Sản lượng cắt giảm điện huy động từ năng lượng tái tạo trong tháng 7-9 khoảng 180 triệu kWh, tăng lên 350-400 triệu kWh một tháng vào cuối năm.
Cảnh báo và dữ liệu dự kiến cắt giảm nguồn huy động từ năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) vừa được Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) đưa ra ngày 5/4.
Theo A0, sản lượng điện tiết giảm từ nguồn năng lượng tái tạo khoảng 180 triệu kWh một tháng trong giai đoạn tháng 7 - 9 tới, khi miền Bắc bước vào thời kỳ lũ chính vụ tại các hồ thuỷ điện. Sản lượng cắt giảm tăng gấp đôi, khoảng 350-400 triệu kWh một tháng vào các tháng cuối năm (tháng 10-12) do lũ miền Trung - Nam vào mùa và các nguồn điện gió vận hành đủ theo quy hoạch.
Không dưới một lần những cảnh báo chuyện tiết giảm huy động nguồn điện năng lượng tái tạo được cơ quan điều độ hệ thống điện quốc gia đưa ra. Nhưng khác với trước đây, việc cắt giảm công suất phát của các nhà máy năng lượng tái tạo giờ không phải do thiếu lưới truyền tải mà do cầu về tiêu dùng điện xuống thấp, điện dư thừa buộc họ phải luân phiên cắt giảm để đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện quốc gia. Chẳng hạn, đầu năm nay có thời điểm A0 phải giảm gần 8.000 MW nguồn điện mặt trời, gió, trong đó gần 3.500 MW điện mặt trời mái nhà.
Công nhân thi công tại một dự án nhà máy điện mặt trời ở tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Quỳnh Trần.
Lãnh đạo một doanh nghiệp điện mặt trời tại Ninh Thuận cho hay, đây không phải lần đầu nhà máy điện mặt trời của họ được thông báo cắt giảm công suất phát, tình trạng này đã kéo dài từ cuối năm ngoái đến nay. Ông cho rằng, nhu cầu tiêu thụ thấp nên việc cắt giảm khó tránh được, nhưng ở góc độ nhà đầu tư sẽ khó khăn khi mỗi tháng phải bù lỗ vài trăm triệu đồng, chưa kể tiền trả lãi vay ngân hàng.
Vận hành từ lâu nhưng nhà máy điện gió Phú Lạc (Bình Thuận) cũng trong cảnh bị cắt giảm công suất phát cùng các nhà máy mới đưa vào vận hành trong khu vực. Nói về lý do khiến nhiều nhà máy điện năng lượng tái tạo rơi vào cảnh giảm phát, ông Bùi Văn Thịnh - Giám đốc Công ty Điện gió Phú Lạc cho rằng, nguyên nhân chính ở khâu bổ sung quy hoạch vượt xa khung ban đầu, thiếu sự tính toán đồng bộ các khâu nguồn, lưới.
Theo ông, cả phía nhà đầu tư và EVN đều là nạn nhân trong câu chuyện buộc phải giảm công suất năng lượng tái tạo này. "Miếng bánh chung chỉ có vậy, đường dây truyền tải điện qua khu vực nhà máy chỉ có vậy, giờ thêm cả chục nhà máy điện mặt trời vào khai thác nên buộc điều độ cắt ông nọ thì bù ông kia. Bị giảm huy động, doanh thu của chúng tôi sụt giảm rất lớn, rất căng", ông Thịnh chia sẻ.
Tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo gia tăng quá nhanh với công suất vượt xa quy hoạch dẫn tới dư thừa nguồn, trong khi nhu cầu tiêu thụ điện thấp và quá tải lưới cục bộ là nguyên nhân dẫn tới hiện trạng này.
Hiện, nguồn cung đang vượt cầu. Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tỷ trọng năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) cấp cho hệ thống hiện chiếm gần 23,5%. Trong khi đó, năm 2020 nhu cầu tiêu thụ điện chỉ tăng 2,45% do ảnh hưởng của Covid-19, giảm gần 5 lần so với mức bình quân 10% hàng năm. Ba tháng đầu năm nay, lượng điện tiêu thụ tăng gần 4% so với cùng kỳ 2020. Cùng đó, nhu cầu tiêu thụ điện có sự chênh lệch lớn giữa các giờ phát trong ngày, như chênh giữa buổi trưa và tối 6.000 - 8.000 MW, ngày làm việc và ngày nghỉ là 4.000 - 6.000 MW.
Đặc tính của năng lượng tái tạo là tức thời, nhất là điện mặt trời phụ thuộc lớn vào thời gian nắng trong ngày, nên việc đảm bảo cung cầu điện vẫn phụ thuộc nhiều vào các nguồn truyền thống (than, khí, nhiệt điện, thuỷ điện...). Điều này đồng nghĩa, hệ thống điện phải có nguồn dự phòng tương ứng để ứng phó những thay đổi của phụ tải tiêu thụ điện và thay đổi bất thường từ chính nguồn năng lượng tái tạo với mức độ thay đổi hàng nghìn MW trong vài giây.
"Thiếu điện đã đau đầu, giờ thừa điện công tác vận hành hệ thống còn đau đầu hơn", một lãnh đạo EVN chia sẻ trước hiện trạng dư thừa điện hiện nay.
Bộ Công Thương trong văn bản gửi các nhà đầu tư năng lượng tái tạo liên quan chuyện cắt giảm công suất phát cũng cho hay, việc cắt giảm các nhà máy điện mặt trời, điện gió là tình huống bắt buộc trong bối cảnh hệ thống điện quốc gia thừa nguồn và lưới điện quá tải cục bộ.
Cơ quan này phân tích, trường hợp hệ thống điện dư thừa công suất so với nhu cầu tiêu thụ điện là "tình huống nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới an toàn, an ninh hệ thống". Điều này có thể khiến tần số hệ thống điện tăng cao, thậm chí gây sự cố lan tràn trên toàn hệ thống điện quốc gia nếu không có ngay các mệnh lệnh điều độ chuẩn xác, được thực hiện kịp thời và các giải pháp khẩn cấp khác.
Theo ước tính của EVN, năm nay sẽ có khoảng 1,3 tỷ kWh điện năng lượng tái tạo bị cắt giảm, trong đó hơn 500 triệu kWh giảm do thừa nguồn điện mặt trời vào buổi trưa và quá tải đường dây 500 kV.
Tuy nhiên, để đảm bảo hài hoà lợi ích nhà đầu tư, an ninh hệ thống điện, đại diện A0 cho biết, cơ quan này đã đề xuất dịch chuyển giờ cao điểm các nguồn thuỷ điện nhỏ lên sớm hơn, 6h-8h, để tăng khả năng hấp thụ nguồn điện tái tạo khu vực miền Trung, Nam thêm hơn 1.000 MW. A0 cũng lập lịch vận hành tối ưu biểu đồ phát các nguồn điện truyền thống (than, khí, thuỷ điện...), huy động nguồn điện chạy dầu vào cao điểm chiều nhằm đáp ứng nhu cầu phụ tải.
Khi vận hành hệ thống điện, cơ quan điều độ cũng thay đổi linh hoạt kết dây trên hệ thống, tăng tối đa khả năng hấp thụ năng lượng tái tạo.