Một số nông sản như mít Thái, dưa hấu ở miền Tây, Tây Nguyên rớt giá còn vài nghìn đồng một kg khi hàng sang Trung Quốc bị tắc vì ùn ứ ở các cửa khẩu phía Bắc.
Anh Hoà, chủ nhà vườn ở Long An cho biết, mới tuần trước, giá mít tại vườn được thương lái mua 10.000-12.000 đồng một kg, nay rớt còn 4.000-5.000 đồng một kg. "Giá giảm mạnh nhưng việc bán ra cũng khá khó khăn vì thương lái ngại thu mua", anh Hoà nói.
Mít Thái được thương lái thu mua và bán với giá rẻ. Ảnh: Dương Phong
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Cần Thơ. Sở hữu cả 1.000 cây mít Thái, anh Thanh cho biết, cả vườn mít đã đến vụ thu hoạch nhưng giá bán chỉ khoảng 5.000 đồng một kg. Nếu không bán nhanh, giá sẽ còn giảm nữa vì không có thương lái thu mua. Với giá này, gia đình anh sẽ phải chịu lỗ nặng.
"Đến nay, tình trạng xe container ùn ứ tại các cửa khẩu xuất đi Trung Quốc vẫn khá trầm trọng. Nhiều thương lái đang phải đổ bỏ vì không tiêu thụ được dẫn đến thua lỗ. Do đó, hoạt động thu mua mít hiện rất chậm", anh Thanh nói và cho biết nhiều nông dân ở vùng sâu thậm chí phải bán giá mít xô tại vườn chỉ 2.000-3.000 đồng một kg.
Các loại khác như dưa hấu, thanh long ở các tỉnh miền Tây và Tây Nguyên cũng rớt giá từ 8.000 đồng xuống 3.000-5.000 đồng một kg cho hàng xuất khẩu.
Chị Hải ở Kon Tum - sở hữu hơn một ha dưa hấu - cho biết, cách đây 2 tuần, thương lái vào đặt cọc với giá tại vườn là 8.000 đồng một kg. Sau khi có thông tin đóng một vài cửa khẩu và việc thông quan hàng sang Trung Quốc chậm, giá rớt còn 3.000 đồng một kg cho hàng xuất khẩu.
"Với mức giá này, một ha dưa của tôi bị lỗ 50% trên chi phí đầu tư. Tuy vậy, tôi vẫn phải bán vì để lâu dưa sẽ bị hỏng", chị Hải nói.
Là thương lái chuyên mua nông sản tại các tỉnh Tây Nguyên, chị Mai cho biết cũng đang chịu cảnh lỗ nặng. Thay vì vài chục tấn dưa bán cho doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc với giá tốt, nay chị chỉ tiêu thụ tại thị trường nội địa với mức 4.000 đồng một kg.
Thương lái thu mua dưa hấu loại tuyển tại nhà vườn ở Kon Tum chỉ 3.000 đồng một kg. Ảnh: Hồng Châu
Cũng thừa nhận chưa từng thấy cảnh ảm đạm khi vào vườn cắt trái cây như thời điểm này, ông Hoàng, thương lái 20 năm kinh nghiệm ở các tỉnh miền Tây cho biết, chỉ dám thu mua 1/5 so với 2 tuần trước đó và bán xô trong nước.
"Nhiều nhà vườn gọi điện vào cắt trái nhưng tôi không dám ôm hàng vì không thể tìm được đầu ra", ông Hoàng chia sẻ
Theo các thương lái, rất khó để kiếm được thị trường thay thế Trung Quốc. Bởi đây là nơi có sức tiêu thụ lớn nhất trong các thị trường xuất khẩu trái cây của Việt Nam.
Mặt khác, trước nay người trồng cũng quen với tiêu chuẩn sản xuất trái cây để xuất đi Trung Quốc nên khi thị trường này "bị tắc", trái cây cũng lâm vào cảnh " được mùa mất giá". Hiện nay, diện tích trồng nông sản của nhiều địa phương ở Việt Nam vẫn chưa được giám sát và quy hoạch tốt nên tình trạng này khiến nông dân gặp khó khăn.
Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) dự báo, trong quý I/2022, sản lượng trái cây chính ở các tỉnh thành phía Nam khoảng 1,6 triệu tấn. Trong đó, thanh long khoảng 297.000 tấn; chuối 250.000 tấn; xoài 244.000 tấn; mít 159.000 tấn; bưởi 144.000 tấn; cam 132.000 tấn và dứa khoảng 127.000 tấn...
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, đến ngày 25/12, Quảng Ninh còn 1.555 xe container tồn, Lạng Sơn 4.204 xe.
Xe ùn ứ dài ngày trên đường quốc lộ, tại các bãi trung chuyển cửa khẩu... khiến doanh nghiệp thiệt hại nặng nề. Phần lớn hàng đang ùn tại các cửa khẩu là hàng nông sản như thanh long, mít, dưa hấu, xoài...
Theo tính toán của Hiệp hội Rau quả, nếu tình trạng hiện tại kéo dài với hơn 6.200 container ùn ứ, doanh nghiệp có thể thiệt hại 3.000-4.000 tỷ đồng.