Sau thời gian dài giá cá tra ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nằm dưới giá thành sản xuất thì từ tháng 3/2016 đến nay giá đã tăng trở lại, người nuôi bắt đầu có lãi.
Hiện nay, cá tra nguyên liệu chế biến xuất khẩu được các doanh nghiệp thu mua với giá 22.000 - 22.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg so với đầu tháng 4; so với đầu tháng 3/2016 thì tăng tới 4.000 đồng/kg. Với giá cá tra hiện nay người nuôi có thể thu lợi nhuận từ 2.000 đến 3.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Luyến, nông dân nuôi cá tra ở xã Tân Phong, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) cho biết: “Giá cá tra nguyên liệu chế biến xuất khẩu liên tục tăng trong hơn 1 tháng qua nên những nông dân còn trụ lại được với nghề nuôi cá tra đến nay có thể hi vọng thu được lãi khá trong vụ cá này. Hiện nay, các doanh nghiệp thu mua cá tra loại 700-800 gram/con của nông dân với giá 22.000 - 22.500 đồng/kg nên có lãi từ 2.000 - 3.500 đồng/kg”.
Thu hoạch cá tra tại tỉnh Tiền Giang
Theo thống kê, tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long diện tích nuôi cá tra khoảng hơn 6.000 ha, tập trung chủ yếu ở Đồng Tháp, Bến Tre, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Tiền Giang… Thời gian qua, giá cá tra liên tục giảm ở mức dưới giá thành nên người nuôi thua lỗ đã treo ao, chuyển sang nghề khác; diện tích còn lại hiện là vùng nuôi của doanh nghiệp, nông dân nuôi gia công cho doanh nghiệp.
Ông Đặng Văn Ngôn (ngụ Thới An, Ô Môn, Cần Thơ) mấy năm nay đã chuyển sang nuôi gia công cho doanh nghiệp chế biến cá tra lợi nhuận từ 1.500 đến 2.000 đồng/kg. Ông Ngôn cho biết: “Giá cá tra tăng hiện chỉ giúp một lượng rất nhỏ nông dân nuôi bán tự do ra thị trường bên ngoài vì hầu hết đã ký hợp đồng nuôi gia công chứ không thể theo nghề như trước vì liên tục thua lỗ. Nuôi gia công tuy lời không nhiều nhưng chia sẻ lợi nhuận giữa 2 bên và khá bền vững. Hiện tại tôi đang ký hợp đồng nuôi gia công 2 ao với sản lượng khoảng 300 tấn/vụ”.
Hầu hết người nuôi cá tra đã chuyển sang nuôi gia công cho doanh nghiệp
Còn ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc HTX thủy sản Thới An (Ô Môn, Cần Thơ) cho rằng: “Hiện nay nông dân theo nghề nuôi cá tra rồi bán tự do ra thị trường chiếm chưa tới 10% vì trong thời gian dài thua lỗ không thể cầm cự được. Số lượng nuôi gia công cho doanh nghiệp tuy lời ít nhưng ổn định và giá ngoài thị trường cũng chẳng ảnh hưởng gì”.
Theo ông Hải, suốt nhiều năm qua con cá tra không có lối ra, khi số lượng nhà máy phát triển ồ ạt, xuất khẩu chủ yếu xẻ thịt phi lê bán với giá rẻ. Hiện nay ngành nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu cá tra đã có sự sàng lọc rất lớn và đó là quy luật tất yếu của thị trường.
Tình hình xuất khẩu thuận lợi giúp giá cá tra nguyên liệu tăng
Theo hiệp Hội Chế biến và Xuất khẩu cá tra Việt Nam (VASEP), 2 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu cá tra của cả nước đạt 237,3 triệu USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang 2 thị trường lớn nhất là Mỹ và EU (chiếm 40,5% tổng XK) tăng lần lượt 14,7% và 0,4%. Brazil là điểm thu hút nhất của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam 2 tháng đầu năm 2016, giá trị xuất khẩu sang thị trường này đạt 14,5 triệu USD, tăng 642,7% so với cùng kỳ năm 2015.
Minh Giang – Thành Công / dantri.com.vn