Lâu nay chúng ta vẫn đặt câu hỏi: Vì sao tour du lịch đến Thái Lan luôn có mức giá hấp dẫn hơn so với các tour nội địa của Việt Nam? Câu trả lời nằm ở sự liên kết, phối hợp giữa các nhà cung cấp dịch vụ.
Ảnh minh họa.
Hiện nay, giá tour du lịch nội địa của Việt Nam còn cao hơn giá tour đi nước ngoài. Một chuyến du lịch Thái Lan 4 ngày 3 đêm giá chỉ từ 5-6 triệu đồng. Nhưng cũng thời gian ấy nếu đi Nha Trang, Phú Quốc, bạn phải chi trả không dưới 6-7 triệu đồng.
Cấu thành giá của một sản phẩm du lịch là phép cộng của các dịch vụ: Vận chuyển (máy bay, tàu xe), khách sạn, ăn uống, điểm tham quan, vui chơi giải trí…
Để xây dựng giá sản phẩm, lữ hành sẽ phải làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ, đưa ra các thỏa thuận để có một tour du lịch trọn gói với mức giá hấp dẫn nhất. Vì thế, chỉ cần một khâu dịch vụ trong chuỗi cung ứng này tăng giá, giá tour cũng sẽ tăng theo.
Trong một tour du lịch, có những dịch vụ không tạo nên giá sản phẩm, nhưng lại có thể góp phần làm giảm giá tour, đó chính là mua sắm.
Lữ hành chỉ cần đưa khách qua các điểm mua sắm (nhà cung cấp không ép khách mua) là đã có “hoa hồng” của chủ cửa hàng. “Hoa hồng” có thể không nhiều, nhưng cũng giúp lữ hành trang trải một phần chi phí cho chuyến đi, từ đó dẫn đến giảm giá tour cho du khách.
Đó là lý do vì sao hầu hết các tour du lịch Thái Lan là tham quan kết hợp mua sắm.
Bun, một hướng dẫn viên tiếng Thái cho biết: “Nếu đoàn không ghé qua các điểm tham quan như trong chương trình tour thì hướng dẫn viên và công ty lữ hành nhận tour sẽ bị phạt”. Và thực tế là doanh thu từ du lịch của Thái Lan phần lớn đến từ mua sắm và sử dụng dịch vụ.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, doanh nghiệp lữ hành vẫn phải đơn thương độc mã trong việc xây dựng các tour kích cầu giảm giá.
“Chúng tôi chủ yếu lấy công làm lãi hoặc thu lợi nhuận từ số lượng. Cơ cấu giá dịch vụ do các nhà cung cấp ấn định đã chốt cứng và thường có mức giá chung. Do đó để xây dựng tour kích cầu, giảm giá nếu không nhận được sự hỗ trợ của hàng không, khách sạn thì chúng tôi sẽ phải hy sinh lợi nhuận”, ông Đoàn Ngọc Tùng, Giám đốc MTV Travel chia sẻ.
Tuy nhiên, “ưu đãi” này thường chỉ lữ hành có lượng khách đông mới được hưởng. Chẳng hạn, Vietnam Airlines chỉ cho 6 đối tác lữ hành được hưởng chính sách giá vé đặc biệt. Đây là những lữ hành có lượng khách lớn và ổn định. Trong khi đó, giá vé máy bay quyết định tới 70% giá một sản phẩm du lịch. Dễ dàng thấy các lữ hành nhỏ sẽ khó khăn như thế nào trong việc xây dựng một sản phẩm tour có mức giá “bán được”.
Không chỉ các điểm mua sắm, các địa phương có điểm tham quan cũng không có bất kỳ sự hỗ trợ, hợp tác với lữ hành - những người đưa khách đến cho họ. Lào Cai, Huế, Quảng Bình trong năm qua đã liên tục tăng giá vé tham quan mà không tham khảo ý kiến hay thông báo sớm cho lữ hành.
“Chúng tôi căn cứ vào giá các dịch vụ để xây dựng giá tour. Địa phương tự ý tăng giá vé tham quan lên khiến chúng tôi “trở tay” không kịp vì tour đã bán từ đầu mùa. Bây giờ tăng giá tour lên thì khách không chịu, mà không tăng thì lữ hành phải chịu lỗ”, Phó Tổng giám đốc Hanoi Redtours Nguyễn Công Hoan chia sẻ.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, nếu lữ hành đưa khách tới nhưng dịch vụ không đảm bảo chất lượng khách sẽ không quay lại. Do đó, nếu các nhà cung cấp dịch vụ chỉ nghĩ tới lợi nhuận của riêng mình, mà không nghĩ tới cái chung thì giá tour ở Việt Nam tiếp tục còn cao một cách “ngất ngưởng” như hiện nay.
Nguyệt Hà / chinhphu.vn