Người bán dầu WTI phải trả gần 40 USD cho người mua để không phải giữ dầu. Nhưng không có nghĩa, khi đi mua xăng, bạn sẽ được người bán trả tiền.
Dầu thô WTI giao tháng 5 vừa có phiên xuống mức âm lần đầu tiên trong lịch sử. Tức là, người bán dầu sẵn sàng trả gần 40 USD cho người mua để không phải giữ dầu. Nhưng điều này không xảy ra tại các trạm xăng.
Ông Nguyễn Việt Sơn - Vụ trưởng Vụ Dầu khí và than (Bộ Công Thương) cho biết, giá xăng dầu Việt Nam đang nhập về bán neo theo giá dầu Brent, không phải dầu WTI. Chưa kể, hiện tượng giá dầu thô WTI xuống mức âm chỉ xuất hiện ở một số giao dịch, còn giá xăng dầu thành phẩm tại hầu hết sàn vẫn ở mức 20-25 USD một thùng.
"Việt Nam khai thác và bán dầu thô, không nhập dầu thô để phục vụ bán lẻ mà chỉ có một số nhà máy nhập dầu thô về lọc dầu", ông Sơn giải thích.
Kho chứa xăng dầu của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil). Ảnh: Hữu Khoa
Trong khi đó, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) giải thích thêm, hiện Việt Nam nhập xăng dầu thành phẩm theo giá tham chiếu từ thị trường Singapore - thị trường nhập khẩu chủ yếu nên không chịu tác động nhiều từ diễn biến tại Mỹ. Mức giá ngày 21/4 ở thị trường này ở ngưỡng 25 USD một thùng.
Bên cạnh đó, giá bán lẻ xăng dầu được điều hành theo Nghị định 83 với cơ chế tính giá cơ sở bình quân theo 15 ngày. Mặt khác, hiện tỷ lệ thuế, phí chiếm trên 60% trong cơ cấu giá bán lẻ, đáng kể nhất là thuế bảo vệ môi trường 3.800 đồng một lít với xăng E5 RON92 và 4.000 đồng với RON95.
Mặc dù vậy, vị này tin rằng, xu hướng giảm giá chung của thế giới cũng sẽ tạo tác động tích cực đến giá bán lẻ xăng dầu trong nước.
Bình luận thực tế này, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, đây giá dầu xuống thấp như vậy sẽ khó lập tức quay về mức cao như trước.
Vì thế nhà điều hành cần tính toán các phương án, công cụ thông qua trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu ở mức hợp lý, đưa giá bán lẻ trong nước giảm tương xứng với giá thế giới, tránh độ vênh giá quá lớn.
Đây sẽ là cơ hội kích cầu, giảm bớt gánh nặng hàng tồn kho cho doanh nghiệp đầu mối, bớt gánh nặng giá cho các đối tượng tác động trực tiếp như doanh nghiệp vận tải, người dân...
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá hôm nay (21/4), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhận định, giá dầu thô trên sàn giao dịch New York xuống mức âm, nguy cơ tăng giá mặt hàng này trong năm nay vẫn còn. Ông yêu cầu Bộ Công Thương, Tài chính theo dõi sát diễn biến giá dầu thô, có kịch bản điều hành giá xăng dầu, kết hợp với công cụ Quỹ bình ổn giá.
"Không để giá xăng dầu trong nước ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và mặt bằng giá nói chung", Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài việc giảm thêm giá bán lẻ, theo các chuyên gia, đây là thời cơ tốt để tính chuyện mua vào dầu thô.
Kịch bản mua dự trữ dầu thô, sản phẩm xăng dầu chờ thị trường ấm lại từng được PVN tính tới và đề xuất khi giá dầu ở ngưỡng 20 USD một thùng.
Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) cho biết sẽ đề nghị Thủ tướng, các bộ ngành cho doanh nghiệp tận dụng tối đa dung tích các kho, bể chứa hiện có để tăng nhập khẩu dầu thô, các sản phẩm xăng dầu. Cùng đó, các bộ, ngành có chính sách hỗ trợ vốn, lãi suất vay, cung ứng đủ ngoại tệ... cho các doanh nghiệp.
Đồng tình với phương án này nhưng Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) lưu ý, biến động thị trường rất khó lường, cần dự đoán chính xác để tránh thua lỗ.
Còn ông Ngô Trí Long thì cho rằng, các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu cần phải đánh giá nếu nhập dầu về, kho đủ khả năng dự trữ đến đâu, thời gian giảm giá dầu sẽ kéo dài trong bao lâu. "Nếu nhập về giá vẫn tiếp tục giảm sâu, kéo dài thì rất nguy hiểm", ông nói.
Trong khi đó, theo một chuyên gia về năng lượng, phương án mua dự trữ dầu thô có thể là một giải pháp giúp doanh nghiệp cân đối bài toán tài chính khi vừa tránh việc khai thác dầu thô với giá thành cao trong khi giá bán lại đang thấp hơn nhiều. Ông cho rằng, doanh nghiệp có thể sử dụng thị trường phái sinh để giảm bớt rủi ro khi có biến động giá dầu.
Chưa kể nguồn lực vốn, kho chứa của doanh nghiệp cũng là vấn đề. Theo ông Nguyễn Việt Sơn, do Covid-19, sản lượng tiêu thụ giảm 30-40% khiến các doanh nghiệp trong nước buộc phải tìm cách thích nghi như giảm công suất, tiết kiệm chi phí... Nhiều doanh nghiệp kinh doanh đầu mối cho biết, các kho chứa xăng dầu hiện đã đầy do sức tiêu thụ giảm.
Lúc này, theo lãnh đạo Vụ Dầu khí và than, các bên cần dìu nhau vượt qua khó khăn. "Doanh nghiệp sản xuất giảm công suất giảm giá thành, người kinh doanh thì hỗ trợ tiêu thụ thay vì nhập khẩu. Quan trọng là hài hoà được lợi ích các bên", ông Sơn nói.