Dự báo trong năm 2017, tỉ lệ lao động thất nghiệp ở mức khoảng 1,1 triệu người, số lao động có trình độ ĐH thất nghiệp sẽ tăng hơn 200.000 người so với năm 2016. Đó là con số trong báo cáo mới nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa công bố.
Càng học cao càng thất nghiệp
Báo cáo cũng cho thấy với tỉ lệ phân bổ trong số lao động thất nghiệp có trình độ chuyên môn khoa học kỹ thuật này thì nhóm lao động có trình độ từ ĐH trở lên chiếm thị phần lớn nhất, khoảng 44,7%, tỉ lệ lao động có trình độ từ CĐ trở lên chiếm hơn 80%.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp của sinh viên tốt nghiệp, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho rằng chất lượng đào tạo ở 425 trường ĐH, CĐ là rất khác nhau. Không phải trường nào cũng đủ nhân lực để có thể xây dựng và triển khai chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Ngay cả những trường ĐH tốt cũng không thể bảo đảm đáp ứng được nhu cầu xã hội 100%. Đây chính là một yếu tố quan trọng dẫn đến việc sinh viên thất nghiệp sau khi tốt nghiệp.
Sinh viên một trường ĐH tại TP HCM trong phòng thí nghiệm Ảnh: TẤN THẠNH
Theo GS Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên, chất lượng đào tạo ĐH xuống thấp là do những năm trước đây, các trường tuyển sinh ồ ạt và năng lực thực tại của các trường đã mất cân đối. GS Vui cho hay trước đây có ngành chỉ chừng 20 sinh viên nhưng nay có khi lên đến 70-80 sinh viên. Chương trình đào tạo theo tín chỉ nên học sinh chỉ có thời gian học lý thuyết còn thời gian dành cho thực tập rất ít trong khi sự gắn bó giữa các trường với các doanh nghiệp còn hạn chế. Ví dụ như sinh viên Trường Y của ĐH Thái Nguyên mỗi khi đến thực tập tại các bệnh viện tới 50-60 em. Với con số này thì bệnh viện không biết sắp xếp để các em làm gì.
Bên cạnh chất lượng đào tạo, sự biến động không ngừng của nền kinh tế đã dẫn đến nhu cầu nhân lực thay đổi. Thời gian đào tạo người lao động có trình độ ĐH trung bình là 4 năm. Sau thời gian đào tạo, sự biến động của nhu cầu nhân lực là việc tất yếu. Bên cạnh đó, việc truyền tải nội dung hướng nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. PGS Dũng cho rằng lâu nay, các trường ĐH phải tự tổ chức tư vấn và quảng bá cho thương hiệu của trường. Điều này dẫn đến một số trường chỉ lo quảng cáo mà quên mất trách nhiệm của mình là chuyên gia tư vấn, mang lại sự hiểu biết đúng đắn, trung thực về ngành nghề và các bậc đào tạo. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều học sinh và phụ huynh “dở khóc dở cười” với quyết định chọn ngành, chọn nghề của mình.
Quá xa rời thực tế nguồn nhân lực
Theo PGS Đỗ Văn Dũng, cần thiết lập hệ thống quản lý chuỗi cung ứng nguồn nhân lực giữa đào tạo và doanh nghiệp sử dụng. Hệ thống này hỗ trợ các trường có được cơ sở để xác định chỉ tiêu tuyển sinh cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo có cơ sở để quy hoạch lại cơ cấu ngành nghề ở các trường ĐH. Cũng theo ông Dũng, cơ sở đào tạo phải tự chịu trách nhiệm với người học về việc bảo đảm việc đào tạo họ đáp ứng nhu cầu xã hội. Cần có các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, đưa người học vào môi trường của doanh nghiệp, tạo môi trường để người học phát triển năng lực bản thân và phát triển cái “khác biệt” của họ; nếu không, kết quả đào tạo cũng sẽ như cũ. “Tố chất của người học là rất sáng tạo, cần tạo môi trường để họ phát huy sáng kiến và hỗ trợ để tạo ra những nhân tố khởi nghiệp, những nhân tố tự tạo ra việc làm cho mình và cho người khác. Có như vậy mới giảm được tình trạng thất nghiệp của người học” - ông Dũng nói.
Trước tình trạng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp hiện nay, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng cần phải nhìn nhận đúng thực tế. Theo Bộ trưởng Nhạ, hiệu trưởng các trường phải chịu trách nhiệm, trước hết bắt đầu từ công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội. Khi tuyển sinh đầu vào thì phải nghiên cứu dự báo 3-4 năm sau khi sinh viên tốt nghiệp ra trường và những ngành nghề nào cần nhân lực lớn. Ông Nhạ thừa nhận việc đầu tư cho nghiên cứu dự báo còn hạn chế, chủ yếu vẫn là dự báo dựa vào kinh nghiệm, điều này dẫn tới nhiều ngành rất có triển vọng, nhu cầu thị trường rất lớn nhưng lại không được đáp ứng, trong khi đó có những ngành đào tạo thừa.
Cũng theo ông Nhạ, cần phải có giải pháp chuyển giao công nghệ, thậm chí thuê cả giảng viên nước ngoài để đổi mới chương trình học hiện đại vì hiện vẫn còn nhiều chương trình học rất cũ.
Chuẩn đầu ra thiếu thực chất TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Kiểm định ĐHQG TP HCM, cho biết các trường đã công bố chuẩn đầu ra theo đúng chỉ đạo. Tuy nhiên về thực chất thì các chuẩn đầu ra này mang nhiều tính hình thức hơn là thực chất. Nhiều trường sao chép chuẩn đầu ra từ các trường, chương trình khác (trong và ngoài nước), chuẩn đầu ra được xây dựng mang tính chủ quan, thiếu sự phân tích bối cảnh, thiếu hẳn phần lấy ý kiến của các bên liên quan trong quá trình xây dựng. Thông tư 32 về xác định quy mô tuyển sinh không nêu điều kiện về kiểm định… |
Theo người lao động