Trong suốt 10 năm từ 2005-2014, tỷ lệ đóng góp vào GDP của khu vực kinh tế cá thể luôn ổn định ở mức 32%. Ảnh TL
Trong giai đoạn 2005-2014, tăng trưởng GDP bình quân của nước ta khoảng 6%, là mức tăng trưởng tương đối cao so với các nước trong khu vực. Nhưng nhìn sâu vào cấu trúc sở hữu trong GDP, đóng góp vào GDP của Việt Nam cơ bản do khu vực cá thể.
Trong suốt 10 năm từ 2005-2014, tỷ lệ này luôn ổn định ở mức 32% trong GDP. Tỷ trọng kinh tế nhà nước giảm khoảng 4% thay vào đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng khoảng 4%. Điều đó cho thấy nền kinh tế Việt Nam rất manh mún và thời gian qua hầu như không có sự thay đổi cấu trúc nào đáng kể. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn không thể phát triển, tỷ trọng của khu vực sở hữu này trong GDP không hề thay đổi trong suốt từ năm 2005-2014, ở mức rất thấp (khoảng 8%).
Trong hệ thống các tài khoản quốc gia (SNA), không chỉ có GDP mà còn có chỉ số khác phản ánh sức khỏe của nền kinh tế như tổng thu nhập quốc gia (Gross National Income - GNI), tổng thu nhập quốc gia khả dụng (Gross National Disposable Income - GNDI) và để dành (saving). Để dành là phần còn dư ra của tổng thu nhập quốc gia khả dụng sau khi đã được sử dụng cho mục đích tiêu dùng cuối cùng (bao gồm tiêu dùng của dân cư và chi thường xuyên của Chính phủ). Về nguyên tắc, nguồn cơ bản để quay lại đầu tư là từ để dành. Mỗi một gia đình hay quốc gia đều phải biết số tiền để dành của mình là bao nhiêu, để dùng cho việc gì (để đầu tư hay cho vay hoặc phải đi vay).
Cái thực chất của một quốc gia có được chính là chỉ tiêu tổng thu nhập quốc gia (GNI), tổng thu nhập quốc gia khả dụng (GNDI) và để dành.
Hiện nay, tỷ lệ đầu tư và để dành trong GDP của nước ta gần bằng nhau, như vậy là rất tốt. Tuy nhiên, cần lưu ý là lượng để dành chủ yếu là trong dân chứ không phải của khu vực nhà nước và doanh nghiệp, vì ngân sách chi thường xuyên rất lớn và tỷ lệ nợ so với nguồn vốn chủ sở hữu của khu vực doanh nghiệp khoảng 3/1. Nếu tạo được niềm tin với dân thì lượng để dành trong dân không chỉ là tiền tệ mà sẽ đi vào đầu tư cho sản xuất, kinh doanh để gia tăng tư bản.
Nhưng cần phải làm gì để lượng để dành này đi vào sản xuất, kinh doanh? Câu trả lời là cần phải giảm bội chi! Vì sao lại như vậy?
Trong suốt một giai đoạn dài Việt Nam thực hiện chính sách quản lý cầu, bản chất GDP là tổng cầu cuối cùng. Việc tăng trưởng GDP thực ra không có ý nghĩa gì nhiều. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy dù nước ta có xuất siêu hay nhập siêu thì mức tăng trưởng GDP hầu như không thay đổi. Chẳng hạn, năm 2014 xuất siêu hàng hóa khoảng 3 tỉ đô la Mỹ, GDP tăng xấp xỉ 6%; năm 2015 nhập siêu khoảng 3,2 tỉ đô la Mỹ, GDP lại tăng 6,7%. Như vậy, dù xuất nhập khẩu thế nào thì người ta cũng co kéo cầu tiêu dùng và cầu đầu tư để đảm bảo tăng trưởng theo kế hoạch.
Như vậy, có thể thấy tăng trưởng có cao hơn một chút hay thấp hơn một chút dường như không ảnh hưởng gì lắm đến (đời sống thực tế) người dân.
Điều cần nhìn nhận nhất trong năm 2016 và xa hơn nữa là thắt chặt chi tiêu ngân sách, cái gì cần chi tiêu thì phải xem xét tính hiệu quả của nó một cách thực chất nhất. Vì nếu thâm hụt ngân sách, Nhà nước sẽ nghĩ ra mọi cách để tận thu, có thể dẫn đến suy kiệt doanh nghiệp, bào mòn sức chịu đựng người dân, từ đó làm suy yếu nền kinh tế.
Một điều quan trọng là cần làm cho tất cả mọi người dân (bao gồm cả những người đang làm việc ở các cơ quan công quyền) hiểu rằng mọi hoạt động của các cơ quan công quyền là dựa vào tiền thuế của người dân. Khi người dân cảm thấy được những đóng góp của mình cho bộ máy nhà nước quay lại phục vụ mình, họ sẽ tự nguyện đóng thuế. Nếu thấy việc đóng thuế là để nuôi những người ngày ngày hách dịch, sách nhiễu, vòi vĩnh mình thì tất yếu họ sẽ tìm mọi cách trốn đóng. Sự nhũng nhiễu và lạm thu còn khiến người dân không muốn bỏ tiền ra đầu tư.
Hiện nay, chính sách tận thu của Nhà nước khiến doanh nghiệp đã yếu càng yếu hơn. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới mới đây cho thấy tỷ lệ thuế trên một đồng lợi nhuận xấp xỉ 0,4, một tỷ lệ quá cao và tỷ lệ này sẽ còn cao hơn nữa trong năm 2016 khi Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) và quyết định tăng lương tối thiểu lên 14,5% có hiệu lực. Khi đó, tiền đóng BHXH, kinh phí công đoàn đã rất cao sẽ còn cao hơn, dẫn đến doanh nghiệp không đủ năng lực đầu tư mới để mở rộng sản xuất.
Nguy hiểm hơn nữa là các cơ quan thuế cấp dưới như cục thuế, chi cục thuế thường đặt mục tiêu năm sau thu thuế tăng so với năm trước 10-15% bất chấp tình hình doanh nghiệp có khó khăn thế nào. Việc đặt mục tiêu kiểu này cần được khắc phục càng nhanh càng tốt. Tổng giá trị gia tăng (GDP) của cả nền kinh tế chỉ tăng từ 6-7% đã được xem là điểm sáng mà tại sao cơ quan thuế lại đưa ra mục tiêu chót vót như vậy?
Khu vực kinh tế cá thể sẽ nhìn vào thực tế không thể phát triển nổi của khu vực kinh tế tư nhân để ra quyết định có bỏ ra hay bỏ thêm “của để dành” để đầu tư, kinh doanh hay không. Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập, khu vực kinh tế cá thể (nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp) chịu sức ép rất lớn phải thay đổi mô hình hoạt động để lớn mạnh hơn nhằm tăng khả năng cạnh tranh, mà một trong những cách thay đổi là “lên đời” thành doanh nghiệp. Không “lên đời” cũng “chết” vì không cạnh tranh nổi, mà “lên” thì cũng khó sống vì gánh nặng thuế, phí (đó là chưa nói đến những khó khăn khác về mặt thủ tục, quản trị...). Đúng là... tiến thoái lưỡng nan với khu vực kinh tế cá thể!