Giá vàng đang từng bước tiến lên mốc 51 triệu đồng/lượng, tăng lên mức cao nhất trong gần 9 năm qua và đang dọn đường cho một kỷ lục mới trong nửa cuối năm 2020. Giá vàng tăng vọt khiến người vay vàng như “ngồi trên lửa” khi nợ đột ngột tăng vọt.
Vào thời điểm 10h30 sáng nay (9/7), giá vàng thế giới tiếp tục leo lên mức 1.812 USD/ounce, tương đương với gần 50,9 triệu đồng/lượng. Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng miếng SJC hôm nay được niêm yết mua/bán quanh mức 50.150 triệu đồng/lượng (mua vào) và 50.570 triệu đồng/lượng (bán ra).
So với chốt phiên giao dịch ngày hôm qua, giá vàng trong nước đã tăng khoảng 200 nghìn đồng/lượng. Chênh lệch giá vàng mua – bán hiện phổ biến 300-400 nghìn đồng/lượng.
Giá vàng tăng lên mức cao nhất trong gần 9 năm qua và đang dọn đường cho một kỷ lục mới trong nửa cuối năm 2020 khiến cho không ít người đang có khoản vay bằng vàng đứng ngồi không yên.
Chia sẻ với Dân Việt, anh Thế Anh (Hà Đông – Hà Nội), cho biết, sau nhiều năm chật vật thuê nhà để ở, 2 vợ chồng anh gom góp được hơn 300 triệu đồng. Vay mượn thêm từ người thân trong gia đình, nhưng vẫn chưa đủ để "tậu" một căn chung cư tại khu vực ngoại thành Hà Nội.
Tại thời điểm đó, vay ngân hàng thì khó vì thủ tục phức tạp, ngân hàng cũng đòi hỏi chứng minh thu nhập, tài sản thế chấp… Lúc ấy, một người bạn cùng quê không có tiền mặt nhưng có 5 cây vàng ngỏ ý cho vay. Vì muốn sớm có nhà để "an cư lạc nghiệp" nên vợ chồng anh Thế Anh liều mình vay 5 cây vàng của người bạn để mua.
"Lúc đó giá vàng khoảng 37 triệu đồng/lượng và tôi vay 5 cây bán đi vừa đủ số tiền để "tậu" một căn chung cư gần 70m2 tại ngoại thành Hà Nội. Cuối năm nay cũng là hạn trả nợ khoản vay này. Dù không phải trả lãi suất nhưng theo thỏa thuận tại thời điểm vay giữa chúng tôi là vay vàng sẽ phải trả bằng vàng. Không ngờ rằng, đến sát thời điểm trả nợ thì giá vàng lại tăng cao đột biến như vậy. Nếu giá vàng cứ tăng nữa thì chúng tôi không thể đủ tiền để trả nợ khoản vay này. Vợ chồng tôi đang rất lo lắng", anh Thế Anh than thở.
Gia đình chị Vũ Thị Bích Hồng (Hoài Đức – Hà Nội) cũng đang đứng ngồi không yên vì khoản vay nợ bằng vàng cách đây không lâu.
Chị Hồng cho biết, vừa cuối năm ngoái vì cần tiền gấp thanh toán để mua một mảnh đất do gia đình người quen để lại nên vợ chồng chị đã phải đi vay 10 cây vàng của hội bạn đồng hương tỉnh Thái Bình.
"Chúng tôi vay 10 cây, giá lúc đó chỉ khoảng 39 triệu đồng/lượng. Bán đi được gần 400 triệu đồng để "ôm" mảnh đất đợi lên giá thì bán kiếm lời. Đến nay chưa đầy 1 năm mà giá vàng đã tăng lên hơn 50 triệu đồng/lượng. Chúng tôi đang tính toán tới việc vay ngân hàng để thanh toán cho khoản nợ này càng sớm càng tốt. Bởi từ giờ đến cuối năm, giá vàng chỉ cần tăng thêm 2 triệu đồng/lượng thì đã cao hơn lãi suất vay ngân hàng", chị Hồng cho hay.
Giá vàng SJC có thể lên tới 55 triệu đồng/lượng
Nhìn nhận về diễn biến của thị trường vàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính, thừa nhận dịch Covid-19 diễn biến nghiêm trọng đã tạo ra "cơn bão hoàn hảo" cho thị trường vàng, thúc đẩy giá vàng đi lên. Giá vàng thế giới sẽ dự báo có thể lên trên 1.850 USD/ounce và giá vàng trong nước cũng có thể chạm tới ngưỡng 55 triệu đồng/lượng trong thời gian tới.
"Giá vàng sẽ tiếp tục đi lên, tất nhiên trong quá trình đi lên đó cũng có thể có một thời điểm nào đó giá vàng lao dốc như trong tháng 3 vừa qua nhưng trong lịch sử nhân loại, giá vàng luôn luôn tăng, không bao giờ xuống. Vì vậy, những người vay vàng mua nhà, đất là hành động sai lầm, rất nguy hiểm và liều lĩnh", ông Hiếu nhận mạnh.
Cũng theo vị chuyên gia này, mặc dù không phải trả lãi khi vay vàng trả vàng nhưng tại thời điểm vay giá vàng chỉ 37 - 39 triệu đồng/lượng. Đến nay giá đã tăng thêm 30%, số tiền bỏ ra để mua vàng trả nợ sẽ rất lớn và sẽ tạo gánh nặng tài chính cho người vay, thậm chí không còn đủ khả năng trả nợ. Đây chính là bài học đáng nhớ đối với những người vay nợ bằng vàng.
Liệu có nên vay ngân hàng để trả nợ khoản vay bằng vàng tại thời điểm này hay không? Theo ông Hiếu, nên vay tiền ngân hàng để trả khoản nợ bằng vàng vì lãi suất ngân hàng vì như thế người vay sẽ hưởng lợi kép.
Ông Hiếu phân tích, "do ảnh hưởng của Covid-19 nên lãi suất ngân hàng đang trong xu hướng giảm so với giai đoạn trước. Thứ hai, chỉ cần từ giờ đến cuối năm giá vàng lên tới 55 triệu đồng/lượng thì khoản lãi vay (tính theo giá trị tăng của vàng) sẽ cao gấp nhiều lần so với lãi vay ngân hàng với cùng một số tiền. Như vậy rõ ràng là lợi kép".
"Nếu như không vay được tiền ngân hàng, người đi vay nên tìm cách trả khoản nợ này. Thay vì trả một lần thì có thể thương lượng trả góp, trả thành nhiều đợt. Bởi từ nay tới cuối năm càng ngày càng tăng thì càng để lâu áp lực tài chính càng lớn. Như thế rất nguy hiểm cho người vay", ông Hiếu khuyến cáo thêm.