Mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay giảm đáng kể nhờ các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất. Các nhà băng chia sẻ nguồn lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn do đại dịch.
Lãi suất cho vay giảm đến 3 điểm %
Sau cuộc họp ngày 12/7 với Hiệp hội Ngân hàng, nhiều khách hàng tiến hành hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19. Mức giảm phổ biến từ 0,5-2 điểm % đối với khoản vay hiện hữu và vay mới.
Điển hình, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) giảm lãi suất cho vay tới 3 điểm %/năm cho khách hàng khi vay vốn phục vụ kinh doanh (hộ kinh doanh) và giảm 1 điểm %/năm khi vay vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, mua nhà. Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB) cũng hạ lãi suất cho vay, mức giảm trung bình 1,5 điểm % cho hơn 8.500 khách hàng. TPBank cũng giảm từ 0,5-1,2 điểm % lãi suất cho doanh nghiệp.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Phát triển Việt Nam (HDBank) giảm lãi suất cho gần 18.000 khách hàng vay, với mức giảm bình quân từ 1 điểm %/năm cho 3 nhóm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Mức giảm tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) giảm cao nhất là 3-4%/năm so với hiện tại. Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) giảm lãi suất tối đa 0,8%/năm cho khoản vay ngắn hạn và 1%/năm cho khoản vay trung dài hạn.
Ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho vay.
Chung xu hướng, Sacombank cũng tiến hành giảm lãi suất 1%/năm cho các khách hàng có khoản vay tại đây. Ngân hàng TMCP Bản Việt tiếp tục triển khai gói hỗ trợ quy mô 9.000 tỷ với lãi suất giảm tới 2% cho các doanh nghiệp.
Nhiều ngân hàng sở hữu Nhà nước cũng giảm lãi suất cho vay giai đoạn này. Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) giảm lãi suất cho vay với tất cả khách hàng, mức giảm tối đa 1 điểm %. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) giảm lãi suất cho vay bình quân 1 điểm % với dư nợ hiện hữu, một số nhóm khách hàng khó khăn sẽ được giảm tối đa 2 điểm % so với lãi suất hiện hành. Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng giảm lãi vay tối đa 1 điểm % cho các khoản dư nợ hiện hữu và giải ngân mới.
Không chỉ giảm lãi suất cho vay với những khoản vay hiện hữu, nhiều ngân hàng áp dụng chính sách ưu đãi cho khoản vay mới. Đơn cử, VPBank sẽ giảm lãi suất cho vay với các khoản vay mới giải ngân từ 20/7-30/9/2021, thời hạn vay dưới 6 tháng, với doanh nghiệp siêu nhỏ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, mức lãi suất hỗ trợ là 1,0% đối với khoản vay tín chấp và 0,5% đối với khoản vay thế chấp. BIDV cũng dành 1.600 tỷ đồng cho vay ưu đãi với dư nợ cho vay mới. Sacombank dành 10.000 tỷ đồng với lãi suất từ 4%/năm cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND thuộc một số ngành, lĩnh vực ưu tiên hiện nay ở mức 4,5%/năm. Lãi suất cho vay bình quân với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ của các ngân hàng thương mại phổ biến từ 8-10%/năm.
Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, lãi suất cho vay đã rất thấp nhưng vẫn cao so với sức chịu đựng của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành hơn 1 năm qua, lãi suất các khoản vay vẫn là gánh nặng với nhiều doanh nghiệp.
Lợi nhuận ngân hàng ảnh hưởng ra sao?
Các chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, với việc đồng thuận giảm từ 0,5-3% lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, các ngân hàng đã chia sẻ nguồn lợi nhuận của mình.
Ngân hàng giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng.
Theo TS. Cấn Văn Lực, trong năm 2020, lợi nhuận cả năm của toàn ngành ngân hàng vào khoảng 185.000 tỷ đồng. Nếu từ nay đến cuối năm 2021, các ngân hàng tiến hành giảm 1% lãi suất trên tổng dư nợ hiện hữu thì con số lợi nhuận ngân hàng có thể bị ảnh hưởng là khoảng 90.000 tỷ đồng, tương đương một nửa lợi nhuận của toàn ngành năm ngoái. Ước tính, lợi nhuận ngân hàng trong 6 tháng cuối năm nay có thể bị giảm khoảng 45.000 tỷ đồng.
Còn Công ty Chứng khoán Maybank KimEng (MBKE) dự tính, nếu giảm 100 điểm cơ bản lãi suất cho vay đối với 100% khoản cho vay thì mức giảm thu nhập từ lãi trong 5 tháng cuối năm nay của các ngân hàng sẽ rơi vào khoảng 5-10% thu nhập lãi thuần ước tính cả năm nay.
Thực tế, các ngân hàng đã tiến hành cắt giảm lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp.
Từ đầu năm đến nay, nhóm "Big 4" ngân hàng thương mại Nhà nước đã tích cực giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng. Vietcombank quyết định giảm 4.000 tỷ đồng tiền lãi, 6 tháng đầu năm giảm 2.100 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng. Tính cả năm 2021, nhà băng này giảm 6.100 tỷ đồng thu nhập từ lãi. Agribank quyết định giảm thêm 5.500 tỷ đồng lãi suất tiền vay đối với khách hàng hiện hữu, cắt giảm thu nhập từ lãi cả năm là 6.500 tỷ đồng. VietinBank giảm hơn 6.000 tỷ đồng từ thu nhập cộng phí và lãi trong cả năm nay. BIDV giảm thêm 3.600 tỷ đồng lợi nhuận từ dư nợ vay hiện hữu và dư nợ cho vay mới, cả năm giảm 6.100 tỷ đồng lợi nhuận.
Các chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần tạo thêm dư địa giúp các ngân hàng thương mại có động lực giảm thêm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch.
Ngân hàng Nhà nước có thể "thưởng room" tăng tín dụng cho những ngân hàng giảm mạnh lãi suất cho vay hoặc chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất các khoản vay cũ và mới.