31 triệu dân đô thị có nhu cầu nâng cấp chỗ ở, song giá nhà gấp 25 lần thu nhập là thách thức không nhỏ tại thị trường Việt Nam.
Savills Việt Nam vừa công bố báo cáo mới nhất có chủ đề "Làn sóng lớn", trong đó đề cập đến nhiều lát cắt sinh động, giải mã "tảng băng chìm" của thị trường căn hộ tại 2 đô thị điển hình là TP HCM và Hà Nội.
27% dân đô thị ở nhà chất lượng thấp
Thống kê của tổ chức UN – Habita (chương trình Nhân cư Liên Hiệp Quốc), có khoảng 27% cư dân đô thị Việt Nam đang sống trong điều kiện nhà ở chất lượng thấp, tương đương 31 triệu người. Savills đánh giá, càng có nhiều nhà ở chất lượt thấp sẽ dẫn đến kích thích nhu cầu nâng cấp chỗ ở tốt hơn. Đây chính là nguồn cầu đầy tiềm năng của thị trường nhà ở.
Giá nhà gấp 25 lần thu nhập trung bình
Theo dữ liệu của Numbeo.com vào năm 2017, giá nhà tại Việt Nam đang cao gấp 25 lần so với thu nhập trung bình của người dân. So sánh này chỉ ra, tiềm năng và cơ hội của phân khúc căn hộ vừa túi tiền, dưới 900 USD một m2 tại thị trường Việt Nam là rất lớn. Bởi lẽ đây là dòng sản phẩm nhà ở gần với khả năng chi trả của người dân.
66% người dân đô thị mua nhà lần đầu để ở
Trong quý II/2017, tỷ trọng người mua nhà để ở tại đô thị phát triển của Việt Nam chiếm 66%. Dữ liệu này có biến chuyển tích cực và tăng gần gấp đôi so với con số 36% của quý đầu năm. Tỷ trọng người mua căn hộ để cho thuê chiếm 26% còn mua để lướt sóng là 8%. Sự dịch chuyển này cho thấy nhu cầu thật về nhà ở ngày càng có xu hướng tăng lên đáng kể.
2 đô thị lớn có 100.000 gia đình mới tạo lập mỗi năm
Tính đến năm 2016, TP HCM có 58.000 và Hà Nội có 42.000 hộ gia đình mới được hình thành. Nếu tính cả 2 đô thị lớn nhất Việt Nam, số lượng gia đình mới tạo lập mỗi năm vào khoảng 100.000 hộ. Hầu hết các gia đình hạt nhân này có nhu cầu ra riêng để ổn định cuộc sống. Đây là động lực to lớn đang thúc đẩy thị trường nhà ở nói chung và căn hộ nói riêng phát triển mạnh mẽ.
Trong quý II/2017, tỷ trọng người mua nhà để ở lần đầu tại thị trường TP HCM và Hà Nội chiếm 66%, trong khi mua để đầu tư cho thuê là 26% và lướt sóng hạ xuống mức khá thấp (8%). Ảnh: Vũ Lê |
Tỷ lệ hộ độc thân thành thị vượt 10%
Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO), sự hình thành trào lưu sống độc thân ở các thành phố lớn của Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng mạnh mẽ kể từ năm 1989 đến nay. Cụ thể, tỷ lệ hộ độc thân năm 1989 chỉ ở mức 4,6% thì năm 2009 đã vọt lên 8,1%, xấp xỉ gấp đôi. Đến năm 2014 tỷ lệ này đã vượt ngưỡng 9% và dự kiến năm 2019 có thể vọt lên 10,1%. Sự phát triển mạnh mẽ của nhóm cư dân thành thị sống độc thân tại Việt Nam có thể thúc đẩy thị trường nhà ở phát sinh những nhu cầu mới.
Lợi suất cho thuê cao nhất khu vực
Hà Nội có lợi suất cho thuê (bất động sản nhà ở) đạt 7,4% còn TP HCM là 5,8%, chỉ số này cao hơn Jakarta (5,2), Kuala Lumpur (4,8), Manila (4,3), Bang Kok (4,0), Singapore (3,7). Với hiệu suất này, thị trường đầu tư bất động sản nhà ở cho thuê tại Việt Nam dẫn đầu các nước trong khu vực và được đánh giá hấp dẫn hơn các thị trường lân cận.
Số căn hộ bàn giao phá mọi kỷ lục
Từ năm 2015 trở đi, thị trường nhà ở tại Việt Nam chuyển hẳn sang thời kỳ hậu khủng hoảng, mở ra giai đoạn hồi phục. Dấu hiệu rõ rệt nhất là số lượng căn hộ được bàn giao hàng năm liên tục tăng mạnh. Năm 2015 TP HCM và Hà Nội mỗi nơi có hơn 10.000 căn chung cư được đưa vào sử dụng. Năm 2016, TP HCM có hơn 25.000 căn hộ bàn giao (tăng gấp đôi năm trước) còn Hà Nội có khoảng 15.000 sản phẩm.
Sang năm 2017, nguồn cung nhà chung cư hoàn thiện được đưa ra thị trường Hà Nội và TP HCM lên đến đỉnh điểm, mỗi thành phố có khoảng 35.000 căn hộ được bàn giao. Đây là nguồn cung phá mọi kỷ lục của thị trường từ trước tới nay và điều này tạo nên nhiều áp lực đè nặng thị trường nhà ở cho thuê.
Vũ Lê / VnExpress