Để duy trì vị thế và nắm bắt được những tiềm năng phát triển, ngành điều phải giải quyết được bài toán nguyên liệu, quy hoạch lại mạng lưới doanh nghiệp đi cùng với những chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước... Cùng với đó, đặt lên yêu cầu cao hơn về giải pháp kết nối các mắt xích nông dân - tổ chức tài chính – doanh nghiệp chế biến điều - thị trường hàng hoá Việt Nam.
Ngành điều luôn là một trong số những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam |
“Điểm yếu” của ngành hàng tỷ USD
Suốt 11 năm giữ vững vị thế là nước xuất khẩu nhân điều lớn nhất thế giới, ngành điều luôn là một trong số những ngành hàng chủ lực, góp phần tạo nên bước tăng trưởng ấn tượng trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. 2016 là năm đầu tiên ngành chế biến xuất khẩu điều của Việt Nam cán mốc 3 tỷ USD, tăng cả về lượng và giá trị so với cùng kỳ. Trong chiến lược dài hạn, ngành điều đặt mục tiêu sẽ đạt kim ngạch 4 tỷ USD vào những năm 2020.
Tuy nhiên, bản thân ngành điều cũng tiềm ẩn những điểm yếu đã được giới chuyên gia trong ngành nhiều lần chỉ mặt điểm tên.
Điểm đầu tiên cần phải nhắc tới chính là sự phụ thuộc của doanh nghiệp trong nước vào nhập khẩu điều thô từ các quốc gia khác cao. Tỷ lệ điều thô nhập khẩu có xu hướng tăng từ năm 2007 -2014. Số liệu thống kê từ Tổng cục Thống kê (Niên giám thống kê hàng năm) cho thấy, nếu như tỷ lệ điều thô nhập khẩu năm 2007 là 39% thì đến năm 2014, tỷ lệ này đã lên tới 62,5%.
Trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia xuất khẩu điều lớn nhất thế giới, sự phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài cũng đồng nghĩa với sự bấp bênh trong nguồn cung điều thô tiềm tàng gây ra nhiều tổn thất cho ngành điều Việt Nam. Chưa kể, việc giá điều thô thế giới và tỷ giá biến động nhiều cũng là những yếu tố tiềm ẩn gây khó khăn cho các doanh nghiệp chế biến điều Việt Nam.
Trong khi đó, dù năng suất ngành điều tăng lên nhưng diện tích điều trong nước lại có xu hướng giảm liên tục từ năm 2009 đến nay. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, sản lượng điều thô tăng với CAGR là 11,6% giai đoạn 2000 - 2015, đạt sản lượng 352 ngàn tấn năm 2015.
Trong khi đó, diện tích gieo trồng điều giảm 4,8% mỗi năm kể từ năm. Theo Tổng cục Thống kê, diện tích điều của Việt Nam giảm liên tục trong 8 năm từ năm 2007 (440.000ha) xuống còn 290.000ha vào năm 2015 và năm 2016 có dấu hiệu phục hồi trở lại với diện tích đạt 293.000ha và dự kiến năm 2017 diện tích điều tiếp tục tăng lên và đạt khoảng 300.000ha.
Năng suất cải thiện là động lực quan trọng giúp sản lượng điều thô trong nước tăng trưởng bền vững, tuy nhiên diện tích trồng giảm hạn chế khả năng tăng sản lượng, đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp chế biến điều đang trong tình trạng thiếu nguyên liệu và phải nhập khẩu điều thô từ các nước khác.
Điều này khiến Việt Nam chưa chủ động được nguồn điều thô và ngày càng phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu điều thô từ nước ngoài.
Về bản thân doanh nghiệp xuất khẩu điều, dù đạt kim ngạch xuất khẩu rất ấn tượng nhưng theo Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối, cả nước có 345 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu điều thì có tới 73% trong số đó là những doanh nghiệp có kim ngạch dưới 5 triệu USD/năm. Các công ty nhỏ do đó cũng chưa chú trọng đủ vào đầu tư cho chất lượng vì thiếu vốn và trình độ quản lý còn kém. Điều này dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh, chất lượng không đồng đều, làm thiệt hại chung cho cả ngành, về lâu dài bất lợi cho ngành điều Việt Nam.
Hướng đi nào cho ngành điều?
Chia sẻ với báo giới, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinastas) từng nhấn mạnh, ngành điều vẫn còn nhiều triển vọng về thị trường, xuất khẩu cũng như tăng giá trị. Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội đó, trước hết, ngành điều phải giải quyết được bài toán nguyên liệu, cung ứng tốt nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, tránh gián đoạn sản xuất.
Theo đó, ngành điều cần một bộ giống mới, năng suất và chất lượng cao và sớm phát triển vùng nguyên liệu ổn định, kết hợp với nhà nước định hướng phát triển hạ tầng thủy lợi, tưới tiêu cùng với phát triển đội ngũ chuyên gia để chuẩn hóa quy trình canh tác và chăm sóc cây, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào từ chuyên canh cho tới chuỗi giá trị chế biến. Có như vậy, ngành điều mới mong thoát khỏi vòng luẩn quẩn về nguyên liệu, phụ thuộc nước ngoài, và xa hơn nữa là trở thành “thủ phủ” của cây điều thế giới.
Bên cạnh đó, giới chuyên gia cũng cho rằng, ngành điều cần có một quy hoạch mang tính cách mạng nhằm sắp xếp lại bản đồ doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều theo hướng giảm đầu mối, cơ sở chế biến nhỏ, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Song song đó là tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động quản lý thị trường, tiếp đến là chính sách kêu gọi đầu tư vào ngành chế biến điều và sản phẩm phụ; xây dựng chính sách liên kết các doanh nghiệp cơ sở nhỏ lẻ cùng với quy hoạch cụm công nghiệp để hình thành doanh nghiệp quy mô lớn, đủ sức phát triển và cạnh tranh trên thị trường.
Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng, để đạt được những điều trên, ở bước cao hơn nữa, cần có sự gắn kết giữa doanh nghiệp chế biến với người trồng điều và sự “trợ lực” với nguồn vốn từ nhóm các tổ chức tín dụng. Đây chính là một trong những giải pháp căn cơ để sản xuất, chế biến điều bền vững hơn trong dài hạn.
Ngoài ra, việc xây dựng thị trường hàng hoá chuyên nghiệp tại Việt Nam cũng được đặt ra trong nhóm những giải pháp để mang lại sự phát triển cho ngành điều. Trong đó, việc hình thành lên Sàn giao dịch hàng hóa, một hoạt động thương mại hiện đại, sẽ giúp doanh nghiệp, người nông dân có được công cụ bảo hiểm nhằm giảm thiểu được các rủi ro của hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, thông qua Sàn giao dịch hàng hóa, các doanh nghiệp thương mại, xuất nhập khẩu có thể chủ động hơn trong kế hoạch sản xuất kinh doanh, cân đối cung cầu.
Hà Anh / dantri