Ngân hàng thế giới (World Bank) nhận định nông nghiệp Việt Nam đang đứng ở ngã ba đường, cần có sự thay đổi để vượt qua những thách thức, đảm bảo tăng trưởng trong tương lai.
Ngày 27/9, Ngân hàng thế giới tại Việt Nam đã công bố Báo cáo phát triển Việt Nam với chủ đề “Chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam: Tăng giá trị, giảm đầu vào”. Báo cáo đánh giá nông nghiệp Việt Nam đã có tiến bộ vượt bậc trong một phần tư thấp kỷ qua. Trong số các nền kinh tế mới nổi châu Á, năng suất lúa của Việt Nam chỉ kém Trung Quốc, xuất khẩu nông nghiệp Việt Nam cũng bùng nổ, đưa Việt Nam vào nhóm 5 nước xuất khẩu lớn nhất thế giới về các mặt hàng nông sản đa dạng từ tôm, cà phê, hạt điều, gạo và hồ tiêu.
Tuy nhiên, World Bank cho biết, thành tích về hiệu quả, phúc lợi nông dân và chất lượng sản phẩm của nông nghiệp Việt Nam không ấn tượng như thành tích về năng suất, sản lượng và xuất khẩu. Việt Nam còn thua kém các nước trong khu vực nếu xét về hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, lao động và nước. Năng suất yếu tố tổng hợp giữa thu nhập nông nghiệp và phi nông nghiệp ngày càng doãng ra và bất bình đẳng thu nhập tại khu vực nông thôn ngày càng tăng.
Báo cáo cũng chỉ ra tăng trưởng sản lượng nông nghiệp đạt được nhờ sử dụng ngày càng nhiều phân bón, hóa chất.
“Nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước ngã ba đường”, World Bank nhận định. Cụ thể, báo cáo chỉ ra ngành nông nghiệp đang bị cạnh tranh về nhân công, tài nguyên đất và nước bởi quá trình đô thị hóa, phát triển công nghiệp và dịch vụ. Chi phí lao động tăng làm ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh vốn dựa trên lợi thế về chi phí sản xuất thấp của nông sản thô.
World Bank cũng cho biết, nông nghiệp Việt sử dụng quá mức vật tư đầu vào và tài nguyên thiên nhiên đang trở thành vấn đề nóng bỏng. Một số vấn đề về môi trường đang cản trở năng suất lao động và vị thế cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
“Việt Nam đang đứng trước các cơ hội hứa hẹn cả trên thị trường trong nước và quốc tế, nhưng nếu muốn thành công thì các hộ nông dân và doanh nghiệp phải có khả năng tạo ra các sản phẩm có độ tin cậy, chất lượng, an toàn và bền vững”, World Bank khuyến nghị.
Theo báo cáo để duy trì vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế, Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm đồng thời tăng cường nâng cao giá trị. Báo cáo cũng đưa ra một lịch trình ngắn hạn và dài hạn nhằm tăng cường thể chế công và thể chế thị trường cần có để hoàn thành mục tiêu đầy tham vọng về phát triển nông nghiệp và hệ thống lương thực nói chung.
Giám đốc World Bank tại Việt Nam, ông Ousmane Dione nhấn mạnh: “Đã đến lúc không thể làm theo cách cũ được nữa, tốc độ tăng trưởng đã giảm sút, nông nghiệp dễ bị tổn thương trước những hiểm hỏa thời tiết và tác động của môi trường. Cần thay đổi để vượt qua những thách thức này, để đảm bảo tăng trưởng nông nghiệp trong tương lai và đáp ức yêu cầu, nguyện vọng của người dân Việt nam được tốt hơn”.
Ông Ousmane Dione cho rằng ngành nông nghiệp Việt tạo ra sản phẩm có giá trị nhưng cũng kèm theo cái giá phải trả về môi trường, đây là một thách thức cần vượt qua.
Báo cáo cũng khuyến nghị một số chính sách nhằm giải quyết những thách thức nói trên. Chính phủ có thể kết hợp một số biện pháp như nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường các biện pháp ưu đãi, hợp lý hóa cung cấp dịch vụ để qua đó khuyến khích và theo dõi phát triển nông nghiệp xanh, nâng cao hiệu quả hệ thống an toàn thực phẩm và bảo vệ người tiêu dùng.
World Bank cũng khuyến nghị Nhà nước nên xem xét áp dụng các công cụ chính sách nhằm quản lý rủi ro trong nông nghiệp tốt hơn, kiến tạo môi trường phát triển doanh nghiệp nông nghiệp.
“Trong một hệ thống nông nghiệp linh hoạt, dựa trên thị trường và dựa trên tri thức thì giảm sự can thiệp của Nhà nước là đòi hỏi tất yếu để thực hiện công cuộc hiện đại hóa thành công hơn”, World Bank nhấn mạnh.
Theo Hải Minh
Người đồng hành