Theo ông Đỗ Văn Ước – hộ chăn nuôi tại xã Khánh Thủy, huyện Yên Khánh (tỉnh Ninh Bình): Giá lợn hơi từ đầu tuần đến giờ tăng “nóng” từng ngày.
Theo ông Nguyễn Kim Đoán – Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, từ ngày 10.7 đến nay, giá lợn hơi tại Đồng Nai đã tăng lên mức 29 nghìn đồng/kg, số lượng lợn tiêu thụ hằng ngày cũng cao hơn so với trước đây. Tại các tỉnh phía Bắc, giá lợn hơi cũng đã tăng 3-4 giá. Thậm chí, tại một số địa phương, giá lợn hơi loại 1 đã bắt đầu chạm mức 35 nghìn đồng/kg. Nhiều hộ mạo hiểm "ém" hàng hi vọng giá tiếp tục lên.
Đến ngày 12.7, giá lợn hơi loại 1 ở Ninh Bình đã tăng lên mức 33-35 nghìn đồng/kg tùy loại và tùy nguồn hàng xuất đi. Theo ông Đỗ Văn Ước – hộ chăn nuôi tại xã Khánh Thủy, huyện Yên Khánh (tỉnh Ninh Bình): Giá lợn hơi từ đầu tuần đến giờ tăng “nóng” từng ngày. 10 ngày trước chỉ ở mức 22 nghìn đồng/kg thì đến ngày 12.7 đã tăng lên 33-34 nghìn đồng/kg. Lợn hơi cũng đã xuất nhỏ giọt sang Trung Quốc với mức giá 35 nghìn đồng/kg.
Bà Nguyễn Thị Mai – chủ một sạp hàng kinh doanh thịt lợn tại ngõ 26 phố Doãn Kế Thiện (quận Cầu Giấy – Hà Nội) cho biết, 1 tuần nay bà phải điều chỉnh giá thịt lợn bán cho người tiêu dùng tăng thêm 2 giá, dù giá lợn hơi đã tăng khoảng 5-7 nghìn đồng/kg. Trước hiện tượng lợn hơi tăng giá, nhiều hộ chăn nuôi tại một số tỉnh phía Bắc bán hàng theo kiểu “nhỏ giọt” để nghe ngóng chờ giá lên.
Anh Nguyễn Thế Anh – Phó Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ (Ứng Hòa, Hà Nội) - tỏ ra thận trọng: “Giá lợn hơi tăng quá “nóng” và không bình thường nên tôi chưa bán vội, đợi xem tình hình như thế nào, dù hiện tại trong trại của tôi vẫn còn 15 nghìn lợn thịt”. Anh Nguyễn Thế Anh cũng cho rằng, hiện nay số lượng lợn trong dân không còn nhiều, giá lợn hơi có khả năng tiếp tục tăng, nhưng chỉ loanh quanh ở mức 35 nghìn đồng/kg, khó có khả năng tăng đột biến.
Tuy nhiên, thông tin của một số cá nhân trên mạng FaceBook vẫn cho rằng, hiện tại nhiều địa phương khu vực phía Bắc, nhiều gia đình vẫn chỉ được trả giá lợn hơi ở mức 22 nghìn đồng/kg.
Trước thông tin trái chiều như vậy, Cục Chăn nuôi khuyến cáo người chăn nuôi nên bình tĩnh tìm hiểu thêm thông tin. Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Xuân Dương thừa nhận: Trung Quốc chưa chấp nhận nhập thịt lợn chính ngạch từ Việt Nam, thị trường tiểu ngạch lại không ổn định, người chăn nuôi nên bình tĩnh để tránh "vết xe đổ" khủng hoảng thừa như vừa qua.
Ông Nguyễn Kim Đoán cũng nêu ý kiến: Nguồn lợn hơi “quá khổ” đã tương đối cạn và người dân đã gần như kiệt vốn, nên sẽ không có chuyện tái đàn vô tội vạ. Giá lợn có thể tăng nhưng khó có khả năng tăng như kỳ vọng, bởi dù các nông hộ đã bỏ nghề, nhưng tổng đàn lợn của các DN vẫn còn rất lớn.
“Lập luận” lại ý kiến trên, một hộ chăn nuôi tại Khoái Châu (Hưng Yên) cũng cho rằng: Trong gần 1 năm qua, Cục Chăn nuôi đã gần như bỏ mặc người chăn nuôi lợn “tự bơi”, vậy có nên coi ý kiến của Cục Chăn nuôi là một kênh để tham khảo? Hầu hết người dân đều rất thận trọng, không bán ra ồ ạt. Thậm chí, nhiều hộ chăn nuôi cho biết sẽ tiếp tục “găm” hàng thêm 2-3 tuần, đợi khi giá lợn hơi tăng thêm và “neo” ở mức ổn định mới bán ra.
Theo PV
Người lao động