Lấp lửng sau những triền đồi xanh mướt, bản Mường Giang Mỗ hiện lên như một nét đẹp văn hóa bền vững theo thời gian. Du lịch hòa mình về bản Mường dưới chân núi Mỗ, du khách sẽ được tận hưởng không gian trong trẻo tự nhiên giữa bạt ngàn màu xanh của cây trái và dải ruộng bậc thang mênh mông phủ sương mờ huyền ảo; được nghe tiếng nước róc rách giữa lưng chừng trời; được nghe câu hát nhẹ nhàng thanh thoát vang lên bên ché rượu thơm lừng nếp mới; và được chiêm nghiệm một cuộc sống nhà nông chân chất, gần gũi sao mà thân thương, sao mà dịu ngọt.
Lấp lửng sau những triền đồi xanh mướt - Ảnh: Che Trung Hieu
Là vẻ đẹp của những ngôi nhà người Mường - Ảnh: Sưu tầm
Bản Giang Mỗ thuộc địa phận xã Bình Thanh, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, là địa điểm lý tưởng cho những tour du lịch về nguồn, khám phá văn hóa cộng đồng để xua tan cái ồn ào, náo nhiệt và xô bồ nơi phố thị. Khách du lịch Hòa Bình về Giang Mỗ có thể theo quốc lộ 86 từ Hà Nội chừng 86km sẽ đến được địa phận của xã Bình Thạnh. Cứ thế tiếp tục rong ruổi trên con đường hướng Tây Tiến dạo quanh khắp bản làng, nương ruộng rì rào vui đùa trước gió sẽ gặp bản Giang Mỗ thấp thoáng nép mình trong thung lũng nhỏ.
Dốc Giang Mỗ - Ảnh: Che Trung Hieu
Đưa du khách tiến gần hơn đến từng ngôi nhà của bản - Ảnh: Che Trung Hieu
Giang Mỗ là nơi sinh sống của người Mường, cả bản có tất thảy 117 ngôi nhà sàn với 460 nhân khẩu. Cuộc sống của người dân nơi đây gắn với trồng trọt và chăn nuôi. Có lẽ ấn tượng đầu tiên trong tour du lịch với người lữ khách chính là kiến trúc độc đáo của những ngôi nhà “rùa” tại bản Giang Mỗ.
Giang Mỗ là nơi sinh sống của người Mường - Ảnh: Sưu tầm
Truyện kể rằng, vị vua Lang cai vị người Mường thuở xưa trong một lần đi rẫy đã bắt được một con rùa. Rùa liền van xin đừng giết và đổi lại sẽ bày cách cho bản làng xây nhà tránh thú dữ thay vì chọn hang hốc làm nơi ngủ nghỉ qua ngày. Nghe lời rùa, vị vua Lang về làng và truyền lại cách dựng nhà sàn theo mô phỏng mà rùa đã dạy. 4 chân rùa làm cột, mai là mái nhà, xương sống là đòn nóc, gỗ lim được chặt về cột, cây giang làm lạt buộc, gianh làm mái. Và từ đó, ngôi nhà sàn hình rùa của người Mường ra đời và được lưu giữ đến tận ngày nay.
Nhà được xây theo mô phỏng hình con “rùa” - Ảnh: Trung Đức
Nhà sàn của người Mường thường được xây dựng ở nơi có địa thế cao, từ đó có thể đón luồng gió mát lành tự nhiên của trời như một tặng phẩm. Nhà có 3 tầng, tầng gác là nơi chứa lương thực và đồ dùng gia đình, tầng giữa làm nơi sinh hoạt và gầm sàn dùng để cất giữ dụng cụ sản xuất hay chăn nuôi gia súc, gia cầm. Cửa chính được dựng ở trước nhà, là lối đi quan trọng không thể thiếu, lối đi của bậc thang phải là số lẻ được dựng vuông góc với đòn nóc nhà, máng nước ở vị trí bên trái sàn và cối đuống đặt ở đầu nhà. Kiến trúc mỗi nhà tùy theo điều kiện có thể lớn nhỏ khác nhau, song các sự sắp xếp của cửa, cầu thang, máng nước,… luôn phải đúng vị trí.
Nhà được xây ở nơi có địa thế cao - Ảnh: Trung Đức
Cầu thang được dựng vuông góc với nóc nhà - Ảnh: Trung Đức
Gầm sàn là nơi chứa vật dụng hoặc chăn nuôi gia súc, gia cầm - Ảnh: Che Trung Hieu
Dù cho cuộc sống của xã hội đang ngày càng phát triển và chạy đua với thời gian đôi lúc khiến đôi chân ta chùn bước. Nhưng tại bản Mường Giang Mỗ, cuộc sống giản đơn bình dị mang đậm nét văn hóa truyền thống vẫn còn lưu giữ tự bao đời, khách du lịch Hòa Bình về đây có thể cảm nhận điều đó một cách rõ nét nhất.
Cuộc sống yên bình tại bản Giang Mỗ - Ảnh: Che Trung Hieu
Người trong bản hiện vẫn sử dụng các công cụ lao động từ tre, nứa, như khung dệt vải, cung nỏ, đồ đựng trái cây,… Phụ nữ người Mường chăm chỉ khéo léo với đôi bàn tay vừa giỏi ruộng nương lại thành thạo thêu thùa, đan lát. Khách du lịch Hòa Bình đến Giang Mỗ sẽ có dịp được ngắm nhìn các sản phẩm thủ công tre mây và thổ cẩm đa dạng, tôn lên vẻ đẹp người Mường.
Dụng cụ độc đáo của người Mường - Ảnh: vietnamvoyagesblog
Phụ nữ Mường rất giỏi đan lát - Ảnh: Che Trung Hieu
Người Giang Mỗ vô cùng thân thiện và hiếu khách, du lịch Hòa Bình – Giang Mỗ, khách phương xa có thể tự do lựa chọn bất kỳ nhà sàn nào mình yêu thích để dừng chân. Gia chủ cũng sẽ đón tiếp bằng tấm lòng chân tình và nồng hậu nhất. Tại đây, những món ngon đặc sản của người vùng cao như thịt lợn cỗ lá, thịt trâu lá lồm, gà rừng, măng đắng, cá suối đồ, rượu cần, rượu chuối, xôi nếp nương, xôi cẩm,… sẽ được bày biện một cách cẩn trọng như giữ gìn nét đẹp ẩm thực xa xưa của dân tộc, vừa thể hiện sự mến khách của gia đình.
Người Giang Mỗ bản tính đôn hậu - Ảnh: vietnamvoyagesblog
“Cỗ lá” của dân tộc Mường - Ảnh: Sưu tầm
Làm bước chân người lữ khách thương nhớ bản Mường khôn nguôi - Ảnh: vietnamvoyagesblog
Nhấm nháp chút hương vị của núi rừng, chếch choáng men rượu và say cái tình nồng hậu, khách du lịch Hòa Bình - Giang Mỗ còn được chủ nhà kể về tích truyện cha ông thời xưa trong tiếng trống, tiếng kèn vang lên bên bếp lửa hòa nhịp nhàng cùng điệu múa mềm mại của người thiếu nữ. Để rồi với con tim rạo rực đầy yêu thương, ta lại tiếp tục hành trình dạo bước trên con đường uốn lượn quanh đồng xanh, con suối, triền đồi, nghe từng thanh âm trong trẻo của đất và trời đang giao hợp nơi bản Mường hoang sơ thấm đậm nghĩa tình.
LaNa vtp - Mytour.vn