Giá tăng cao
Những ngày đầu tháng 3, các doanh nghiệp và người trồng điều tại các tỉnh miền Đông Nam bộ như Bình Phước, Đồng Nai... lại hối hả bắt tay vào vụ thu hoạch và sản xuất, kinh doanh điều. Ghi nhận của phóng viên, hiện giá hạt điều nguyên liệu đang tăng cao kỷ lục và thương lái cũng tăng cường "lùng sục" thu mua. Tại các huyện Phước Long, Đồng Phú (Bình Phước) giá điều tươi thu mua tại vườn đã tăng lên 31.000 - 32.00 đồng/kg, điều khô có giá từ 39.000 - 40.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất trong 10 năm qua.
Anh Trần Văn Thi ở xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) cho hay, nếu như cách đây 2 năm giá điều tươi chỉ dao động ở mốc 18.000 - 22.000 đồng/kg thì hiện giá đã tăng thêm hơn 10.000 đồng/kg. Với giá cả như hiện nay, cứ tính trung bình mỗi héc ta điều cho thu nhập từ 90 - 110 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, người trồng thu lãi từ 70 - 85 triệu đồng/vụ.
Còn chị Nguyễn Thị Huệ ở thị xã Đồng Xoài (Bình Phước) cho biết ngay từ đầu vụ, thương lái đã vào tận vườn mua bao cả vụ với giá 28.000 - 29.000 đồng/kg nhưng gia đình chị không bán vì nghe thông tin năm nay giá điều sẽ tăng cao. Với giá cả cao ngất ngưởng trên, dự kiến với gần 2 ha điều cho sản lượng gần 4 tấn, gia đình chị có thể thu lãi được khoảng 100 triệu đồng.
Do ảnh hưởng của thời tiết khô hạn, vụ điều năm nay sẽ kéo dài hơn mọi năm. Hai tháng đầu năm 2016, cả nước đã xuất khẩu 37.000 tấn điều nhân các loại, đạt kim ngạch khoảng 278 triệu USD, tăng 5% về lượng và 11% về giá trị so với 2 tháng đầu năm 2015. Riêng về giá, các doanh nghiệp cũng đang thu mua điều nguyên liệu cho bà con cao hơn 30%. “Giá điều tăng cao là do giá thế giới nhích lên, trong khi đó hạt điều trong nước có chất lượng vượt trội, sản phẩm làm ra được bạn hàng ưa chuộng hơn hẳn so với hạt điều nhập khẩu", ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) nhận xét.
Tăng cường liên kết
Giá điều tăng cao nhưng bà con đang tiếc "đứt ruột" vì không có nhiều để bán. Tại nhiều địa phương ở các tỉnh Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước... diện tích điều giảm mạnh, thậm chí có vùng còn xóa trắng cây điều để thay thế bằng những loại cây trồng khác như cao su, cây ăn trái... Nguyên nhân là do vườn điều già cỗi, thời tiết thất thường nên liên tiếp mất mùa, năng suất sụt giảm từ 20 - 50%. Năng suất giảm, giá cả thị trường lại bấp bênh đã khiến nhiều nông dân chặt bỏ cây điều chuyển sang trồng các loại cây khác.
Tương tự như các loại nông sản khác, nhiều năm qua giá điều vẫn phụ thuộc nhiều vào tư thương. Để được "nhập kho" sản xuất của các doanh nghiệp xuất khẩu, nhà nông phải qua nhiều tầng lớp trung gian và cứ qua mỗi bộ phận trung gian, lợi nhuận của nhà nông lại hao hụt đi đáng kể. Ngoài ra, do không có điều kiện bảo quản, nhà nông thường bán nguyên liệu ngay tại vườn cho thương lái nên thường dễ bị ép giá, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận thu về.
"Muốn cây điều phát triển bền vững, chúng ta không thể để người trồng điều tự bơi mà cần có một chiến lược phát triển căn bản, trong đó cần có sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, thu mua và chế biến để đảm bảo quyền lợi cho người trồng điều. Ngoài ra, Nhà nước nên có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ người nông dân gắn bó với cây điều. Vinacas đang kết hợp với ngành chức năng hướng đến phát triển được mô hình liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ, xây dựng vùng nguyên liệu từng bước gắn kết người trồng điều với doanh nghiệp, có chiến lược phát triển ngành từ trung hạn đến dài hạn nhằm góp phần giúp người trồng điều gia tăng lợi nhuận, yên tâm về đầu ra", ông Thanh nói thêm.
(Theo Báo Tin tức)