Trong 3 quý đầu năm 2016, giá cao su tiếp tục “chìm” trong khoảng 26 - 27 triệu đồng/tấn, bất ngờ từ quý IV bật tăng dần đều lên 30 - 35 rồi đến 40 triệu đồng/tấn. Người trồng và doanh nghiệp đều phấn khích, lạc quan vào thị trường ngay trong những tháng đầu năm 2017 sắp tới…
Giá tăng là động lực giữ chân công nhân cạo mủ ở lại công ty
Ngay từ đầu năm 2016, lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã dự báo trước các kịch bản về giá cao su thế giới và chọn kịch bản ở mức thấp nhất để có các biện pháp ứng phó thích hợp khi giá cao su mãi phập phù ở mức 26 - 27 triệu đồng/tấn. Riêng với cao su tiểu điền, đã có những thời điểm khi giá cao su xuống thấp dưới cả giá thành sản xuất làm ảnh hưởng lớn tới đời sống bà con nông dân, khiến nhiều diện tích trồng cao su bị chặt bỏ để chuyển sang trồng cây trồng khác.
Từ đó, VRG đặt ra nhiệm vụ chung cho toàn ngành là phải tập trung vào thâm canh, tăng năng suất vườn cây, đồng thời rà soát lại chi phí sản xuất ở mức thấp nhất để đảm bảo trong tình hình giá cả rớt tới đáy vẫn sản xuất có lãi. Trong đó, rà soát các dự án, tập trung vào các dự án thiết thực phục vụ khai thác mủ, sản xuất kinh doanh, giảm chi phí hành chính, tăng năng suất cạo mủ nên năng suất bình quân toàn ngành đạt 1,6 tấn/ha và kéo giảm giá thành sản xuất xuống còn 25 triệu đồng/tấn cao su thành phẩm, bán ra mức 26 triệu đồng/tấn vẫn có lãi.
Rất may, diễn biến giá cao su từ quý IV năm nay bất ngờ bật tăng, diễn ra khá thuận lợi, hiện đã cán mức 40 triệu đồng/tấn khiến nhiều doanh nghiệp phấn khởi, từ chỗ “thắt lưng buộc bụng” để hòa vốn hoặc có lãi chút ít, nay có thể thở phào vì người trồng và chế biến mủ đều có lãi, có chút “của ăn của để”.
Nhưng phải nói rằng, với giá tăng trên cũng chỉ ngang bằng với mức của năm 2014, lúc đó ngành cao su vẫn còn coi đó là “ảm đạm” do từ nhiều năm trước giá mủ cao su luôn đạt đỉnh cao từ 70 - 80 triệu đồng/tấn, thậm chí năm 2011 vọt lên 110 triệu đồng/tấn.
Một số chuyên gia kinh tế nhận định, giá mủ cao su bất ngờ tăng từ tháng 10 đến nay do những năm qua 4 quốc gia xuất khẩu cao su lớn là Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Malaysia giảm sản lượng khai thác vì giá mủ xuống thấp có lúc chỉ bằng 2/3 giá hiện tại. Bên cạnh đó, một số yếu tố khác như giá dầu mỏ tăng khiến giá cao su nhân tạo cũng lên và ngành công nghiệp ô tô trên thế giới tăng trưởng ổn định.
Trung Quốc và Ấn Độ là hai thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam chiếm 66,1% thị phần. Trong năm nay, dự kiến Việt Nam xuất sang Trung Quốc đạt trên dưới 900 triệu USD, còn xuất sang Ấn Độ đạt trên 100 triệu USD; giá trị xuất khẩu cao su sang hai thị trường này tăng lần lượt khoảng 21% và 10% so với cùng kỳ năm 2015.
Riêng thị trường Trung Quốc chiếm hơn 50% sản lượng xuất khẩu của Việt Nam đang có tín hiệu tốt lành do nhu cầu sản xuất săm lốp ô tô tại quốc gia này gần đây được đánh giá là trên đà tăng nhẹ.
Tổng kim ngạch xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam ước đạt 1,66 tỷ USD năm 2016. Bên cạnh đó, Việt Nam còn xuất khẩu 1,5 tỷ USD các sản phẩm từ cao su như lốp xe, linh kiện cao su, băng tải và 1,2 tỷ USD các sản phẩm từ gỗ cao su. (Nguồn: Bộ NN-PTNT)
Còn theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), giá mủ cao su tăng một phần do yếu tố hạn hán, đặc biệt sản lượng cao su của Thái Lan giảm 50%. Hơn nữa, giá dầu tăng nhẹ cũng là động lực kéo giá cao su tăng theo.
Theo ông Trần Ngọc Thuận - Tổng giám đốc VRG, năm 2016 đánh dấu cột mốc quan trọng của ngành cao su: Lần đầu tiên, nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam” (Viet Nam Rubber) được công bố chính thức sau hai năm thực hiện các thủ tục cấp phép và xây dựng hồ sơ pháp lý liên quan. Theo đó, Hiệp hội Cao su Việt Nam là chủ sở hữu hợp pháp với nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam”.
Từ nay, nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam” được sử dụng trên tất cả các sản phẩm cao su Việt Nam mà doanh nghiệp cam kết đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng và các lĩnh vực khác liên quan đang áp dụng trong ngành cao su Việt Nam.
“Trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu cao su trở nên gay gắt, ngành cao su trong nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, chưa có thương hiệu chung cho ngành. Vì vậy, việc đưa vào sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam” sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, uy tín của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường, tạo độ tin cậy cho đối tác nước ngoài khi chọn cao su nhập khẩu từ đất nước chúng ta”, ông Thuận nhấn mạnh.
Theo Nông nghiệp Việt Nam