BS Tú Anh cho rằng, giáo dục giới tính thường bị hiểu một cách sai lầm và hạn chế là dạy về quan hệ tình dục và các hậu quả như mang thai và lây nhiễm HIV.
Câu chuyện cách đây 30 năm
Là người có nhiều năm nghiên cứu, thực hiện các dự án về sức khỏe sinh sản cho thanh thiếu niên, Bác sĩ, Thạc sĩ Hoàng Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số cho biết, những nỗ lực đầu tiên để đưa vấn đề giới tính, sức khỏe sinh sản vào trong chương trình giáo dục ở Việt Nam đã được bắt đầu từ 1981.
Nhiều chính sách quan trọng đã được ra đời như Chương trình hành động giáo dục sức khỏe sinh sản và phòng chống HIV/AIDS cho học sinh trung học cơ sở giai đoạn 2007-2010, lồng ghép giáo dục giới tính vào Chiến lược giáo dục quốc gia 2011-2020.
Tuy nhiên, theo BS Tú Anh thì việc triển khai thực tế gặp nhiều hạn chế do các nội dung này chưa được qui định là phải bắt buộc thực hiện, giáo viên còn gặp nhiều lúng túng khi trao đổi chủ đề này và sự quá tải về chương trình học các môn văn hóa khác của học sinh.
"Năm 2010, chúng tôi đã tiến hành khảo sát tại 460 trường cho thấy chỉ có 34,3% trường có cung cấp giáo dục kĩ năng sống về phòng tránh HIV cho học sinh. Chỉ có 19% vị thành niên và thanh niên được hỏi trong đánh giá quốc gia cho biết được nhận thông tin về tránh thai và các biện pháp tránh thai từ thầy cô giáo. Nhiều thầy cô giáo còn cho rằng trách nhiệm giáo dục về vấn đề sinh sản và tình dục là thuộc cha mẹ."- BS Tú Anh nhấn mạnh.
Trong một hội thảo do Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số tổ chức mới đây về giáo dục giới tính, TS. Dương Văn Đạt – trưởng nhóm Sức khỏe sinh sản – UNFPA, người đã có rất nhiều tâm huyết với chương trình giáo dục giới tính ở Việt Nam đã phải thốt lên rằng "Câu chuyện về giáo dục giới tính ở Việt Nam là câu chuyện 30 năm rồi.
Giáo dục giới tính cho học sinh tại VN vẫn bị bỏ ngỏ
UNFPA, Bộ Giáo dục Đào tạo và các cơ quan đã làm rất nhiều, đã có chính sách, đã có giáo trình, đã đào tạo giáo viên và nhiều thứ khác rồi. Thế nhưng thử hỏi bây giờ có bao nhiêu trường đang làm được cái này. Đấy là mới nói đến số lượng, còn chất lượng thì không biết thế nào. Nhìn lại chỉ có thể nói một câu là ‘tan nát".
BS Tú Anh cho rằng, hệ quả của sự ‘tan nát’ này là rất đáng lo ngại, đặc biệt trong bối cảnh trẻ em ngày nay dậy thì sớm hơn, có quan điểm cởi mở hơn với tình dục và quan hệ tình dục trước hôn nhân và cũng có tuổi bắt đầu quan hệ tình dục sớm hơn.
Trong khi đó ngại, xấu hổ, sợ bị đánh giá vẫn là những trở ngại chính (từ 50-70%) khiến vị thành niên và thanh niên Việt Nam không mua và sử dụng biện pháp tránh thai khi quan hệ tình dục và chỉ có 13% vị thành niên và thanh niên có kiến thức đúng về thời điểm dễ thụ thai. Chỉ 50% vị thành niên và thanh niên Việt Nam cho biết có sử dụng một biện pháp tránh thai trong lần quan hệ đầu tiên.
"Điều này lý giải vì sao Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ mang thai ngoài ý muốn và phá thai cao nhất thế giới và khoảng một nửa các trường hợp phá thai là thuộc nhóm vị thành niên.
Tỉ lệ sinh con trong nữ vị thành niên tuổi 15-19 năm 2011 là 46/1000, cao hơn nhiều nước trong khu vực. Các vấn đề quan trọng khác như bạo lực, xâm hại và quấy rối tình dục với trẻ em vẫn là những tảng băng chìm"- BS Tú Anh chua xót cho biết.
Theo BS Tú Anh thì dù không có con số chính thức nhưng sự quan tâm và lo ngại của gia đình và xã hội với vấn đề này là rất lớn. Một bài viết về Phòng chống lạm dụng tình dục với trẻ em đăng trên trang Whynot – trang fanpage làm việc với thanh niên của Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số về Sức khỏe Sinh sản và Sức khỏe Tình dục – chỉ trong vài ngày đã có trên 10.000 lượt bấm like và hàng nghìn lượt chia sẻ.
Hạn chế hiểu biết về đa dạng tình dục và bản dạng giới đã khiến nhiều trẻ em bị bạo lực và phân biệt đối xử ở ngay tại trường học mà hậu quả là nhiều em đã bỏ học hay thậm chí tự tử.
Kinh nghiệm quốc tế
BS Tú Anh cho rằng, giáo dục giới tính thường bị hiểu một cách sai lầm và hạn chế là dạy về quan hệ tình dục và các hậu quả như mang thai và lây nhiễm HIV. Giáo dục giới tính thực ra là một khái niệm rộng và được giải thích trong các hướng dẫn quốc tế là: Việc dạy về các mối quan hệ và hành vi tình dục phù hợp với tuổi và văn hóa thông qua việc cung cấp các thông tin khoa học chính xác, thực tế và không phán xét.
Tạo cơ hội để giúp các cá nhân khám phá các quan niệm, thái độ của bản thân và xây dựng các kĩ năng ra quyết định, trao đổi thông tin và giảm thiểu nguy cơ liên quan tới khía cạnh tình dục.
Đây cũng là tinh thần phổ biến trong chương trình giáo dục giới tính ở nhiều nước phát triển. Ở Hà Lan, giáo dục giới tính được bắt đầu từ khi trẻ bốn tuổi và được thực hiện liên tục trong suốt cuộc đời với những nội dung phù hợp.
Ở lứa tuổi nhỏ trẻ học về tình cảm yêu thương, sự thể hiện tình cảm phù hợp và không phù hợp (bao gồm cả các hành vi có nguy cơ bị lạm dụng), các thành viên gia đình và mối quan hệ trong gia đình (yêu, mâu thuẫn, bạo lực), các loại hình gia đình (dị tính, đồng tính, đơn thân, li hôn,..).
"Trẻ được yêu cầu mặc quần lót ở trong khi đến lớp và được giáo dục về các phần riêng tư của cơ thể. Trẻ cũng được giáo dục để không bị định kiến giới. Ví dụ trẻ được hỏi về việc bạn trai hay bạn gái mặc gì, chơi gì, thể hiện thế nào, các con nghĩ thế nào nếu có một bạn gái hay bạn trai nào đó trong lớp không thể hiện như thế.
Trẻ thậm chí còn được yêu cầu mặc quần áo của giới khác với giới của mình và tìm trong đồ chơi của mình một đồ chơi mà trẻ nghĩ là của giới khác mang đến trường và thảo luận về các đồ chơi này"- BS Tú Anh nói.
Vẫn ở đất nước này, khi trẻ lên tám tuổi sẽ được dậy về hình ảnh bản thân và trao đổi nhiều hơn về các định kiến giới. 11 tuổi trẻ được thảo luận về xu hướng tình dục và các biện pháp tránh thai,…
Cách giáo dục giới tính toàn diện này đã giúp trẻ Hà Lan là một trong những nhóm trẻ tự tin và thân thiện nhất thế giới. Tỉ lệ mang thai tuổi vị thành niên và lây nhiễm HIV của Hà Lan cũng thấp nhất thế giới.
"Hà Lan có thể thực hiện được các chương trình giáo dục giới tính như trên vì điều này được đưa vào trong luật. Luật giáo dục của Hà Lan qui định rõ: Mọi học sinh khi ra trường phải được học một nội dung nào đó về giáo dục giới tính.
Với qui định ngắn gọn và rõ ràng này, các cơ sở giáo dục phải cảm kết việc thực hiện giáo dục giới tính như một phần bắt buộc trong nội dung giáo dục chính khóa hoặc ngoại khóa.
Chính phủ Hà Lan hợp tác với các tổ chức phi chính phủ có kinh nghiệm làm việc về giáo dục giới tính và cung cấp ngân sách cho các tổ chức này để thực hiện đào tạo cho giáo viên và làm giáo dục giới tính trực tiếp cho học sinh và phụ huynh ở các cơ sở giáo dục"- BS Tú Anh nhấn mạnh.
N. Huyền / Infonet.vn