Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk các nhà máy đường đã thu mua giá mía cây từ 860 đến 935 đồng/kg mía (với 10 chữ đường), tăng từ 210 đến 286 đồng/kg mía cây so với niên vụ năm 2015.
Tại huyện M’Đrắk, trong vài năm trở lại đây, đồng bào các dân tộc đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư chuyển đổi đất trồng màu kém hiệu quả, đất hoang hóa sang trồng mía. Đặc biệt, người dân còn chuyển hàng ngàn ha đất xám bạc màu, đất gò đồi sang trồng mía mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiện nay, diện tích trồng mía của huyện đã tăng lên 6.100ha; trong đó, tập trung nhiều nhất ở xã vùng sâu Ea Pin, Cư Prao. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa mỗi năm thu lãi từ trồng mía hàng chục triệu đồng.
Vụ mía đường năm nay, đồng bào dân tộc cũng đã đưa vào trồng đại trà chủ yếu bằng các giống như K88-92, K95-84, K833... là các giống chịu hạn, cho năng suất, hàm lượng đường cao. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năng suất mía năm nay đạt từ 70 đến 90 tấn mía cây/ha, nhiều gia đình thâm canh tốt đạt từ 100 tấn mía cây/ha trở lên.
Đắk Lắk có tổng diện tích mía gần 12.000ha; trong đó tập trung nhiều nhất là huyện M’Đrắk và Ea Kar.
(Theo Nông nghiệp Việt Nam)