Loạt doanh nghiệp thép điều chỉnh giá lên 300.000 đồng/tuần từ giữa tháng 2. Dự báo việc tăng giá sẽ tiếp tục được thực hiện cuối tuần này.
Năm 2022 sẽ là một năm triển vọng của ngành thép khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu xây dựng hồi phục mạnh trở lại khiến mức tiêu thụ sản phẩm này tiếp tục tăng nhiều hơn (Ảnh: N.M).
Trao đổi với Dân trí, một lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng ở Hà Nội cho biết từ sau Tết, giá thép lại "nóng". Vị này cho biết nhiều công ty thép đã điều chỉnh giá thép lên 300.000 đồng/tấn từ giữa tháng 2.
"Phía đại lý thông báo có khả năng cuối tuần này sẽ có thêm một điều chỉnh tăng mới", vị này lo ngại việc giá nguyên vật liệu tiếp tục tăng cao sẽ tác động không nhỏ tới ngành xây dựng.
Theo thông báo từ Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên, thép cây và thép cuộn xây dựng đều tăng lên 300.000 đồng/tấn từ ngày 12/2. Tương tự, giá thép Tisco cũng được điều chỉnh tăng trong khoảng thời gian này. Bảng giá cập nhật mới nhất của Tisco cho thấy các loại thép đã vượt mốc 17,3 triệu đồng/tấn, có loại hơn 17,6 triệu đồng/tấn (giá chưa bao gồm VAT).
Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, 2022 sẽ là một năm triển vọng của ngành thép khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu xây dựng hồi phục mạnh trở lại sẽ khiến mức tiêu thụ sản phẩm này tiếp tục tăng mạnh hơn.
Thậm chí có nhiều dự báo cho thấy ít nhất là trong nửa đầu năm nay giá thép sẽ khó hạ nhiệt mà vẫn tiếp đà tăng khi nhiều dự án bất động sản tái khởi động. Chưa kể, năm 2022 có nhiều dự án đầu tư công quy mô lớn triển khai như các tuyến cao tốc Bắc - Nam, các tuyến đường vành đai, sân bay quốc tế Long Thành... cùng nhiều công trình đầu tư công khác khiến nhu cầu mặt hàng này tăng cao.
Ngược với diễn biến tích cực với ngành thép khi giá tăng, nhiều nhà thầu xây dựng đứng ngồi không yên khi giá cả mặt hàng này tiếp tục "nóng". Đây cũng chính là một trong những tác động rất lớn tới sự khó khăn của ngành năm 2021.
Trước đó, năm 2021, thị trường chứng kiến sự tăng vọt của giá thép với mức đáy 14.800 đồng/kg lên đỉnh 17.200 đồng/kg. Điều này khiến không chỉ ngành xây dựng lao đao mà cử tri cả nước lo ngại.
Cử tri đã kiến nghị Bộ Xây dựng phối hợp với các ngành chức năng liên quan có biện pháp ổn định giá cả thị trường vật liệu xây dựng để các công trình, dự án đang thực hiện được hoàn thành theo tiến độ, góp phần phục vụ có hiệu quả yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu đề ra.
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, giá một số loại vật liệu xây dựng chủ yếu có xu hướng tăng cao trong nửa đầu năm 2021 (so với tháng 12/2020: giá xi măng tăng 2,5-3%, kính xây dựng tăng khoảng 19%, gạch nung tăng 4-7%, cát bê tông tăng 9,37-12,5%; đặc biệt giá thép xây dựng tăng mạnh từ 30% đến 40% tùy theo chủng loại). Tuy nhiên, đến thời điểm cuối năm 2021, giá vật liệu xây dựng cơ bản đã được kiểm soát, có xu hướng ổn định.
Do chi phí vật liệu xây dựng chiếm 65-70% giá trị dự toán xây dựng công trình nên việc tăng giá trong những tháng đầu năm đã ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí đầu tư xây dựng công trình cũng như hiệu quả của các dự án, Bộ Xây dựng cho biết.
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tiếp tục tham mưu Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung ban hành các quy định của pháp luật có liên quan hoặc hướng dẫn theo thẩm quyền các nội dung liên quan đến việc sản xuất, tiêu thụ vật liệu xây dựng, giải pháp bình ổn giá vật liệu xây dựng… để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án đầu tư xây dựng.