Giảm tồn kho, cắt giảm chi phí lương... là những giải pháp được các doanh nghiệp khai thác, chế biến, tiêu thụ dầu khí áp dụng để vượt khó.
Cú sốc bất ngờ
Nhu cầu tiêu thụ dầu, sản phẩm từ dầu khí giảm, cùng với “cuộc chiến” giá dầu của các ông lớn khiến giá dầu lao dốc. Chia sẻ với PV, một chuyên gia trong ngành cho hay: Trong quá khứ, việc giá dầu tăng giảm là điều hết sức bình thường, nhưng giảm một cách "cắm đầu" như thế này 30 năm nay chưa từng có. Vừa rồi có một ngày giá dầu giảm tới 30% - kỷ lục mấy chục năm gần đây.
Mới đây, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Lê Mạnh Hùng đã phải chủ trì cuộc họp đột xuất trực tuyến với một số đơn vị trong tập đoàn này về tình hình sản xuất kinh doanh, các giải pháp ứng phó với tác động kép của dịch Covid-19 và giá dầu sụt giảm đột biến.
Giá dầu lao dốc, cấp tập ứng phó. Ảnh: PVN
Theo tính toán, với mỗi mức giảm 1 USD của giá dầu, doanh thu xuất bán dầu của PVN sẽ giảm tương ứng khoảng 225.000 USD/ngày. Như vậy, với mức giá dầu chạm ngưỡng 30-35 USD/thùng như hiện tại, PVN sẽ mất khoảng 3 tỷ USD doanh thu trong năm 2020, ảnh hưởng nghiêm trọng tới kết quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn và đến nguồn thu ngân sách quốc gia.
Tại thị trường Việt Nam, nhu cầu sản phẩm lọc hóa dầu trong nước cũng giảm rất mạnh, các khách hàng của Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm xăng dầu giảm từ 30-40% so với cùng kỳ các năm trước, trong đó sản phẩm nhiên liệu bay Jet A1 có mức giảm sâu nhất.
Theo hợp đồng kỳ hạn năm 2020, tổng khối lượng xăng dầu BSR giao mỗi tháng cho các khách hàng vào khoảng 634.000 m3, gồm 302.000 m3 xăng 95/92; 272.000 m3 dầu DO và 60.000 m3 nhiên liệu bay Jet A1. Tuy nhiên, do dịch Covid-19, tồn kho xăng dầu của BSR cũng đang có xu hướng tăng nhanh, gần đạt ngưỡng khi các khách hàng đều giảm bình quân tới 30% kế hoạch do tình hình tiêu thụ và sức chứa gặp nhiều khó khăn.
Đối với sản phẩm LPG và hạt nhựa PP, khách hàng cũng đề nghị giảm sản lượng nhận hàng và giãn thời gian giao nhận hàng.
Nhiều doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lớn cũng gặp khó trong tiêu thụ sản phẩm. Đại diện một doanh nghiệp cho biết: Giá dầu giảm mạnh đã tạo ra một cuộc đua bán hàng trên thị trường, với mục tiêu bán càng nhanh càng tốt để giảm tồn kho. Để đẩy hàng tồn, các doanh nghiệp có thời điểm phải tăng chiết khấu lên 3.500 đồng/lít, trong khi đó, tại cơ cấu giá xăng dầu, Nhà nước chỉ cho chi phí và lợi nhuận 1.300 đồng/lít. Việc này khiến doanh nghiệp lỗ do giá bán rất thấp.
Nhắc lại những lần sụt giảm giá dầu trong quá khứ, vị này nhận xét bối cảnh hiện nay “căng hơn rất nhiều”. Trước đây, giá xăng dầu xuống thấp nhưng nhu cầu không giảm nên doanh nghiệp vẫn có doanh thu, vẫn duy trì sản xuất. Giờ đây, nhu cầu giảm rất nhiều, sản lượng tiêu thụ cũng giảm mạnh.
“Có cây xăng của chúng tôi sản lượng giảm tới 35%”, vị này chia sẻ.
Tiêu thụ xăng dầu cũng suy giảm.
Tìm cách vượt khó
Chia sẻ về giải pháp ứng phó, đại diện một doanh nghiệp xăng dầu lớn nói: "Để khắc phục thiệt hại, chúng tôi phải chú ý đến kiểm soát tồn kho, cắt giảm chi tiêu không cần thiết. Đồng thời, thực hiện mua nhanh bán nhanh. Trước đây, chúng tôi mua sản phẩm về hôm nay, vài hôm sau mới bán, thì nay phải mua nhanh bán nhanh để kiểm soát tồn kho".
Để giảm phần nào chi phí, có doanh nghiệp đã giảm 25% lương lãnh đạo, còn nhân viên là 15%.
Ông Bùi Minh Tiến, Tổng Giám đốc Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), cho hay: BSR đang nỗ lực nghiên cứu, áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
"Một mặt, công ty tích cực làm việc với từng khách hàng, đưa ra các giải pháp, chính sách hỗ trợ để tối đa hoá khả năng tiếp nhận hàng hoá, mặt khác từng bước điều chỉnh giảm công suất để phù hợp với sức chứa của nhà máy và khả năng tiếp nhận của khách hàng. Phương án gửi hàng hoá tại tổng kho của các đầu mối phân phối lớn cũng được tính đến khi thị trường tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu, nhằm đảm bảo kho chứa tại nhà máy không bị tank-top (đầy kho) và nhà máy vẫn sản xuất an toàn", ông Tiến chia sẻ.
Ông Tiến tin tưởng rằng, việc chủ động triển khai các giải pháp trên đang từng bước giúp công ty hạn chế ảnh hưởng tiêu cực do dịch Covid-19 gây ra, đồng thời tiếp tục bình tĩnh ứng phó với những diễn biến có thể phức tạp hơn.
Còn với lọc dầu Nghi Sơn, đơn vị này hiện phải tính toán đến phương án xuất khẩu sản phẩm. Song việc xuất khẩu cũng không đơn giản vì nguồn cung hiện nay cơ bản là dư thừa.
Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh đây là một trong những thời điểm khó khăn nhất của tập đoàn trong lịch sử. Chính vì vậy, PVN vừa phải nỗ lực “chèo lái qua giông bão”, vừa chắt lọc cơ hội trong nguy cơ để có thể vực lại tình hình sản xuất kinh doanh một cách nhanh nhất, đạt hiệu quả cao nhất.
“Tập đoàn cần có cơ chế đặc biệt để tháo gỡ khó khăn đồng thời nắm bắt cơ hội phát sinh; từ đó vượt qua thách thức. Đó là cơ chế kiểm soát, quản trị rủi ro, quy trình hành động thật nhanh, nghĩ thật nhanh và làm thật nhanh thì mới có thể giải quyết công việc, điều hành sản xuất kinh doanh ở giai đoạn đặc biệt khó khăn này”, lãnh đạo PVN nhấn mạnh.