Bình Định có diện tích dừa lớn thứ 3 cả nước sau Bến Tre và Trà Vinh, với khoảng gần 10.000 ha, mật độ 277 cây/ha, sản lượng đạt 98 triệu quả/năm. Diện tích dừa tập trung nhiều nhất ở các huyện Hoài Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân.
Trước đây, cây dừa là cây trồng cho hiệu quả kinh tế của nhân dân trong vùng. Tuy nhiên bẵng đi một thời gian dài, những vườn dừa bị lụi tàn vì giá quá thấp, chỉ còn 500 - 600 đồng/quả. Hơn nữa, thời điểm đó dịch bệnh bọ cánh cứng “tàn phá” khiến người trồng dừa chán nản, không đầu tư chăm sóc nên nhiều diện tích dừa bỏ mặc.
Bên cạnh đó, hầu hết các cơ sở sản xuất, chế biến các sản phẩm từ cơm dừa khô trên địa bàn tỉnh còn nhỏ lẻ nên hơn 70% dừa quả địa phương hầu như phụ thuộc vào thị trường phía Bắc và bán đi Trung Quốc.
Tuy nhiên hiện nay, dịch bệnh đã được khống chế, đặc biệt giá dừa tăng mạnh trở lại do nhu cầu tiêu thụ tăng cao, trong khi đó năng lực chế biến dừa khô cũng được nâng lên nên cây dừa mang lại lợi nhuận đáng kể cho người trồng. Từ đó, người nông dân đầu tư chăm sóc, lai tạo giống mới, gây dựng lại thương hiệu dừa Tam Quan xứng danh xứ dừa ở Bình Định.
Ông Trần Văn Cường - Chủ tịch UBND xã Hoài Đức (huyện Hoài Nhơn) cho biết: Riêng ở xã Hoài Đức có 3.600 hộ dân thì trừ 600 hộ sống ven QL1A do diện tích nhỏ nên ít trồng dừa, còn lại nhà nào cũng trồng dừa kín vườn. Cách đây khoảng 5- 7 năm, giá dừa ta chỉ ở mức 1.000 - 1.500 đồng/trái mà không ai thèm mua. Tuy nhiên, hiện đang vào mùa nắng nóng, nhu cầu dừa uống nước tăng mạnh đẩy giá dừa tăng cao. Hiện tại nếu thương lái mua tại vườn, dừa sau khi hái xong thì bán giá 10.000 đồng/trái, còn nếu tự đến vườn hái thì giá thấp hơn khoảng 6.000 - 7.000 đồng/trái vì sau khi leo lên cây hái phải dọn dẹp vệ sinh cho chủ vườn.
Nghề lột vỏ dừa kiếm thu nhập 3 triệu đồng/tháng cho lao động nữ ở địa phương“Thường 1 cây dừa, chăm sóc chỉ 3-5 năm, nếu chăm sóc kỹ thì 3 năm sau sẽ ra trái. Bình quân 1 cây dừa 1 năm cho 100 trái, với giá hiện tại 1 cây dừa cho lãi 500 ngàn đồng/năm. Trong khi việc trong chăm sóc dừa cực kỳ đơn giản, hàng năm chỉ bón 1 lần muối hạt thì dừa vừa xanh lá vừa ngọt nước”, ông Cường nói.
Chị Võ Thị Chín (ở xã Hoài Đức, huyện Hoài Nhơn) cho biết: “Cây dừa phát triển trở lại không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho người trồng dừa mà còn tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương. Chỉ cơ sở làm bánh kẹo của gia đình tôi có trên 10 lao động thường xuyên, với mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/tháng”.
Dừa Bình Định có ưu điểm trái to, nước nhiều, cơm dừa dày làm bánh kẹo, dầu dừa, cước dừa và các sản phẩm mỹ nghệ khác...Hiện tại xứ dừa Tam Quan (huyện Hoài Nhơn) đã thành lập Hội dừa Hoài Nhơn với 7 chi hội chức năng ngành nghề riêng biệt: Chi hội chế biến dầu dừa tinh khiết; chi hội trồng dừa; chi hội sản xuất cước xơ dừa; chi hội thu mua dừa; chi hội sản xuất phân bón vi sinh từ mụn dừa; chi hội sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và chi hội sản xuất thực phẩm các loại từ dừa.đồng/trái...
Hồi sinh những vườn dừa vì giá dừa những năm gần đây đang cao, nhu cầu tiêu dùng lớnTheo Dân Trí