“Khi đi Hàn Quốc chúng tôi thấy giá nhà của thị trường này gấp khoảng 5-7 lần thu nhập của người dân. Trong khi tại Việt Nam, giá nhà vừa túi tiền chứ không nói nhà cao cấp gấp 22-25 lần so với thu nhập trung bình của xã hội. Như vậy giá nhà của chúng ta là nằm ngoài so với khả năng của đa số người dân và đó là vấn đề chúng ta phải suy nghĩ, tính toán”, ông Lê Hoàng Châu cho biết.
Giá nhà phân khúc vừa túi tiền (không gồm cao cấp) nằm ngoài khả năng của đa số người dân Việt - Ảnh: Huyền Trâm. |
Nhận định trên được người đứng đầu Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) chia sẻ tại buổi làm việc với đoàn công tác của Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương mới đây, nhằm đánh giá được thực trạng phát triển thị trường bất động sản TP.HCM nói chung, chính sách và hiệu quả phát triển nhà ở xã hội nói riêng.
Đề cập về Cơ chế phát triển nhà ở xã hội và hiệu quả phát triển nhà ở xã hội, ông Lê Hoàng Châu cho biết, hiệp hội có thực hiện đi thực tế nghiên cứu ở Hàn Quốc nhận thấy một điểm rất nổi bật đó là chính phủ Hàn Quốc thành lập các Tổng công ty địa ốc nhà nước, chiếm lĩnh 70% thị phần nhà ở của nước này, chi phối rất mạnh, đặc biệt là nhà ở giá rẻ và nhà ở xã hội.
Đây là bài học lớn mà chúng ta cần tính toán khi Việt Nam thời gian qua làm các nhà giá rẻ không đạt như mong muốn bởi gặp nhiều vấn đề. Chúng ta cần quan tâm nghiên cứu những mô hình tốt trên thế giới, trong đó thể hiện rất rõ vai trò của nhà nước, làm những cái mà doanh nghiệp không làm được.
Dẫn chứng cụ thể, ông Châu cho biết ở Hàn Quốc họ làm nhà giá rẻ cho thuê vĩnh viễn, diện tích nhà 35m² trở xuống, người dân có thể thuê đời này qua đời khác, nếu thoát nghèo người dân có thể trả rồi thuê loại nhà 50 năm, khá hơn nữa có thể thuê nhà 30 năm là nhà to hơn, nếu giàu hơn nữa người dân trả và thuê nhà 15 năm… với những hỗ trợ rất rõ về giá cả, phân loại nhà ở. Những kinh nghiệm mà vị này cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể nghiên cứu và quan trọng ở đây cho thấy vai trò của nhà nước trong việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ.
Chủ tịch HoREA cũng nêu tại TP.HCM có những điển hình đã triển khai tốt mô hình tương tự như trên. Cụ thể, Công ty Lê Thành đã cung ứng ra thị trường TP.HCM khoảng 6.000 căn nhà giá rẻ (lúc khởi thủy có giá 7,9 triệu/m² và sau này khoảng 15 triệu/m²). Đây là lần đầu tiên ở thành phố làm được loại nhà cho thuê trong vòng 49 năm, giá từ 250-350 triệu/căn. Ngoài ra cũng có loại nhà cho thuê 15 năm, sau khi thị trường tiếp nhận thì chủ yếu chọn thuê 49 năm.
“Cũng có thể nói đây là công ty duy nhất là công ty tư nhân làm nhà ở xã hội cho thuê mà không nhận bất cứ sự hỗ trợ nào từ nhà nước. Điều đáng nói là tất cả mọi thứ từ đất, tín dụng, xây dựng, quản trị công ty tự lo nhưng sau đó thành phố lại duyệt đối tượng được thụ hưởng”, ông Châu đề cập.
Ông cũng cho biết, vừa rồi Lê thành tiếp tục khởi công dự án quy mô 980 căn, diện tích khoảng 38m². Khi hoàn thành sẽ chia mỗi căn làm đôi để cho 2 hộ gia đình có thể thuê chung một căn. Theo đó sẽ cung ứng ra thị trường khoảng gần 2.000 căn.
Ngân hàng được tham gia thì không biết gì?
Đề cập về giá nhà, ông Châu cho biết khi đi Hàn Quốc thấy giá nhà của thị trường này gấp 5-7 lần thu nhập của người dân. Trong khi tại Việt Nam giá nhà vừa túi tiền chứ không nói nhà cao cấp gấp 22-25 lần so với thu nhập trung bình của xã hội. Như vậy giá nhà của chúng ta là nằm ngoài so với khả năng của đa số người dân và đó là vấn đề chúng ta phải suy nghĩ, tính toán.
Nghị định 100 của Chính phủ về nhà ở xã hội có nêu một ngân hàng được làm chính sách tín dụng nhà ở xã hội đó là Ngân hàng Chính sách xã hội. Tuy nhiên theo ông Châu ngân hàng này từ trước tới nay chưa hề có kinh nghiệm trong vấn đề này mà chỉ thực hiện các chính sách liên quan tới người có công ở các địa phương.
Trong Luật Nhà ở cũng quy định NHNN được quyền chỉ định một số NHTM tham gia chính sách nhà ở xã hội. NHNN cũng ra quyết định gồm 4 ngân hàng là Vietinbank, Vietcombank, BIDV và Agribank. Nhưng rất tiếc Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành năm 2015 về danh mục chia nguồn ngân sách công với khoảng 20 danh mục thì không có danh mục nhà ở xã hội. Mà theo Luật Ngân sách công phải có danh mục mới được chi.
Tin mừng cho thị trường khi tháng 6/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định dành 2.000 tỷ cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện 2 điều là dùng cho chính sách cho người có công và phần còn lại cho nhà ở xã hội.
Tuy nhiên trong khoảng 2.000 tỷ trên có khoảng 1.260 tỷ dành cho nhà ở xã hội và chỉ có Ngân hàng Chính sách xã hội điều hành. Trong khi đó 4 ngân hàng mà ông Châu đề cập ở trên mới là nòng cốt để thực hiện chính sách làm nhà ở xã hội trong thời gian xừa qua.
“Đến nay đã là tháng 9 và nếu không có giải pháp thì rất tiếc 1.260 tỷ đó cũng sẽ nằm trong ngăn kéo mà không tới được tay người tiêu dùng. Đó là vấn đề mà chúng tôi cho rằng phải có cách làm để đưa vào thị trường”, Chủ tịch HoREA nhấn mạnh với đoàn của Ban Kinh tế Trung ương.
Hiệp hội cũng cho rằng đó cũng là một gói quá nhỏ, hiệp hội mong rằng phải có một hỗ trợ đúng như luật nhà ở nói là hỗ trợ cho cả chủ đầu tư nhà ở xã hội và người thụ hưởng nhà ở xã hội.
Huyền Trâm / BizLIVE