Sáng nay, tại Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam lần thứ 9 do Cục Xúc tiến thương mại (Viettrade), Bộ Công thương tổ chức, một chuyên gia nước ngoài tỏ ý ngạc nhiên, khi đã có 63 doanh nghiệp tham gia Chương trình Thương hiệu Việt Nam (Vietnam Value”. “Họ đã làm được gì, tôi không biết”, ông này nói.
Món gạo trên máy bay rất dở
Là diễn giả đầu tiên của Diễn đàn, ông Sammir Dixit, Giám đốc vùng Châu Á Thái Bình Dương, Công ty Brand Finance có nhiều nhận xét khá thú vị về Chương trình xây dựng thương hiệu Việt Nam.
Ông Sammir Dixit: "Việt Nam chưa có nhiều thương hiệu quốc gia mạnh"
“Theo tôi, những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nhưng các nước ASEAN không đứng yên. VN cần phải tiến nhanh hơn, tham gia quá trình cạnh tranh này và cần phải xây dựng được thương hiệu riêng. Nhưng tôi nghĩ là, ở các nước, đa số người ta chưa nghe nhiều về thương hiệu quốc gia (THQG) Việt Nam”, ông Sammir nói.
“Việt Nam đang tích cực xây dựng THQG và cũng đã có một số thương hiệu giá trị cao. Nhưng theo tôi, Việt Nam còn phải tìm ra mũi nhọn, cần xây dựng để có những thương hiệu riêng của Việt Nam”, ông này nhận xét.
Tuy nhiên, Giám đốc vùng của Công ty Brand Finance nhận xét: “Rất nhiều năm rồi, các ngành xuất khẩu Việt Nam phần lớn vẫn lấy xuất khẩu nguyên liệu thô làm mũi nhọn trong khi, để đạt THQG thì sản phẩm phải chứa đựng những giá trị, chất lượng sản phẩm cao, có hàm lượng trí tuệ cao, thể hiện năng lực tiên phong của doanh nghiệp Việt Nam”.
“Tôi biết, hiện đã có sự tham gia 63 doanh nghiệp tham gia Chương trình Thương hiệu Việt Nam (Vietnam Value), nghĩa là 63 doanh nghiệp này đã chấp nhận đi theo tiêu chí của Vietnam Value nhưng thực sự, ai biết các doanh nghiệp này đã làm gì để củng cố thương hiệu, đã làm gì để đạt các tiêu chí của Chương trình VietNam Value ?”, ông Sammir đặt câu hỏi và khuyến cáo: “Viettrade cần có bộ tiêu chí đánh gía sự tham gia của các doanh nghiệp này”.
Cũng theo ông Sammir Dixit, ông biết, hiện có những sản phẩm tuy làm ở Việt Nam nhưng nổi tiếng, bán được ở nước ngoài nhưng đa số người dân Việt Nam lại không biết đến và không được thưởng thức.
“Đó là điều đáng tiếc. Nhưng có những sản phẩm của Việt Nam, tuy được xuất khẩu rất nhiều nhưng có chắc đó là thương hiệu tốt không ? nhưng thú thực, món gạo tôi được ăn dở nhất lại là món tôi ăn ở trên máy bay Vietnam Airlines. Cực dở”, ông Sammir thú thực.
Dẫn chứng một thương hiệu Việt Nam khác- Vietnam Airlines, ông Sammir Dixit nói: “Vietnam Airlines có website rất dở. Khi tôi đặt vé trên mạng qua web này, chưa bao giờ tôi được trang này hỏi tôi được chọn bữa ăn, chỗ ngồi thế nào. Trang này quá ít tiện ích cho khách hàng cho dù đó là thương hiệu mạnh quốc gia”.
Chuyên gia về thương hiệu của Công ty Brand Finance cũng đưa ra nhận xét, như ngành du lịch Việt Nam đưa ra quá nhiều logo”. “Lúc thì là logo: nụ cười Việt Nam, lúc thì hình bông sen, lúc thì gọi là Duyên dáng vượt thời gian… Điều đó khiến người ta bối rối không hiểu Việt Nam đại diện cho cái gì”, ông nói.
Ông Sammir cũng gây bất ngờ khi cho biết giá trị THQG Việt Nam năm 2015, theo đánh giá của Công ty Brand Finance chỉ đạt 140 tỉ USD, trong khi năm 2014 là 172 tỉ USD.
“Với giá trị này chỉ còn hơn Campuchia thôi. Nếu giải thích đầy đủ tại sao, chắc mất nửa ngày nhưng đó dựa trên các chỉ số lượng hóa về giá trị thương hiệu, đo lường các thành tựu kinh tế, chất lượng sản phẩm, độ thỏa mãn của khách hàng, các chỉ số về năng suất, chất lượng lao động, thương mại…Tất cả cho thấy sức mạnh THQG Việt Nam chưa được cao”, ông Sammir Dixit giải thích.
63 website doanh nghiệp thương hiệu quốc gia quá nghèo nàn
Đồng tình với các ý kiến của ông Sammir, ông Thierry Noyelle, Cố vấn cao cấp Chương trình hợp tác kỹ thuật giữa Viettrade và Ủy ban Kinh tế Thụy Sĩ (SECO) cho biết: “Chúng tôi cũng đã khảo sát 63 trang web của 63 Công ty tham gia Chương trình THQG của Việt Nam, tuy đều có tiếng Anh đấy nhưng các trang này đều rất nghèo nàn”
“Nếu muốn quảng bá một THQG, trang web là thứ đầu tiên. 63 trang web đều nghèo nàn, thiếu một số tính năng, thiếu tính tương tác. Và chỉ có 10 Công ty đưa logo đạt THQG lên trang web của mình. Điều đó chứng tỏ Vietnam Value chưa phải là logo được biết đến rộng rãi”, ông Thierry nhận xét.
“Nếu muốn VN Value được biết đến nhiều thì Việt Nam phải quảng bá nhiều hơn nữa. Các doanh nghiệp phải tự hào để giành được logo đó, đưa vào trang web của mình. Nhưng có vẻ như Vietnam Value mới được sử dụng như một danh hiệu, một giải thưởng thôi”, ông Thierry nói thêm.
Ông này cùng cho rằng, hiện nay, Chương trình THQG Việt Nam mới tập trung cho các doanh nghiệp lớn nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng cần được hỗ trợ xây dựng thương hiệu để đẩy mạnh xuất khẩu, bán hàng được với giá tốt hơn, số lượng nhiều hơn.
Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công thương, ông Đỗ Thắng Hải, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng THQG cho rằng, những ý kiến của các chuyên gia trên là “có nhiều thông tin thực tiễn”. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, hiện nay, trên 90% doanh nghiệp Việt Nam còn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ nên việc xây dựng thương hiệu Việt cho doanh nghiệp còn phải có giải pháp cụ thể.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho rằng, việc xây dựng THQG gắn với sản phẩm, doanh nghiệp là “nóng bỏng, cấp thiết”. “Hiện nay, Việt Nam đã và đang liên tục ký kết các Hiệp định thương mại thế hệ mới, đặc biệt là đã tham gia Hiệp định TPP nên việc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu, hình ảnh quốc gia rất quan trọng. Nếu không có biện pháp cần thiết, xây dựng, quảng bá thương hiệu thì các doanh nghiệp sẽ không tận dụng được cơ hội tạo ra”, ông nói.
Tại Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam lần này, Ban chỉ đạo Diễn đàn Doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia cũng đã được thành lập do ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch tập đoàn Tôn Hoa Sen làm Chủ tịch Ban chỉ đạo, ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương làm Phó chủ tịch ban chỉ đạo.
Mạnh Quân / Dân trí