Trong bối cảnh các rủi ro và tình hình bất ổn được dự báo sẽ tiếp tục ở mức cao, nền kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá tích cực.
"Tôi đã từng thấy một bình luận trên LinkedIn, nói rằng “Mỹ được cho là vùng đất của cơ hội, nhưng Việt Nam có những con người tạo ra cơ hội, chính con người mới tạo nên sự khác biệt”. Tôi hoàn toàn đồng ý. Điều đó được chứng minh qua cách người Việt Nam thoát khỏi Covid-19 và cùng nhau xây dựng lại nền kinh tế, cũng như vượt qua mọi thăng trầm, vượt qua mọi thử thách trong suốt lịch sử lẫy lừng của họ", ông Tim Evans - Tổng Giám đốc HSBC chia sẻ trong bài dẫn đề, thuộc Hội thảo Triển vọng Thị trường - Việt Nam, Hiện tại, Tương lai và Triển vọng mai sau.
Vị lãnh đạo HSBC nhận định, bất chấp những thách thức toàn cầu, Việt Nam đang rất nỗ lực, tiếp tục đạt thành tích, thậm chí là một quốc gia nổi bật trong khu vực về tăng trưởng GDP.
Ông Tim Evans - Tổng Giám đốc HSBC
Cụ thể, HSBC đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 lên 7,6%. Trong quý 3/2022, GDP của Việt Nam tăng 13,67% so với cùng kỳ năm trước, thời điểm kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do đợt bùng phát mạnh của Covid. Tổng kết 9 tháng đầu năm, GDP cả nước tăng trưởng tới 8,83%, cao nhất trong 11 năm qua.
Điểm sáng trong bối cảnh thế giới nhiều bất định
Trong tương lai gần, các rủi ro và tình hình bất ổn được dự báo sẽ vẫn ở mức cao.
Việc nước láng giềng Trung Quốc theo đuổi chiến lược “zero COVID”, kéo theo tình trạng tắc nghẽn nguồn cung ứng và logistics cũng khiến cho việc thu mua nguyên liệu đầu vào thiết yếu như linh kiện điện tử, phụ tùng máy móc, vải vóc và hóa chất của Việt Nam gặp khó khăn.
Ngoài ra, tình trạng thiếu hụt lao động toàn cầu lại càng kìm hãm tăng trưởng. Năm 2022, Tổ chức Lao động Quốc tế dự đoán mức thâm hụt số giờ làm việc toàn cầu tương đương với 52 triệu lao động toàn thời gian bị mất việc trên thế giới. Riêng Việt Nam lại đặc biệt gặp khó khăn trong việc có đủ nhân công cần thiết nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng.
Dẫu vậy, nền kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá khá tích cực. Mặc dù Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ suy yếu chỉ ở mức 2,8% cho năm 2022, Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 7,2%.
Trong bài phát biểu tại sự kiện, ông Alain Cany - Chủ tịch EuroCharm cho rằng động lực tạo nên mức tăng trưởng này chính là lực lượng 56 triệu lao động trẻ, năng động và ngày càng am hiểu công nghệ, g iúp Việt Nam trở thành một trong những lực lượng lao động lớn nhất thế giới xét cả về số lượng tuyệt đối và tỷ lệ tương quan với dân số .
Với nguồn cung lao động chất lượng cao và giá cả phải chăng của Việt Nam, không có gì ngạc nhiên khi các nhà đầu tư nước ngoài muốn chuyển hoạt động sản xuất sang quốc gia này. Sản xuất phục vụ xuất khẩu và đầu tư trực tiếp từ nước ngoài là hai yếu tố đang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tính đến năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam chiếm 19% GDP, tăng lên đáng kể so với mức dưới 1% của năm 2010. Trên thực tế, thị trường xuất khẩu của Việt Nam hiện đã vượt qua Malaysia và Thái Lan.
Cách đây không lâu, LEGO - một thành viên EuroCham, đã công bố đầu tư 1 tỷ USD vào Bình Dương để xây dựng nhà máy. Trong tương lai, đây sẽ là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam và là nhà máy thứ hai ở châu Á của LEGO. Pegatron, nhà cung cấp của Apple, hiện có kế hoạch đầu tư tới 1 tỷ USD vào Việt Nam. Foxconn đã cam kết rót 300 triệu USD để nâng cấp cơ sở sản xuất ở Bắc Giang. Samsung sẽ bắt đầu sản xuất linh kiện bán dẫn tại Việt Nam từ năm 2023, còn Apple dự định sẽ sản xuất đồng hồ Apple Watch tại đây.
Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, vốn FDI thực hiện trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt 15,43 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái, cao nhất trong 5 năm qua. Việt Nam liên tục là một trong những quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới xét về tỷ trọng với GDP, chỉ đứng sau Malaysia trong nhóm các nền kinh tế ASEAN.
Đồng thời, đầu tháng 9, Moody’s cũng đã nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam lên Ba2, Việt Nam hiện chỉ kém mức đầu tư một bậc. Việt Nam cũng được kỳ vọng trở thành thị trường tiêu dùng toàn cầu lớn thứ 10 thế giới vào năm 2030, vượt qua cả Đức và Anh.