Đây là những ngôi chợ có lịch sử lâu đời, gắn liền với nét văn hóa của đất và người Quảng Nam.
Chợ Được - Thăng Bình: Chợ Được gắn liền với truyền thuyết về truyện Nữ thần Linh Ứng, bà hiển linh tại làng Phước Ấm hóa thân thành một thiếu nữ xinh đẹp đổi nước, bán trầu, bốc thuốc chữa bệnh, cứu nhân độ thế, biến hóa thần thông trị tội tham quan.
Chợ Được gắn liền với lễ hội Rước Cộ Chợ Được, nét đẹp văn hóa tâm linh của người dân Bình Triều nói riêng và người dân Quảng Nam nói riêng
Và cũng chính Bà đã linh ứng tạo dựng bãi cát hoang vắng này thành ngôi chợ, để rồi người qua lại nơi đây ngày càng đông.
Nơi đây còn gắn liền với lễ hội rước Cộ Bà Chợ Được. Hằng năm cứ vào mồng 10 và 11 tháng Giêng âm lịch, người dân lại hội tụ về làng Phước Ấm (xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) để tham gia lễ hội Bà Chợ Được.
Đến đây ta như hòa mình vào cuộc sống của người dân, hiểu về cái chất Quảng đậm nét của người dân nơi đây
Đây là lễ hội dân gian ghi dấu đời sống tâm linh, tín ngưỡng của cư dân xã Bình Triều cũng như các xã vùng đông huyện Thăng Bình nói riêng và người dân Quảng Nam nói chung.
Lễ hội phản ánh tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp, gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt đồng thời mong ước cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Lễ hội Bà Chợ Được được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận là di tịch lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2008. Được Bộ VH-TT&DL công nhận di sản phi vật thể quốc gia năm 2014.
Chợ Bà Rén - Quế Sơn: Bên cạnh chợ Bà Rén là chợ heo Bà Rén được biết đến là chợ đầu mối về heo lớn nhất tỉnh Quảng Nam, được thành lập vào năm 1970.
Chợ Bà Rén nơi gắn liền với tên gọi người phụ nữ thường xuyên đưa khách sang sông
Tên chợ vốn đặt theo tên của một người đàn bà chèo đò dọc khúc sông này, ngày trước khi chưa có cầu, bên cạnh chợ heo là một cái chợ khác, ai muốn qua sông đều phải nhờ bà đưa qua hộ.
Những người phụ nữ bế heo thuê đã mưu sinh ở đây qua mấy chục năm để chăm lo cho con
Theo thời gian, nhiều người dân mang heo về đây để mua bán, trao đổi. Những người phụ nữ khỏe mạnh, có “tướng tốt” tay khéo được nhờ bế heo lấy hên. Bên cạnh đó, nhiều tiểu thương về đây giao dịch thường rất ngại phải bế heo một phần vì sức nặng của nó, một phần vì chất xú uế từ heo mà ra. Nhiều người gọi vui đây là nghề “ôm Trư Bát Giới”.
Chợ heo Bà Rén được thành lập năm 1970
Đến chợ không chỉ để mua heo, đây còn là nơi giao lưu văn hóa các vùng của Quảng Nam. Người ta đến đây để được chia sẻ về cuộc sống, chuyện đời hay đơn giản để nghe cái giọng Quảng đặc sệt của những người “hay cãi”.
Chợ như cái thế giới thu nhỏ, ở đó diễn ra muôn mặt của cuôc sống. Để tìm hiểu về một địa phương thì tốt nhất ta nên đến chợ vì không cần đi đâu xa tất cả những gì bạn cần là ở đây, nơi hội tụ văn hóa vùng miền.
Chợ Nồi Rang - Duy Xuyên: thuộc thôn 3, xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên, Quảng Nam được hình thành cách đây khoảng 300 năm. Ngôi chợ mang khá nhiều nét văn hóa của đất và con người xứ Quảng.
Chợ Nồi Rang được hình thành cách đây khoảng 300 năm
Theo truyện kể, chợ Nồi Rang có lịch sử khá thú vị. Trên hành trình Nam tiến, người Việt đã chọn nơi đây làm nơi an cư, lạc nghiệp. Làng quyết định lập chợ và đặt ra điều lệ nếu ai là người đến buôn bán đầu tiên ở chợ này thì làng sẽ lấy đó mà đặt tên. Và sáng hôm sau, khi phiên chợ đầu tiên bắt đầu, có một ông lão bán nồi niêu, gốm đất và thế là làng quyết định đặt tên là chợ Nồi Rang.
Tên chợ gắn liền với sự tích về người đầu tiên đến buôn bán tại chợ và đã được sử dụng để đặt tên chợ
Cái tên Nồi Rang làm người ta liên tưởng đến sự bức bối, khô khan của mảnh đất gió lào cát trắng xứ Quảng. Trước kia, chợ Nồi Rang chủ yếu lợp bằng lá dừa, là nơi trao đổi buôn bán của người Tàu với mặt hàng thuốc bắc, người Pháp với mặt hàng rượu trắng. Và các cửa hàng tạp hóa, rau quả của các vùng sông nước khác như Hội An, Thăng Bình, Điện Bàn… cũng tập hợp về đây.
Chợ là nơi trao đổi, mua bán các mặt hàng truyền thống của phụ nữ quê nơi đây
Ngày nay, các tiểu thương trong chợ, hầu hết là những người phụ nữ quê nghèo trong vùng như Duy Phước, Duy An, Duy thành... Họ tập hợp về đây buôn bán với đủ các mặt hàng như gà con, tàn tro, vải vóc, hoa quả.
Chợ Nồi Rang là ngã ba của các đường sông như Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, nên buôn bán khá sầm uất, nhộn nhịp
Khi gà bắt đầu gáy, những người đàn bà quê, chèo thuyền bơi ghe chở các mặt hàng sang chợ Nồi Rang để bán. Chợ Nồi Rang là ngã ba của các đường sông như Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên nên buôn bán khá sầm uất, nhộn nhịp.
Mặc dầu tồn tại giữa nhịp sống hiện đại, nhưng nét văn hóa quê vẫn in đậm dấu ấn của văn hóa đất Quảng.
Chợ Hội An - TP Hội An: Chợ nằm ngay vị trí trung tâm phố cổ “Thượng Chùa Cầu - hạ âm Bổn” một trong số những di tích còn giữ nguyên vẹn nét xưa cũ. Chợ Hội An ra đời gắn liền với nhu cầu trao đổi hàng hóa của các tàu buôn trong và ngoài nước; được mệnh danh là thương cảng nổi tiếng một thời.
Chợ Hội An có truyền thống từ xưa, nơi đây cũng từng là thương cảng nổi tiếng
Đến đây, du khách như đang hòa mình vào nhịp sống đúng “chất” của người dân phố Hội, nơi bạn trải nghiệm nét văn hóa đặc sắc từ ẩm thực, con người và cuộc sống sinh động hằng ngày.
Chợ Hội An có truyền thống từ xưa, nơi đây cũng từng là thương cảng nổi tiếng
Ở đây người ta còn tìm được nhiều món ăn truyền thống, mang đậm bản sắc xứ Quảng
Chợ Hội An một trong những di tích còn nguyên vẹn nét xưa cũ
Chợ Hội An là một điểm tham quan khá thú vị đối với du khách, đặc biệt là các khu ẩm thực và trưng bày hàng lưu niệm. Tuy các loại hình hiện đại xuất hiện nhiều, nhưng mua sắm tại chợ theo cách truyền thống vẫn chiếm vị trí quan trọng đối với người Việt nói chung và người Hội An nói riêng.
N.Linh-C.Bính / dantri.com.vn