Nếu giá dầu thô tiêp tục xuống thì giá cao su thiên nhiên có thể rơi xuống mức 20 triệu đồng/tấn, theo ông Trần Ngọc Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG).
Công nhân đang làm việc tại một nhà máy chế biến cao su - Ảnh: TL. |
Theo ông Thuận, giá cao su thường tỷ lệ thuận với giá dầu mỏ trên thị trường, cùng tăng hoặc cùng giảm. Và nếu giá dầu tiếp tục giảm, khả năng giá cao su có thể rơi xuống mức 20 triệu đồng/tấn có thể xảy ra trong thời gian tới.
“Trước sự sụt giảm của giá dầu, giá cao su cũng đã giảm theo, và vì thế Tập đoàn chúng tôi đã tính toán đến phương án kinh doanh khi giá cao su về mức 20 triệu đồng/tấn, một mức giá thấp hơn cả giá thành”, ông Thuận nói với TBKTSG Online hôm qua, 15-1.
Một trong những vấn đề mà VRG sẽ làm trong bối cảnh giá cao su liên tiếp giảm là rà soát lại suất đầu tư theo vùng miền, tiết giảm giá thành, thoái vốn, cổ phần hóa và tích cực tìm kiếm khách hàng mới để mở rộng thị trường.
Theo VRG, năm 2015, lượng mủ khai thác của tập đoàn là gần 265.000 tấn, tăng 6%so với kế hoạch đặt ra từ đầu năm 2015. Giá cao su bán ra bình quận của tâp đoàn là 30,5 triệu đồng/tấn, bằng 82% giá bán cao su bình quân của năm 2014. Doanh thu từ bán mủ cao su đạt gần 10.000 tỉ đồng. Tính chung cả khối công nghiệp, dịch vụ, tổng doanh thu của VRG là 18.000 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2.000 tỉ đồng.
Năm 2016, VRG đặt mục tiêu tổng doanh thu là 17.800 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế là 2.570 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo ông Thuận, kế hoạch này được VRG đưa ra cách đây hơn hai tháng khi giá các loại cao su vẫn ở mức gần 28 triệu đồng tấn, và nếu giá cao su tiếp tục giảm thì doanh thu dự kiến sẽ giảm theo.
Giá cao su trên thị trường ngày 15-1 cho loại SVR3L là 25,7 triệu đồng/tấn, loại SVR10 là 25,3 triệu đồng/tấn, giảm hơn 2 triệu đồng/tấn so với thời điểm 15-11-2015.
Theo Ngọc Hùng - Saigontimes