lương và thưởng thực tế còn phụ thuộc vào các hệ số điều chỉnh tăng thêm tùy theo quy mô lợi nhuận, mức độ hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận của doanh nghiệp..., song tối đa là khoảng 126 triệu đồng/tháng.
Nghị định 53/2016/NĐ-CP cũng quy định, nếu người quản lý không phải là người đại diện vốn nhà nước thì được áp dụng nguyên tắc xác định tiền lương tăng thêm gắn với mức độ hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận, có thể đạt 151,2 triệu đồng/tháng. Chế độ tiền thưởng cũng được quy định là nếu lợi nhuận vượt kế hoạch thì được trích thêm không quá 1,5 tháng tiền lương với người quản lý.
So với mức lương 72-84 triệu đồng/tháng của chủ tịch doanh nghiệp nhà nước 100% vốn, con số trên đã lớn hơn khá nhiều, nhưng chỉ bằng một nửa so với chức danh tương đương ở các ngân hàng thương mại cổ phần khác... Theo Báo cáo của Công ty Tư vấn nhân sự First Alliances về mức lương tại thị trường lao động Việt Nam năm 2020, có vị trí giám đốc điều hành trong lĩnh vực ngân hàng nhận lương lên đến 30.000 USD, tương đương 700 triệu đồng/tháng.
“Cơ chế như vậy thì làm sao thu hút được các chuyên gia trong lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn sâu tham gia điều hành doanh nghiệp nhà nước”, bà Huyền đặt thẳng vấn đề.
Trả lương bao nhiêu cho vừa?
Lần nào cũng vậy, cứ gặp câu hỏi “Lương cho lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước bao nhiều là vừa?”, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) không giữ được bình tĩnh.
“Sẽ có trường hợp 36 triệu đồng/tháng là quá cao, nhưng cũng có khi 500 triệu đồng/tháng lại quá thấp. Lợi nhuận mà người điều hành đó tạo ra sẽ quyết định mức thù lao họ nhận về. Đó là cơ chế thị trường và doanh nghiệp nhà nước cũng cần được thực hiện như vậy”, ông Cung phân tích.
Thực tế, các doanh nghiệp nhà nước cũng được áp dụng quy định tiền lương gắn với hiệu quả kinh doanh, nhưng bị khống chế mức hưởng tối đa. Đồng thời, cơ quan đại diện chủ sở hữu phải thỏa thuận với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trước khi phê duyệt quỹ tiền lương, thù lao, quỹ tiền thưởng thực hiện năm trước và quỹ tiền lương, thù lao kế hoạch của người quản lý đối với các tập đoàn kinh tế nhà nước.
Cơ chế trên được cho là phù hợp trong bối cảnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, giảm thiểu rủi ro tài chính, tránh thất thoát tài sản nhà nước, nhưng không thể né tránh là, dưới góc độ quản trị công ty theo thông lệ, thì đây là một trong những yếu tố giảm quyền tự chủ của doanh nhiệp nhà nước so với doanh nghiệp khác.
Phải nhắc lại, quy định giới hạn mức lương cơ bản tối đa cho các vị trí lãnh đạo trong doanh nghiệp nhà nước xuất hiện lần đầu năm 2013. Khi đó, mức cao nhất được xác định đã là 36 triệu đồng, ở vị trí chủ tịch HĐTV hoặc chủ tịch công ty chuyên trách ở tập đoàn kinh tế (Nghị định số 51/2013/NĐ-CP quy định chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với thành viên HĐTV hoặc chủ tịch công ty, kiểm soát viên, tổng giám đốc hoặc giám đốc, phó tổng giám đốc hoặc phó giám đốc, kế toán trưởng trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu).
Ngay khi quy định trên được đưa vào thực hiện, các cuộc tranh luận đã nổ ra, mổ xẻ cả con số tuyệt đối và cơ chế thực hiện. Nhiều doanh nghiệp không đồng tình, đề nghị sửa đổi vì cho rằng, cơ chế trả lương theo kiểu bình quân không thể khuyến khích các vị trí quản lý sáng tạo, cống hiến cho doanh nghiệp.
“Trước đó, lương tại doanh nghiệp nhà nước, nhất là các chức danh quản lý, phụ thuộc vào hiệu quả kinh doanh, năng suất lao động, lợi nhuận của doanh nghiệp. Năm 2012, sau lùm xùm về việc một số chức danh quản lý của doanh nghiệp công ích ở TP.HCM có mức lương cả tỷ bạc/năm, rồi nhiều vấn đề phát sinh trong hoạt động của doanh nghiệp nhà nước do giám sát lỏng lẻo, cơ chế tiền lương được siết chặt và áp đặt như với công chức, viên chức nhà nước”, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Ban Đổi mới doanh nghiệp (CIEM) nhớ lại.
Trong các giải trình của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về phương án chọn giới hạn trần cho mức lương cơ bản thời điểm đó, lý do lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước là người được Nhà nước bổ nhiệm, nên Nhà nước có quyền giao nhiệm vụ, đánh giá, trả lương và kiểm soát về lương nổi lên rõ nét. Điều này tương tự với trường hợp công chức nhà nước được cử sang làm đại diện phần vốn nhà nước trong doanh nghiệp có vốn nhà nước. Đặc biệt, mức lương cơ bản được cho là đã cân đối giữa vị trí quản lý của khu vực doanh nghiệp nhà nước và ở các cơ quan hành chính, để tránh khoảng cách quá xa giữa hai khu vực.
Đến giờ, sau gần 7 năm, với một vài lần sửa đổi, dường như tư duy này vẫn chi phối cơ chế tiền lương cho các vị trí lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước.
Ghế nóng cần cơ chế đủ nhiệt
“Vừa có người hỏi tôi, một vụ trưởng, thậm chí thứ trưởng được điều làm chủ tịch HĐTV tập đoàn kinh tế là lên hay xuống? Nếu nhìn vào con số về lương, có thể là lên, vì lương của vụ trưởng, thậm chí thứ trưởng khoảng 10-15 triệu đồng/tháng; cũng có thể là xuống nếu nhìn ở góc quản lý hành chính. Nhưng vấn đề là có nên so sánh như vậy không?”, ông Trung chia sẻ.
Lâu nay, việc điều động như trên khá phổ biến, vì thành viên HĐTV các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước vẫn được coi là viên chức nhà nước. Vì vậy, các vị trí này phải chịu các cơ chế quản lý như một viên chức nhà nước, đi cùng là tư duy hành chính đậm nét.
“Với tư duy trên, không thể đặt ra đòi hỏi trả lương phù hợp với cơ chế thị trường cho vị trí này được. Ngay cả cơ chế đang thí điểm cũng vậy, dù đã nới rộng quyền tự chủ cho doanh nghiệp về lương, thưởng, nhưng vẫn xác định giới hạn trần cho các vị trí quản lý”, ông Trung phân tích.
Cơ chế mà ông Trung nhắc tới đang được áp dụng cho các vị trí lãnh đạo trong Công ty mẹ - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP, Công ty mẹ - Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, theo Nghị định 20/2020/NĐ-CP, sẽ hết hạn thí điểm vào cuối tháng 12/2020.
Với cơ chế này, mức lương cơ bản cao nhất cho các vị trí lãnh đạo của 3 doanh nghiệp là 60-70 triệu đồng/tháng, cao gấp rưỡi các vị đồng nhiệm ở các doanh nghiệp nhà nước khác. Tính ra, lương thực nhận có thể lên tới 280 triệu đồng/tháng nếu vượt kế hoạch lợi nhuận mức cao nhất, nhưng khi công ty không có lợi nhuận hoặc thua lỗ, thì chỉ còn tối đa bằng 50% hoặc 30% mức lương cơ bản...
Tuy nhiên, so với phương án mà VietinBank từng đề xuất tại Hội thảo khoa học Đổi mới cơ chế, chính sách để thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước phát triển bền vững, thì cơ chế thí điểm chưa thực sự như doanh nghiệp nhà nước mong muốn. Theo đó, quản lý tiền lương được thực hiện qua các quy định về các chỉ tiêu kinh doanh, như tỷ lệ lãi cổ tức, các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động kinh doanh, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, tỷ lệ nợ xấu trong giới hạn cho phép...
Trong phương án của VietinBank, doanh nghiệp được quyền chủ động quyết định tỷ lệ trích quỹ lương và chi trả cho người lao động, bao gồm cả chức danh quản lý và không quản lý theo quy chế chi trả lương nội bộ đã được đại diện người lao động thông qua, căn cứ theo từng vị trí công việc, kết quả thực hiện công việc...
Cũng đang có đề xuất thực hiện cơ chế thuê người đại diện vốn nhà nước, thuê người quản lý vốn nhà nước trong doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối, cùng với thuê giám đốc doanh nghiệp nhà nước... Khi đó, để thu hút những người quản trị doanh nghiệp, không chỉ cơ chế lương, thưởng sẽ phải đảm bảo thông lệ, theo cơ chế thị trường, mà khung khổ pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động cũng sẽ thay đổi lớn.
Quan trọng hơn, cơ chế hoạt động của đại diện chủ sở hữu nhà nước sẽ phải thay đổi thực sự theo hướng không tham gia công việc quản lý hàng ngày của doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo để doanh nghiệp có quyền tự chủ hoạt động hoàn toàn để đạt mục tiêu đề ra...
Cũng phải nhắc đến yêu cầu của Nghị quyết số 12-NQ/TW về việc tách người quản lý dooanh nghiệp nhà nước khỏi chế độ công chức, viên chức. Nghị quyết 161/NQ-CP ngày 29/10/2020 về đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước cũng đã giao Bộ Nội vụ thực hiện điều này.
Thời gian tới, sẽ có những thay đổi rất lớn không chỉ trong cơ chế lương, thưởng, mà trong cả tư duy về vị trí những người điều hành hàng triệu tỷ đồng vốn kinh doanh trong khu vực doanh nghiệp nhà nước. Song trước mắt, theo ông Trung, nhiều khả năng cơ chế thí điểm theo Nghị định 20/2020/NĐ-CP sẽ được thực hiện rộng, sau khi Chính phủ đánh giá, tổng kết vào cuối năm.
Theo các thông tin được công bố, năm 2019, với việc đạt 9.283 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế riêng lẻ, VietinBank đã trích 0,28% lợi nhuận sau thuế (gần 26 tỷ đồng) để trả thù lao (bao gồm cả lương, thưởng) cho nhóm lãnh đạo cao cấp gồm 11 thành viên. Theo đó, trung bình mỗi người nhận 2,3 tỷ đồng/năm, tương đương 190 triệu đồng/tháng. Con số ở Vietcombank cao hơn khá nhiều, khoảng 64,8 tỷ đồng cho 9 thành viên HĐQT và 4 thành viên Ban Kiểm soát, tương đương 0,35% lợi nhuận sau thuế năm 2019. |
Bài 3: Nơi dụng võ của nhà quản trị chuyên nghiệp
Lần này là sự thay đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước và mục tiêu niêm yết trên thị trường chứng khoán lớn của thế giới. Nhưng ai sẽ là người thực thi các nhiệm vụ này khi những chiếc ghế lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, đại diện phần vốn nhà nước trong doanh nghiệp ngày càng nóng, nhiều rủi ro...
Nguồn: CIEM Đồ hoạ: Đan Nguyễn
Tư duy đúng về quản trị doanh nghiệp nhà nước sẽ tạo ra sự thay đổi căn bản của cả khu vực này. Khi đó, doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là những người đứng đầu doanh nghiệp, sẽ tự tin, ngẩng cao đầu bước ra thị trường.
Đường ray mới
Theo kế hoạch, trong tuần tới, Dự thảo Đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 5 năm 2021-2025 sẽ được Bộ Tài chính hoàn tất, trình Chính phủ. Chắc chắn, sẽ có những thay đổi đáng kể khi đường ray của khu vực này đang được đặt mới.
Song, khi trao đổi về việc này, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khá tâm tư. “Chắc chắn phải thay đổi, nếu không, sẽ không thể thực hiện được các mục tiêu mới. Nhưng tôi rất lo lắng, vì sự thay đổi này cần những người thực sự tâm huyết, trăn trở vì công việc, cần tư duy thực sự thị trường”, ông Cung nói.
Trong gần 300 chữ liên quan đến doanh nghiệp nhà nước mà Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 (Dự thảo Báo cáo Tổng kết thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030) đề cập ở phần phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, có thể hình dung những mục tiêu đầy thách thức đang được chọn.
Một là, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, đẩy nhanh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế.
Hai là, nâng cao hiệu quả hoạt động, sử dụng vốn của các doanh nghiệp nhà nước; đổi mới cách thức thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước; tiền thu từ được từ cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tập trung đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, địa phương, bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp nhà nước then chốt quốc gia.
Ba là, hoàn tất việc sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước.
Bốn là, hình thành đội ngũ quản lý doanh nghiệp nhà nước chuyên nghiệp, có trình độ cao, phẩm chất đạo đức tốt.
Năm là, củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế…
Hơn thế, giới chuyên gia kinh tế đang đặt nhiều tham vọng vào khu vực này trong thập kỷ tới, khi đây là nơi nắm giữ nguồn lực về vốn, nhân lực và cả cơ hội bứt phá nhanh trong công cuộc chuyển đổi số.
Trong những kiến nghị về Dự thảo Đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 5 năm 2021-2025, CIEM cho rằng, doanh nghiệp nhà nước phải được hoạt động theo cơ chế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập; có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm như doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác theo quy định của pháp luật…
Đặc biệt, ông Cung nhắc nhiều tới yêu cầu là, ít nhất có 1 đến 3 doanh nghiệp nhà nước niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán lớn trên thế giới; phấn đấu có doanh nghiệp nhà nước thuộc danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới theo xếp hạng của các tổ chức quốc tế có uy tín…
“Đẩy các doanh nghiệp ra bên ngoài, tham gia thị trường toàn cầu, hoạt động và phát triển như một công ty đa quốc gia là cách hữu hiệu nhất để các doanh nghiệp nhà nước lớn nhanh và bền vững. Khi đó, chúng ta sẽ có được những CEO tầm cỡ quốc tế, quản trị chuyên nghiệp, chuẩn mực cao nhất của quốc tế, từ đó tạo nên những thay đổi cốt lõi của khu vực doanh nghiệp này”, ông Cung phân tích.
Đất dụng võ của ai?
Kỳ vọng vậy, nhưng ông Cung chưa thể nói gì về tính khả thi. “Trong các nghiên cứu của chúng tôi, PVN, EVN và nhiều tập đoàn nhà nước có nhiều điều kiện vào Top 500 Forbes, nhưng câu hỏi là bao giờ. Nếu chủ đầu tư không bao giờ bỏ vốn, có lợi nhuận thì thu hết, nếu mỗi khi cần đầu tư, các nhà quản lý phải xin xỏ dày đặc và chỉ trông vào nguồn vốn vay như hiện tại, thì có lẽ, không bao giờ và cũng không có đất cho các CEO tầm cỡ”, ông Cung thẳng thắn.
Doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ 9,65 triệu tỷ đồng vốn kinh doanh, chiếm 24,8% tổng vốn của toàn khu vực doanh nghiệp. Tổng vốn kinh doanh của các doanh nghiệp trong nền kinh tế là 12,5 triệu tỷ đồng. Trong đó, khối doanh nghiệp sở hữu 100% vốn là 4,65 triệu tỷ đồng, còn lại là doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Các doanh nghiệp nhà nước chi phối nhiều ngành quan trọng của nền kinh tế, như năng lượng, tài chính, ngân hàng, viễn thông… Đây cũng là khu vực có năng suất lao động cao nhất, so với khu vực doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Với tầm cỡ, ưu thế, lợi thế như trên của nhiều doanh nghiệp nhà nước trên thị trường, những chiếc ghế tại doanh nghiệp nhà nước đầy hấp dẫn và đáng để thử thách đối với những nhà quản trị chuyên nghiệp. Tuy nhiên, thực tế có vẻ ngược lại.
Hơn 15 năm trước, năm 2004, cơ chế thí điểm thuê tổng giám đốc cho doanh nghiệp nhà nước đã được triển khai, nhưng thông tin còn lại chỉ là 5 doanh nghiệp được chọn tham gia thí điểm, đó là Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (Vinashin), Tổng công ty Công nghiệp ô tô (Vinamotor), Công ty Vận tải đa phương thức, Công ty Vận tải thiết bị điện Việt Nam và Tổng công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng (Viglacera); có hai hợp đồng được ký kết, nhưng không kéo dài lâu. Đặc biệt, không có báo cáo tổng kết nào về việc này được công bố.
Nói về các nhiệm vụ của mình, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước tâm tư nhiều hơn là tự hào.
“Chúng tôi cần một cơ chế quản lý để những người chuyên nghiệp có thể yên tâm làm việc, sáng tạo, phát huy được năng lực của mình và có thể cống hiến nhiều hơn cho doanh nghiệp. Hiện tại, điều hành doanh nghiệp nhà nước khó vì cơ chế, khung khổ cứng nhắc, vì vừa kinh doanh, vừa làm nhiệm vụ chính trị…., nhưng còn khó hơn vì cứ có chuyện gì xảy ra là sẽ bị phủ nhận hết”, một vị nói, nhưng xin phép không lộ diện.
Thậm chí, vị này còn cho rằng, với cơ chế như quản lý nhà nước can thiệp quá sâu hoạt động doanh nghiệp hiện tại, công chức nhà nước lại không thực sự thấu hiểu hoạt động doanh nghiệp, thì nếu hoàn thành trách nhiệm, họ chỉ nhận được khoản lương không mấy hấp dẫn, nhưng nếu lỡ xảy ra chuyện, kiểu như đầu tư 10, được 7, thua 3, thì có thể đối mặt với hình thức xử lý về mặt pháp luật.
Ông Cung chia sẻ nỗi niềm này. Về lý thuyết, khi Nhà nước tham gia kinh doanh, bên cạnh tạo môi trường kinh doanh - đầu tư thuận lợi cho người kinh doanh, cũng phải thiết lập khung khổ để các doanh nghiệp của mình hoạt động đúng nghĩa là doanh nghiệp.
“Không thể bắt các doanh nghiệp nhà nước phải gánh các nhiệm vụ chính trị, xã hội. Việc đó có thể thực hiện thông qua đấu thầu, hoặc nếu giao cho doanh nghiệp nhà nước thì phải được Nhà nước thanh toán, nếu chưa trả được ngay phải ghi sổ, để doanh nghiệp công khai với thiên hạ. Bảo toàn vốn cũng là một yêu cầu không còn phù hợp, vì khi đó, chỉ cần doanh nghiệp không lỗ là hoàn thành nhiệm vụ. Cơ chế quản lý, hoạt động rõ ràng, đúng vai và được công khai, minh bạch sẽ không tạo nên điều tiếng”, ông Cung phân tích thêm.
Có thể hình dung là, trong cơ chế này, Chính phủ, với sự giám sát của Quốc hội, sẽ đặt mục tiêu cho doanh nghiệp nhà nước qua chiến lược phát triển từng doanh nghiệp với tư cách là chủ sở hữu theo hướng muốn gì ở doanh nghiệp nhà nước, doanh thu, lợi nhuận, sáng tạo công nghệ mới, sản phẩm mới…, có thể đầu tư thêm hay thoái vốn vì mục tiêu này.
Trên cơ sở đó, cơ quan đại diện chủ sở hữu giao nhiệm vụ cho doanh nghiệp nhà nước, đại diện phần vốn nhà nước trong doanh nghiệp thông qua các chỉ tiêu định lượng đủ cao và đủ thách thức với nguồn lực đang có, nhưng không tham gia công việc quản lý hàng ngày của doanh nghiệp, thực hiện giám sát doanh nghiệp thông qua hệ thống người đại diện tại doanh nghiệp.
HĐQT, hội đồng thành viên của doanh nghiệp nhà nước sẽ là cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất đối với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; chịu hoàn toàn trách nhiệm giải trình trước chủ sở hữu nhà nước, các cổ đông, hoạt động vì lợi ích cao nhất của doanh nghiệp. Đây cũng là nơi có toàn quyền bổ nhiệm, bãi nhiệm giám đốc điều hành thông qua thi tuyển hay săn đầu người...
Trách nhiệm lớn nhất của chủ sở hữu là đảm bảo để đồng vốn nhà nước trong doanh nghiệp được sử dụng hiệu quả, theo cả nghĩa lợi nhuận, giá trị cổ phần. Để thực hiện được yêu cầu này, doanh nghiệp phải xây dựng quản trị doanh nghiệp tốt để thu hút các nhà đầu tư, gia tăng tầm ảnh hưởng, quy mô, từ đó niêm yết được trên thị trường chứng khoán trong nước, quốc tế...
“Lúc này, ghế nóng trong doanh nghiệp nhà nước không phải là chiếc ghế bổng lộc và sẽ thuộc về CEO chuyên nghiệp, tầm cỡ. Việt Nam không thiếu người tài, người tâm huyết với sự phát triển của đất nước, chỉ cần cơ chế”, ông Cung nói.
Bài học từ thị trường
Những thay đổi lớn về cơ chế, chính sách, khung khổ pháp lý liên quan đến doanh nghiệp nhà nước đang được thực hiện.
Sau khi Luật Doanh nghiệp 2020 thay đổi khái niệm về doanh nghiệp nhà nước, sẽ có hàng loạt văn bản phải sửa đổi để đảm bảo sự tương thích và giải tỏa trăn trở của những người… trở lại như Chủ tịch Vinatex. Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp cũng trong kế hoạch sửa đổi, để phân rõ vai của ông chủ và người đại diện phần vốn nhà nước trong doanh nghiệp.
Đề xuất sửa đổi các quy định liên quan để chủ sở hữu nhà nước, trong đó có chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để đảm bảo hiệu quả vai trò cơ quan đại diện chủ sở hữu với doanh nghiệp nhà nước, vốn nhà nước trong doanh nghiệp cũng được đưa ra.
Đặc biệt, các hướng dẫn cụ thể trong thực hiện yêu cầu tách người quản lý doanh nghiệp nhà nước khỏi chế độ công chức, viên chức đang được trông đợi. Bài toán khó về lương, thưởng và cơ chế động lực cho người quản lý doanh nghiệp nhà nước sẽ được giải.
Tuy nhiên, cũng phải nhắc đến lo ngại của các “ghế nóng” đương nhiệm rằng, nếu quá trình hoàn thiện cơ chế này vẫn bị ám ảnh bởi tư duy “quản lý” của những người không hiểu về hoạt động của doanh nghiệp, thì cơ hội để đổi đường ray của doanh nghiệp nhà nước sẽ còn nhiều khó khăn. Bởi vì, tư duy quản lý là đưa tất cả vào khuôn khổ, cộng với nỗi sợ thất thoát vốn nhà nước tiềm ẩn sẽ không tạo ra cơ chế khuyến khích quyết định sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, mang lại sự phát triển, có lợi cho doanh nghiệp nhà nước.
Những chiếc ghế nóng trong doanh nghiệp nhà nước cần sự thay đổi thực sự căn bản về tư duy, để doanh nghiệp nhà nước phải là nơi những nhà quản trị chuyên nghiệp dụng võ…