Năng suất dưa cùng với giá thu mua giảm thấp, sau khi trừ các khoản chi phí mỗi hộ trồng dưa lỗ hàng chục triệu đồng.
Ảnh minh họa.
Năm nay, nông dân tỉnh Gia Lai trồng được khoảng 1.000 ha dưa hấu. Nhưng do nắng hạn khốc liệt, quả dưa nhỏ, không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu nên giá bán sụt giảm từ 3 - 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Danh ở thôn 6, xã Hà Tam, huyện Đăk Pơ, tỉnh Gia Lai trồng 2 ha dưa hấu. Do tình hình khô hạn diễn ra khắc nghiệt nên quả dưa hấu nhỏ, năng suất giảm 50%. Sau khi bán 40 tấn dưa cho thương lái, trừ các khoản chi phí, gia đình bà Danh lỗ hàng chục triệu đồng.
“Vụ dưa năm nay thời tiết nắng nóng nên nông dân ở đây ai cũng bị thất thu rất nhiều. Dưa không đạt chất lượng khiến giá mua giảm nên mỗi gia đình trồng dưa lỗ từ 60 – 70 triệu đồng”, bà Danh cho biết.
Hiện đang là thời điểm bà con nông dân ở các huyện phía Đông và Đông Nam tỉnh Gia Lai đang tập trung thu hoạch dưa hấu. Thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng, khô hạn kéo dài cùng với những đợt lạnh giá thất thường khiến dưa hấu quả nhỏ và năng suất rất thấp, chỉ khoảng 20-25tấn/ha, giảm một nửa so với những năm trước.
Cùng với đó, việc tiêu thụ sản phẩm lại rất khó khăn do phụ thuộc thị trường Trung Quốc. Nếu theo yêu cầu của đối tác chỉ nhập những loại dưa có cân nặng trên 5kg/quả, thì phần lớn sản phẩm dưa hấu ở Gia Lai không đạt yêu cầu. Đồng thời, giá dưa hấu mà các đối tác nước ngoài đưa ra thất thường nên thương lái ở địa phương cũng gặp nhiều khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, một thương lái tại thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai cho biết, vụ dưa năm nay, từ người trồng dưa đến người buôn dưa đều lâm vào cảnh khó khăn. Người trồng dưa bị mất mùa do nhiều đợt sương lạnh khiến dưa chết nhiều, tới lúc dưa ra trái trời nắng nóng khiến dưa không phát triển. Giá nhập dưa của Trung Quốc cũng đã giảm cũng khiến người buôn thua lỗ nhưng đầu ra chưa hẳn đã hết khó khăn.
Niên vụ dưa năm nay, tỉnh Gia Lai có khoảng 800 – 1000 ha dưa hấu, trồng tập trung ở các huyện phía Đông và Đông Nam. Thời điểm này, giá dưa hấu bán tại đồng xuống mức rất thấp. Đối với loại dưa có cân nặng trên 5kg mỗi quả, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu có giá khoảng 1.500 - 2.300đồng/kg, còn loại dưa nhỏ hơn, không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu chỉ bán được từ 300 - 700đồng/kg. So với năm ngoái, giá dưa đã giảm 3 - 5lần, nhưng cũng rất ít thương lái đến mua. Nông dân cũng không thể mang dưa đi bán vì công thu hái và vận chuyển quá cao.
Ông Phạm Thanh Vân, Chủ tịch UBND xã Sró, huyện Kong Chro, tỉnh Gia Lai cho biết, theo tính toán, nếu bán được 2.500 đồng/kg người trồng dưa mới có khả năng hòa vốn, nếu giá thấp hơn chắc chắn bị lỗ. Do vậy các cấp phải có hướng cụ thể trong liên kết, tạo đầu ra ổn định hạn chế khó khăn cho người dân.
Từ câu chuyện mất mùa, mất giá của cây dưa hấu cho thấy, cùng với những rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, vấn đề đầu ra cho nông sản đang là điểm yếu. Trong khi đó, một chính sách mang tầm chiến lược để giúp nông dân hạn chế rủi ro là Bảo hiểm nông nghiệp lại còn quá xa lạ với nông dân tại tỉnh Gia Lai.
Theo Quyết định 315/QĐ-TTg năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm Bảo hiểm nông nghiệp, chỉ có một số đối tượng cây trồng, vật nuôi được thí điểm và chỉ được áp dụng tại một số tỉnh thành. Trong đó, Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên chưa được triển khai chính sách này. Bà con nông dân trong vùng đang rất cần có chính sách hỗ trợ cụ thể trong sản xuất nông nghiệp.
Ông Võ Văn Hưng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kong Chro, tỉnh Gia Lai cho rằng, vấn đề đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp hiện nay rất là khó khăn. Các loại cây trồng trong huyện như bắp, mì, dưa hấu và các loại rau, đậu giá cả rất bấp bênh, đầu ra không ổn định nên chưa giải quyết được khó khăn cho người nông dân.
“Trong 21 tỉnh thành của cả nước thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, Gia Lai chưa được tiếp cận vấn đề này. Nếu có thể bảo hiểm được và bao tiêu được sản phẩm là điều tốt nhất và thiết thực cho bà con nông dân”, ông Hưng chỉ rõ.
Là địa phương có truyền thống trồng dưa hấu lâu năm, nhưng niên vụ này, nông dân tỉnh Gia Lai khó khăn nhất vì vừa mất mùa, vừa mất giá. Tình trạng này chắc chắn sẽ tái diễn, không chỉ đối với dưa hấu mà còn nhiều nông sản khác ở Tây Nguyên cũng vậy, nếu chúng ta chỉ phụ thuộc vào một thị trường xuất khẩu.
Theo VOV