Giá cao su trên thị trường thế giới bật tăng mạnh trong ngày 14/6 sau thông tin Chính phủ Thái Lan đưa ra các biện pháp bình ổn giá cao su, cũng như việc 3 nước xuất khẩu hàng đầu thế giới dự kiến nhóm họp cuối tuần này bàn về cắt giảm sản lượng xuất khẩu.
Cụ thể, tính đến thời điểm 13h30’, giá mủ cao su kỳ hạn tháng 11 giao dịch tại sàn TOCOM ở mức 195,5 JPY/kg, mức tăng 5,5% so với đóng cửa ngày hôm qua.
Trước đó, vào ngày hôm qua (13/06), nội các Thái Lan đã thông qua các biện pháp hỗ trợ những người trồng trọt cao su và ổn định giá. Các biện pháp này bao gồm việc mở rộng chương trình cho vay nông nghiệp của Chính phủ đối với các hợp tác xã nông nghiệp lên mức 10 tỷ baht (tương đương gần 300 triệu USD) trong 3 năm, cùng với đó là gói cho vay trị giá 10 tỷ baht nữa đối với các doanh nghiệp cao su. Chính phủ cũng sẽ tiếp tục trả một khoản trợ cấp trực tiếp là 1.500 baht (44,23 đô la) cho mỗi rai (đơn vị tính của Thái tương đương 0,17 hecta) cho mỗi hộ gia đình, tối đa 15 rai, để giúp trang trải chi phí sản xuất cao su cũng như chi phí sinh hoạt cho các hộ nông dân trồng cao su.
Ngoài ra, giá cao su ngày hôm nay cũng được hỗ trợ trước kỳ vọng các nước xuất khẩu cao su hàng đầu thế giới, bao gồm Thái Lan, Indonesia và Malaysia, sẽ thống nhất áp dụng một mức quota xuất khẩu để hỗ trợ giá cao su trong cuộc họp cuối tuần này tại Indonesia.
Theo nhận định của công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), biến động giá mủ cao su đã nhanh chóng tác động đến diễn biến giá các nhóm cổ phiếu chịu ảnh hưởng trong phiên ngày hôm nay. Cụ thể, trong khi cổ phiếu các doanh nghiệp cao su tự nhiên, hưởng lợi từ diễn biến tăng của giá cao su, tăng khá tốt phiên hôm nay như HNG, PHR, TRC, TNC… thì các doanh nghiệp săm lốp điều chỉnh nhẹ, có thể thấy ở DRC, CSM.
Với triển vọng tích cực trong ngắn hạn của diễn biến giá mủ cao su, cùng với KQKD tích cực trong quý 2, BVSC đánh giá nhiều khả năng đà tăng ở nhóm cổ phiếu cao su tự nhiên sẽ còn tiếp diễn trong vài phiên tới.
Minh Phương
Theo Trí thức trẻ