"Trong những năm tới, xu hướng giá cả của các sản phẩm nông nghiệp không thể tăng mạnh mà chỉ ổn định hoặc suy giảm nhẹ, đặc biệt là đối với các sản phẩm truyền thống như lương thực hay sản phẩm thô", ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp cho biết.
Ảnh minh họa. |
Trao đổi bên lề cuộc Hội thảo:" Triển vọng thị trường ngành nông nghiệp Việt Nam", ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp cho biết:" Năm 2017, theo số liệu thống kê mới nhất, tăng trưởng của ngành nông nghiệp trog quý I đã đạt được mức 2,43% là một trong những mức kỷ lục so với các quý từ năm 2011 đến nay".
Với đà và xu hướng cung về mặt sản xuất cũng như xu hướng thị trường năm nay ngành nông nghiệp có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra với Chính phủ từ 2,5% đến 3%.
Tuy nhiên, những khó khăn của năm 2016 vẫn tiếp tục kéo dài đến năm nay, về mặt sản xuất là thiên tai, dịch bệnh hoặc tình hình thời tiết bất thường. Nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của ngành, chúng ta đã chuyển đổi được cấu trúc sản xuất và dần dần thích nghi được với sự bất thường của thời tiết hay thiên tai để làm sao tăng trưởng phần cung sản xuất khớp với nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.
Trong thời gian tới, với xu hướng đầu tư vào nông nghiệp của nhiều quốc gia, chứ không chỉ riêng Việt Nam, đặc biệt là các nước đang phát triển sẽ nảy sinh ra sự tăng trưởng rất mạnh về cung trên toàn cầu mà lượng cầu trên thế giới thì không thể chạy nhanh được như cung trong thời gian vừa qua.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp |
"Điều này dẫn tới xu hướng giá cả các sản phẩm nông nghiệp không thể tăng mạnh mà chỉ ổn định hoặc suy giảm nhẹ, đặc biệt là đối với các sản phẩm truyền thống như lương thực hay sản phẩm thô, ngay cả đối với các mặt hàng có giá trị cao như chăn nuôi và thuỷ sản thì tăng trưởng về nhu cầu cũng dần chậm lại nên sự tăng trưởng về giá sẽ không thể mạnh như trước nữa", ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp cho biết.
Xu hướng này là một dự báo quan trọng cho các doanh nghiệp trong việc phát triển thị trường cũng như hoạch định cơ cấu sản xuất. Đồng thời, cũng cần đặc biệt lưu ý đến nhóm các sản phẩm tiềm năng như trái cây, cây công nghiệp đang có xu hướng tăng trong thời gian tới hoặc các sản phẩm đã qua chế biến mà chúng ta thu được giá trị từ chính những sản phẩm thô truyền thống.
Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Việt Nam càng phải phát triển theo hướng bài bản hơn, từ câu chuyện sản xuất, đảm bảo chất lượng hay phòng chống dịch bệnh, kết nối thị trường. Trước mắt, Việt Nam vẫn còn tiềm năng lớn về thị trường cho hai ngành mũi nhọn là trái cây và thuỷ sản.
Dù vậy, câu chuyện cảnh báo thị trường để tránh các cuộc giải cứu vẫn là một vấn đề được dư luận nhắc tới. Có những ngành hàng đều đã được cảnh báo nhưng để biến nó thành hành động và ra được kết quả cụ thể vẫn cần thời gian. Vấn đề căn bản không phải là một cú "giải cứu" mà vấn đề căn bản là kéo được doanh nghiệp đầu tư thành các chuỗi giá trị cụ thể.
Theo số liệu mới nhất thì số lượng các doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp vẫn tiếp tục tăng, đến cuối năm 2016 thì có khoảng 4.300 doanh nghiệp, tăng 400 doanh nghiệp so với năm 2015.
Trong 4 tháng đầu năm 2017, có 588 doanh nghiệp mới tham gia đầu tư vào ngành nông nghiệp. Đây là tín hiệu chứng tỏ đã có những chính sách khuyến khích cho doanh nghiệp đi vào thực tiễn. Doanh nghiệp đã thấy có động lực và cơ hội khi tham gia vào nông nghiệp.
Mới đây cũng đã có gói hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao bên cạnh Nghị định 210 để tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận với tín dụng khi đầu tư vào nông nghiệp.
Hạ An / BizLIVE