Quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam của Thủ tướng cùng với sự phát triển các công nghệ mới trong lĩnh vực điện mặt trời với suất đầu tư rẻ hơn đang tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào lĩnh vực này.
Giải pháp năng lượng thời biến đổi khí hậu
Tại một hội thảo về công nghệ năng lượng mặt trời do Trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC) tổ chức tại Sơn La gần đây, một thông tin đáng chú ý là mặc dù tỉnh đã quy hoạch 95 dự án thuỷ điện vừa và nhỏ với công suất 321 MW và đang nghiên cứu để bổ sung thêm 9 dự án với công suất 48 MW, nâng tổng công suất điện của tỉnh lên 369 MW, nhưng do công tác điều tra, khảo sát nguồn thủy năng không đầy đủ nên một số nhà máy thủy điện nhỏ hoạt động với hệ số công suất rất thấp.
Nhiều nhà máy chỉ vận hành được trong các tháng mùa mưa, còn trong các tháng mùa khô công suất phát rất thấp, thậm chí không tích được nước để phát điện.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La phát biểu khai mạc Hội thảo tại Sơn La |
Theo số liệu thống kê mới nhất, tổng công suất thủy điện của Việt Nam vào khoảng 35.000MW, tiềm năng kỹ thuật (tiềm năng có thể khai thác khả thi) vào khoảng 26.000MW, tương ứng với gần 970 dự án được quy hoạch, hàng năm có thể sản xuất hơn 100 tỷ kWh, trong đó nói riêng thuỷ điện nhỏ có tới 800 dự án, với tổng điện năng khoảng 15 20 tỷ kWh/năm. Năm 2017, dự kiến sẽ có 473 dự án sẽ đưa vào khai thác vận hành, với tổng công suất là 21.229,3 MW, chiếm gần 82% tổng công suất tiềm năng kỹ thuật của thủy điện.
Với nguồn tài nguyên nước đang bị đe dọa và cạn kiệt, phát triển năng lượng tái tạo nhất là năng lượng mặt trời đang là xu hướng chung của thế giới và nhất là Việt Nam.
Đây là nguồn năng lượng sạch, có đặc tính tái tạo, có trữ lượng khổng lồ và khắc phục được các nhược điểm của những nguồn năng lượng tái tạo khác, như điện gió có tổng mức đầu tư rất cao trong khi hiệu năng phát điện thấp, hay điện hạt nhân được chứng minh có tác động vô cùng tiêu cực tới môi trường và xã hội.
Không phải bây giờ, mà từ thế kỷ trước, nhà phát minh Thomas Edison đã nhận ra tiềm năng của năng lượng mặt trời. Ông từng nói với những người bạn của mình là Henry Ford và Harvey Firestone rằng, “Tôi sẽ bỏ tiền ra đầu tư vào năng lượng mặt trời. Hi vọng chúng ta sẽ không ngồi đợi đến khi dầu và than đá cạn kiệt mới bắt đầu giải quyết vấn đề này”.
Không còn là cuộc chơi của những ông lớn
Tại Việt Nam, sau nhiều năm chờ đợi, thị trường quang điện đã đón nhận thông Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.
Quyết định này đã tạo ra kỳ vọng cho giới đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến thị trường điện Việt Nam. Đặc biệt, Quyết định 11/2017/QĐ-TTg yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án nối lưới với giá 9,35 cent/kWh.
Nắm bắt xu hướng này, các doanh nghiệp ngoại đã nhanh chân đầu tư vào Việt Nam các dự án điện mặt trời như 2 dự án nhà máy điện mặt trời tại Quảng Ngãi và Ninh Thuận của Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Thiên Tân; Công ty TNHH DooSung Vina (Hàn Quốc) đầu tư 66 triệu USD cho nhà máy công suất 30 MW tại Bình Thuận.
Trong khi đó, các tập đoàn có tiềm lực của Việt Nam cũng bắt đầu tham gia sân chơi này, điển hình là dự án 1 tỷ USD của Tập đoàn Thành Thành Công với tham vọng xây dựng và vận hành 20 nhà máy điện mặt trời tại Việt Nam.
Mặc dù hiện đang là thời điểm rất tốt để cùng nhau rót vốn vào lĩnh vực năng lượng mặt trời, tuy nhiên đối với các nhà đầu tư trong nước, lĩnh vực này khá mới và đòi hỏi sự am hiểu về công nghệ cũng như cấu trúc tài chính.
Theo các chuyên gia của VCIC, các tính toán mới nhất trong 2 năm gần đây về suất đầu tư 2 nhà máy Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân và Nhà máy điện mặt trời Tuy Phong được phê duyệt và khởi công xây dựng, suất đầu tư trung bình vào khoảng 40 tỷ đồng/MW (tương đương 2 triệu USD/MW), trong đó chi phí đầu tư cho cơ sở hạ tầng và đấu nối với mạng lưới điện quốc gia chiếm tỷ trọng đáng kể.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, với công nghệ năng lượng mặt trời thế hệ mới đến từ Đức và Hà Lan thì suất đầu tư cho 1 MW điện mặt trời có thể giảm tới 40%, còn khoảng 1,2 triệu USD/MW.
Đoàn chuyên gia đến từ Hà Lan và Đức khảo sát và tư vấn giải pháp tại thực địa cho doanh nghiệp |
Việc giảm đáng kể suất đầu tư xuất phát từ việc công nghệ năng lượng mặt trời thế hệ mới giúp nâng cao hiệu suất phát điện từ 4% - 7% nhờ hiệu suất pin cao (trung bình từ 16,7% - 17,5% và đạt hiệu hiệu suất cực đại ở mức 20,6%), giảm khả năng phản xạ ảnh sáng (giảm 6%), thêm vào đó chất lượng công nghệ cũng được đảm bảo với chế độ bảo hành sản phẩm cũng như bảo hành hiệu suất phát điện lên tới 25 năm.
Bên cạnh đó, việc tích hợp giữa hệ thống điện mặt trời và thủy điện là giải pháp tối ưu đã được nhiều quốc gia áp dụng, giúp các nhà máy tận dụng được cơ sở hạ tầng phát điện và hệ thống vận hành (hệ thống biến áp, đấu nối…) vốn có của nhà máy thủy điện. Thêm vào đó thời gian và chi phí lắp đặt một dự án năng lượng mặt trời chỉ từ 6-12 tháng, giúp các nhà máy nhanh chóng vận hành đưa vào hoạt động 2 hệ thống phát điện bù đắp công suất cho nhau trong cả mùa mưa và mùa khô.
“Với sứ mệnh hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển các giải pháp công nghệ và mô hình kinh doanh trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, VCIC sẵn sàng hỗ trợ các nhà đầu tư trong nước lựa chọn giải pháp công nghệ cũng như tìm kiếm các nguồn vốn tín dụng hay M&A các dự án thủy điện”, đại diện VCIC cho biết và khẳng định, các công nghệ mới này sẽ tạo thêm nhiều cơ hội và sự chắc chắn cho các nhà đầu tư Việt Nam khi quyết định tham gia vào lĩnh vực điện mặt trời.
K.T / baodautu