Sau một năm thấp kỷ lục, giá cá tra nguyên liệu miền Tây tăng trở lại nhưng người nuôi đã đuối sức vì thua lỗ.
Chủ một doanh nghiệp chế biến thuỷ sản lớn ở Cần Thơ cho biết, hai tuần qua giá cá tra thị trường tiêu thụ khả quan hơn khi Trung Quốc bắt đầu tiêu thụ mạnh trở lại. Thị trường Mỹ, kênh tiêu thụ nhà hàng giảm nhưng chuỗi siêu thị tăng nhu cầu gấp bốn lần, cùng với các thị trường khác như EU, Đông Nam Á cũng bắt đầu tăng nhu cầu chuẩn bị nguồn hàng cho dịp cuối năm. Giá cá tra nguyên liệu các doanh nghiệp mua vào lên 21.000-22.000 đồng mỗi kg.
Theo nhà chế biến xuất khẩu này, nếu người nuôi chuyên nghiệp đúng lúc giá cá giống thấp (khoảng 20.000 đồng mỗi kg loại 30 con), giá thành cũng khoảng 18.000-19.000 đồng mỗi kg. "Với giá bán hiện tại là có lời", chủ doanh nghiệp nói.
Tuy nhiên, các trường hợp thua lỗ rơi vào những người nuôi lúc giá cá giống rất cao (50.000-70.000 đồng mỗi kg) và kéo dài khiến giá thành tăng.
Ao nuôi cá tra tại cù lao Tân Lộc nằm giữa sông Hậu, thuộc TP Cần Thơ. Ảnh: Cửu Long.
Ông Nguyễn Ngọc Hải, 65 tuổi, ở quận ô Môn, TP Cần Thơ có hơn 20 ao nuôi cá tra chuyên nghiệp nói giá cá đã nhích 2.000-3.000 đồng mỗi kg nhưng hầu hết người nuôi như ông ở đây đã đuối sức.
"Giá cá tra nguyên liệu rớt tới mức 17.000-19.000 đồng một kg, thấp nhất 10 năm qua và kéo dài hơn một năm thì nông dân làm sao chịu nổi", ông Hải nói. Ngay cả các doanh nghiệp chế biến mà ông cùng nhiều nông dân địa phương hợp tác nuôi gia công cũng phải thu hẹp vùng nguyên liệu, treo ao để cầm cự, giảm lỗ.
Hợp tác xã Đại Thắng với 8 ha nuôi cá tra ở thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang, có 22 xã viên cũng kêu khó. Ông Nguyễn Tấn Phong, 69 tuổi, Chủ nhiệm Hợp tác xã cho biết, mỗi năm xuất bán hai vụ, tổng sản lượng khoảng 2.500 tấn cá. Nhưng thời gian qua, không bán được cho các nhà máy chế biến, bà con xã viên tự đem đi bán tháo ở các chợ để cắt lỗ và trả lãi ngân hàng khoảng 500 tấn. Số cá còn lại trong ao, bà con bỏ đói, không cho ăn, nhiều con trọng lượng giảm còn 300-400 gram.
"Mấy ngày qua, giá cá nhích lên 22.000 đồng mỗi kg (loại mỗi con 1,2-1,3 kg) chúng tôi cũng mừng. Nhưng trong các ao còn khoảng 200 tấn cá trọng lượng khoảng một kg mỗi con nên phải chạy vay mượn tiền mua thức ăn thúc để bán", ông Phong nói.
Thu hoạch cá tra tại Cần Thơ. Ảnh: Cửu Long.
Ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam nhận định giá cá nguyên liệu ở miền Tây vài ngày qua đã tăng lên là dấu hiệu đáng mừng nhưng cú sốc thua lỗ kéo dài hơn một năm qua với người nuôi quá lớn.
Theo ông Quốc, năm 2018, nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh, trong khi nguồn dự trữ ít nên giá cá tra nguyên liệu tăng cao kỷ lục, đạt mức 32.000 đồng mỗi kg, người nuôi thu lợi nhuận lớn. Kéo theo đó là sự phát triển vùng nuôi ào ạt. Nhiều nơi phá vườn cây, ruộng lúa để làm ao nuôi cá tra. Diện tích nuôi cá tra lúc cao điểm tại miền Tây lên đến 6.200 ha; trong khi bình quân khoảng hơn 5.000 ha.
Sang năm 2019, sản lượng dư thừa, cuối năm lại Covid-19 hoành hành kéo dài khiến việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, kéo giá cá nguyên liệu sụt giảm mạnh.
Hiện diện tích nuôi cá tra tại miền Tây còn hơn 4.000 ha. Trong số này, 80% là vùng nuôi của các doanh nghiệp hoặc các hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp theo hình thức nuôi gia công. "Phần còn lại là của những nông dân có khả năng tài chính mạnh chứ những hộ nuôi nhỏ lẻ đã phần treo ao hết", ông Quốc nói.
Theo ông Quốc, khó khăn hiện tại là giá lên nhưng sản lượng cá tra quá lứa (2-3 kg mỗi con) ở các nhà máy không tiêu thụ được. Số lượng cá quá lứa này còn trong ao nuôi hàng chục nghìn tấn và giá thành đã đội lên 25.000-26.000 đồng mỗi kg, càng nuôi càng lỗ.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cá tra là mặt hàng có doanh số xuất khẩu giảm mạnh; quý I (giảm 29%), quý II giảm 32%, tiếp tục giảm 27% và 29% trong tháng 7 và tháng 8. Sang tháng 9, xuất khẩu cá tra tiếp tục giảm 14% với doanh số đạt 135 triệu USD, đưa kết quả xuất khẩu lũy kế 9 tháng đầu năm giảm 28% đạt khoảng 1 tỷ USD... Trong khi đó, 9 tháng đầu năm 2018, tăng trưởng xuất khẩu cá tra là 24,6% đạt mức 1,6 tỷ USD.