Bộ NN&PTNT cho biết, hiện giá lợn hơi loại tốt đang xuống dưới 25.000 đồng/kg, thậm chí nhiều khu vực giá thịt lợn hơi còn xuống tới mức 19.000 đồng/kg. Đây là mức giá thấp nhất từ trước đến nay ở Việt Nam và cũng đang là giá thấp nhất hiện nay trên thế giới
Ảnh minh họa. |
Mặc dù Bộ NN&PTNT và Chính phủ đã có nhiều động thái tích cực nhằm tìm giải pháp cấp bách hỗ trợ người chăn nuôi, đặc biệt là người chăn nuôi lợn do giá thịt hơi rớt sâu trong một thời gian dài.
Trong một tuần trở lại đây, giá thịt lợn tiếp tục chạm đáy mới trong khi hàng tồn dư trong các trang trại tiếp tục gia tăng khiến hầu hết người chăn nuôi lợn không còn khả năng chống đỡ trước khủng hoảng đen của thị trường.
Do đó, sáng ngày 22/4, Bộ NN&PTNT đã tổ chức buổi làm việc với các doanh nghiệp chế biến trong nước nhằm tìm giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi để có những hành động cụ thể sớm bình ổn chăn nuôi cũng như tạo đà phát triển bền vững.
Chia sẻ tại buổi làm việc, ông Nguyễn Xuân Cường Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã chỉ ra những nguyên nhân khiến cho ngành chăn nuôi lợn rớt giá như thời gian vừa qua.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, sau một thời gian phát triển nóng của ngành chăn nuôi nhất là chăn nuôi lợn và công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đã bộc lộ nhiều bất cập. Giá lợn hơi loại tốt đang xuống dưới 25.000 đồng/kg, thậm chí nhiều khu vực giá thịt lợn hơi còn xuống tới mức 19.000 đồng/kg. Đặc biệt, với những đàn lợn quá lứa, nông dân phải bán lợn có trọng lượng 150kg/con với giá chỉ 1,5 triệu đồng/con.
Mức giá này chưa có dấu hiệu hồi phục, mà còn có chiều hướng xuống thấp hơn, nhất là trong những tháng mùa hè sắp tới, Bộ NN&PTNT cho biết đây là mức giá thấp nhất từ trước đến nay ở Việt Nam và cũng đang là giá thấp nhất hiện nay trên thế giới.
Hiện sức đề kháng của đàn lợn cũng như của chính người chăn nuôi đã kiệt sức, nhiều trang trại đã không trụ vững, phá sản, kéo theo hệ lụy đối với không chỉ người chăn nuôi trực tiếp mà cả các hoạt động kinh doanh đầu vào của ngành chăn nuôi. Chỉ tính riêng các hộ kinh doanh thức ăn chăn nuôi, các nông hộ sản xuất thức ăn chăn nuôi với công suất khoảng 100 tấn/tháng cũng đang tồn nợ đọng từ 4 đến 5 tỷ đồng.
Ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết: "Giá thịt lợn đã xuống quá mạnh trong cả một năm qua, vậy tại sao Bộ NN&PTNT không có những động thái xúc tiến thương mại với các nước như Nhật Bản,...hoặc chỉ đạo Cục thú y hợp tác với các nước như Singapore, Nhật bản….Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng phải chủ động tìm kiếm.
Cũng tại buổi họp này, đại diện các công ty thức ăn chăn nuôi cũng đã có những cam kết cụ thể như: Rà soát các đại lý cấp 1, cấp 2 để có giải pháp tháo gỡ về sản lượng, khoanh nợ giãn nợ cho người chăn nuôi, người kinh doanh và các đại lý thức ăn chăn nuôi. Cũng như, đề nghị các đơn vị thức ăn chăn nuôi có năng lực dự trữ, chế biến tăng cường thu mua, giết mổ cấp đông, mở rộng thị trường thịt lợn.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNN cũng đề nghị chính phủ xem xét dừng hoạt động tạm nhập tái xuất đối với các sản phẩm chăn nuôi, thủy sản qua Việt Nam sang các nước quanh khu vực.
Cắt giảm đàn nái, chuyển đổi chăn nuôi
Đại diện các doanh nghiệp và chuyên gia nông nghiệp đều cho rằng, con số 4,2 triệu nái hiện nay là quá lớn, do đó cần phải giảm 3 triệu nái vào năm 2019, điều chỉnh lại cơ cấu chất lượng đàn giống và phương pháp chăn nuôi phù hợp với từng phân khúc thị trường, gia tăng phương pháp chăn nuôi hữu cơ. Những nông hộ có điều kiện cần được khuyến khích chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi khác như trâu, bò, dê.
Một giải pháp khác cho ngành chăn nuôi nước ta là tăng cường công tác chế biến sâu để ổn định thị trường vì nếu như còn bán thịt tươi thì khi đó thị trường thịt lợn Việt Nam sẽ còn ứ đọng, trong khi nhiều loại thực phẩm chế biến từ lợn vẫn phải nhập khẩu.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, "trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp phải chia sẻ với người nông dân, đây vừa là văn hóa của người Việt Nam, cũng là phương thức làm ăn lâu dài. Đối với những nông hộ đồng hành với doanh nghiệp hơn 20 năm qua, xây dựng, là bạn hàng tin cậy thì nay phải cùng chung tay vào hỗ trợ nông dân qua giai đoạn khó khăn".
Cần chấp nhận "đau thương" để giảm đàn
Đại diện Công ty cổ phần chăn nuôi Việt Nam đánh giá cao những giải pháp của Bộ trưởng đưa ra, hiện tại CP ngoài sản xuất thức ăn chăn nuôi còn chăn nuôi lợn, gà, chế biến giết mổ, cũng nằm trong tình hình chung.
Hầu hết, các công ty đều gặp nhiều khó khăn về đầu ra, tuy nhiên cũng đang tăng cường chế biến xúc xích, tiến hành thuê thêm kho lạnh để trữ hàng. Nói về hiến kế cho, đại diện công ty CP cho rằng: những năm qua tổng đàn tăng, trọng lượng tăng, mỗi ngày nguồn cung tăng lên 1% do hàng tồn không bán được.
Do đó, về phía cơ quan nhà nước có thông tin định hướng rõ ràng, bởi nhiều người chăn nuôi nguồn tài chính đã cạn kiệt nhưng họ vẫn cố bám trụ nhằm vớt vát, cố bấu víu vào thị trường xuất khẩu như định hướng của Bộ NN&PTNT. Đồng thời, đại diện Công ty Masan cũng lo ngại về nguy cơ bùng phát dịch do người nông dân bỏ qua khâu vacxin để giảm giá chi phí.
Ông Võ Việt Dũng, một đơn vị chuyên về thức ăn chăn nuôi cũng cho hay: các nông hộ và các hợp tác xã phải chấp nhận “đau thương” giảm đàn lái mạnh, bởi trên thực tế thị trường vẫn đang xuống giá sâu nhưng nông dân vẫn tràn trề hy vọng vào kịch bản giải cứu giá.
Hiện tại, công ty vẫn đang mua của nông dân cao hơn với thị trường 2 giá, trọng lượng đều trên 120kg/con, có nhiều con 140 đến 150kg/con, người nông dân chỉ bán với giá 1,5 triệu đồng/con (không bán theo cân), còn phổ biến ở nông dân đang bán với giá 19.000 đồng đến 20.000 đồng/kg.
Ngoài ra, một trong những nguyên nhân dẫn tới giá thành hạ còn là do người Việt Nam đang sợ ăn thịt lợn. Vì vậy, truyền thông phải làm rõ thịt lợn từ giống nạc và chăn nuôi theo phương pháp tạo nạc để không ảnh hưởng đến tâm lý của người tiêu dùng.
Hạ An / BizLIVE