Giá vàng khó bật mạnh trong năm nay, trước áp lực Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất USD và việc Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Mở cửa phiên giao dịch ngày 24/6, giá vàng giao dịch tại thị trường châu Á ở mức 1.270,2 USD/ounce, tăng nhẹ so với phiên giao dịch trước đó. Trong phiên giao dịch vàng tại thị trường châu Á sáng cùng ngày, giá vàng biến động khá mạnh, có lúc đạt mức 1.286 USD/ounce, do ảnh hưởng của việc trưng cầu dân ý tại Anh về việc rút hay ở lại EU.
Trong khi đó, giá vàng trong nước cũng tăng nhanh cùng thị trường thế giới sau khi kết quả kiểm phiếu ở Anh cho thấy phe ủng hộ Anh rời EU thắng thế. Trưa ngày 24/6, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc đá quý SJC niêm yết ở mức 35 - 35,3 triệu đồng/lượng, tăng 1,3 triệu đồng so với đầu giờ sáng. Tương tự, giá vàng của Bảo Tín Minh Châu tăng 1,45 triệu đồng.
Giá vàng năm nay được dự báo quanh ngưỡng 1.200 USD/ounce. Ảnh: Đ.T
Giá vàng trong nước tăng như vậy là do vàng thế giới đang tăng "điên loạn", hơn 80 USD lên 1.345 USD/ounce, tương đương tăng 6,5% so với phiên liền trước đó.
Theo Nhóm Tư vấn tiền tệ (Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank), vàng sẽ khó bật mạnh do USD tăng giá so với các đồng tiền chủ chốt trong các phiên giao dịch gần đây, sau khi Chủ tịch Fed, bà Janet Yellen tỏ ra lạc quan về triển vọng kinh tế ngắn hạn của Mỹ. Chốt phiên giao dịch ngày 23/6, chỉ số Dollar Index đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ tăng 0,6% lên 94,16 điểm.
Vì thế, trên thị trường vàng, sau khi giá kim loại quý này leo lên sát ngưỡng 1.300 USD/ounce, áp lực chốt lời ngắn hạn gia tăng và kéo dài đến ngày cuối tuần, đẩy giá kim loại quý này đảo chiều, vàng rớt ngưỡng 1.300 USD/ounce. Nhưng đà giảm còn mạnh hơn sau khi Chủ tịch Fed tự tin về triển vọng tích cực của nền kinh tế lớn nhất thế giới và giảm nguy cơ về một cuộc suy thoái. Bên cạnh đó, USD hồi phục trở lại sau 4 phiên giảm liên tiếp cũng góp phần đẩy giá vàng giảm mạnh trở lại.
Tuy vậy, viễn cảnh dài hạn mà bà Yellen đưa ra khá ảm đạm khi đề cập những vấn đề trong nước, quốc tế có thể ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng như năng suất thấp tại Mỹ và rủi ro kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại.
Mặc dù chịu nhiều áp lực trong năm nay, nhưng mặt hàng kim loại quý này vẫn luôn được xem là tài sản tích trữ lớn của không chỉ người dân, mà cả các ngân hàng trung ương trên thế giới, nên mãi lực khó giảm. Giá vàng được nhận định khó bỏ xa ngưỡng 1.200 USD/ounce, kể cả khi Fed đã có thông điệp về lộ trình tăng lãi suất USD. Vàng thế giới năm nay đã chạm đáy và hiện đang ở thế lừng khừng, khó có thể bật mạnh lên, nhưng cũng khó có thể giảm sâu.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) cho rằng, khả năng Fed chưa sớm điều chỉnh lãi suất, song không có nghĩa là cơ quan này sẽ không tiếp tục nâng lãi suất cơ bản trong thời gian tới. Điều này sẽ khiến giá vàng bất lợi và khó có thể bật mạnh năm nay, song đây được xem là cơ hội cho những người vẫn quan tâm đến việc mua vàng khi giá thấp. Theo ông Hải, giá vàng chưa thể tạo sóng trong nửa cuối năm nay. Hiện tại, tuy các nhà đầu tư bắt đầu quay trở lại với USD, nhưng giá vàng khó có cơ hội bật lên. Do vậy, nhà đầu tư cần xem xét thị trường, chờ cơ hội vàng xuống thấp để mua.
Ông Huỳnh Trung Khánh, chuyên gia lĩnh vực vàng cũng nhận định, tình hình chính trị trên thế giới còn nhiều bất ổn và khó khăn sẽ tác động lên giá vàng. Theo ông Khánh, giá vàng sẽ chỉ trồi trụt quanh mức 1.200 USD/ounce. Nguyên nhân là, lộ trình Fed tăng lãi suất còn chậm, chính trị thế giới bất ổn, kinh tế Trung Quốc chưa thể sớm hồi phục, đồng nhân dân tệ còn nhiều biến động, Anh rút khỏi EU… Trong tình hình hiện này, vàng sẽ có lực bật lên, nhưng sẽ không mạnh.
Thùy Vinh / baodautu.vn