Chỉ trong vòng mươi ngày, giá cà phê nhiều nơi trong nước mất hơn 2 triệu đồng/tấn. Không những vậy, giá cà phê xuất khẩu theo hợp đồng tính trên chênh lệch với giá niêm yết đã chuyển sang “trừ lùi” thay vì “cộng tới” như trước đây.
Chưa kịp mừng, nhà vườn bắt đầu lo vì vùng cà phê đã vào mùa mưa, họ phải bán ít nhiều để lấy tiền mua phân bón và trả công chăm sóc vườn cây, tái đầu tư cho vụ tới.
Sơ chế cà phê ở Đắk Lắk. Ảnh: TTXVN
“Bạo phát, bạo tàn”
Chỉ sau 5 phiên giao dịch tính đến ngày 14-5, giá cà phê phái sinh trên sàn London, nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam sử dụng để tham chiếu, giảm 79 đô la Mỹ/tấn tính trên giá đóng cửa tuần với tuần. Như vậy, sau một tháng ròng tăng giá, có lúc lên mức cao nhất tính từ đầu tháng 9-2020 chạm đỉnh 1.557 đô la/tấn, giá sàn phái sinh tuột mạnh về 1.456 để rồi đóng cửa tại khu cận đáy là 1.460 đô la/tấn.
Vài nhà xuất khẩu tưởng giá tăng bền vững, đã vội chấp nhận ký hợp đồng ở mức thấp hơn giá niêm yết chừng 20 đô la/tấn. Không ngờ thị trường rớt nhanh và sâu, họ đang lo lắng chưa biết làm cách nào để cân đối giữa hai đầu vào và ra.
Giá cà phê loại 2, tối đa 5% đen bể, dịp cuối tuần đứng quanh mức 33 triệu đồng/tấn, thậm chí có nơi còn thấp hơn, người mua trung gian chỉ trả 32,5 triệu đồng/tấn.
“Thường mùa mưa là lúc nhà vườn như tôi phải bán ít nhiều cà phê để mua phân bón và thuê công chăm sóc. Giá xuống đột ngột như tuần qua làm tôi trở tay không kịp. Vả lại, các công ty đã ký hợp đồng xuất khẩu với giá ‘trừ lùi’, làm sao họ có thể mua giá cao được,” chị Hà, một chủ vườn tại thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk cho biết.
Thị trường phái sinh đi đường nào?
Nhiều nhà xuất khẩu cho rằng giá cà phê robusta xuống do Indonesia và Brazil đã vào chính vụ thu hái. Đợt giảm giá nhanh từ mươi ngày qua chứng tỏ các nước ấy đã có cà phê và chấp nhận giá thị trường mới bán mạnh và đưa giá xuống nhanh như thế.
Tin từ các công ty môi giới có trụ sở tại Brazil cho rằng dù năm nay Brazil vào chu kỳ mất mùa, nhưng chỉ bên phía arabica. Còn tất cả các dự báo về robusta của Brazil năm nay đều cho rằng cà phê chủng loại này năm nay lại được mùa, ước bình quân các dự báo chừng 21 triệu bao (bao=60 ki-lô-gam). Từ Indonesia, nhiều người ước lượng năm nay nước này có thể xuất khẩu hơn 7 triệu bao, trong đó có chừng 85% là robusta và 15% là arabica.
Tuy nhiên, một nhà phân tích thị trường tại TPHCM cho rằng nếu chỉ dùng yếu tố cung cầu để giải thích đợt rớt giá mạnh một cách bất ngờ trên các sàn phái sinh cà phê tuần qua là không đủ. Chính tâm lý lo sợ lạm phát quay lại tại Mỹ, Anh và kể cả Trung Quốc để các ngân hàng trung ương tăng lãi suất cơ bản các đồng nội tệ và nhất là đồng đô la Mỹ sau khi nhiều người dân tại các nước ấy đã tiêm chủng vaccin chống Covid-19.
Dỡ bỏ lệnh phong tỏa cũng có nghĩa là giải phóng sức tiêu thụ giữa lúc lượng tiền cung ứng để ngăn suy thoái kinh tế đang luân chuyển trên thị trường quá nhiều. Cái lo lớn nhất của thị trường tài chính nói chung, hai sàn cà phê phái sinh nói riêng là một khi xuất hiện lạm phát, có thể chính phủ các nước thắt chặt tín dụng và tăng lãi suất.
Do thị trường cà phê rất nhạy cảm với yếu tố tiền tệ, đợt giá rớt mạnh tuần trước xuất phát từ tâm lý lo ngại ấy. Các quỹ đầu tư và các nhà kinh doanh buộc phải cấy chi phí phù hợp bằng cách giảm mua tăng bán… đã làm giá cà phê phái sinh giảm không phanh.
Tuy nhiên, “nỗi lo về lạm phát và hạ lãi suất đồng đô la Mỹ sẽ qua nhanh và giá cà phê sẽ đâu vào đó”, nhà phân tích nói. Một khi giá được chỉnh xong, có nghĩa là các chi phí tài chính cho kinh doanh cà phê đã được cơ cấu thì giá lại tăng và có thể bình ổn quanh mức 1.500 đô la/tấn trước khi chọn một đường đi mới tùy vào lực bán từ các nước sản xuất và các quỹ đầu tư trên sàn.