Soi kỹ dòng vốn ngoại 78,89 triệu USD đổ vào giáo dục và đào tạo trong 9 tháng năm 2020, có thể thấy giáo dục liên cấp đã khẳng định được sức hút với nhà đầu tư nước ngoài.
Phân khúc giáo dục liên cấp sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm của dòng vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian tới. Ảnh: Đ.T
Giáo dục liên cấp tạo mạch chính
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào giáo dục liên cấp (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) đạt 5,28 triệu USD vốn đăng ký cấp mới, chiếm gần 35% tổng vốn đăng ký cấp mới vào giáo dục trong 9 tháng. Ở hình thức góp vốn và mua cổ phần, trong cơ cấu 51,41 triệu USD vốn ngoại rót vào giáo dục qua hình thức này, giáo dục liên cấp đóng góp tới 21,87 triệu USD, tương đương 42,5%.
Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, Công ty cổ phần Giáo dục Gateway Việt Nam, một đơn vị liên doanh với Nhật Bản, đã tiến vào Khu đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội) bằng Dự án xây dựng các công trình trường liên cấp từ mầm non đến trung học phổ thông. Với vốn đăng ký 3,11 triệu USD, dự án của Gateway là dự án FDI giáo dục lớn thứ hai trong 9 tháng năm 2020, chỉ sau Dự án đào tạo ngoại ngữ 3,4 tỷ USD của nhà đầu tư Hàn Quốc Visang Education.
Diamond Crest Global, một nhà đầu tư giáo dục tiểu học từ Quần đảo Virgin (thuộc Anh) là cái tên gây chú ý, khi trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong lĩnh vực giáo dục từ đầu năm đến nay, sau thương vụ góp vốn, mua cổ phần trị giá 17,6 triệu USD tại Công ty cổ phần Làng Giáo dục quốc tế Thiên Hương.
Vốn ngoại chảy mạnh vào giáo dục liên cấp có lý do là những quy định “cởi trói” từ Nghị định 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quy định hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Trước đó, nhà đầu tư ngoại vướng nhiều rào cản khi chọn đầu tư vào giáo dục sao cho đảm bảo phương án lợi nhuận, bởi lẽ “zoom” tỷ lệ học sinh Việt Nam trong cấp tiểu học và trung học cơ sở ở các trường quốc tế lần lượt là 10% và 20%.
Theo ông Joshua James, đại diện Tiểu ban Nguồn nhân lực và Đào tạo thuộc EuroCham, Nghị định 86 là cú hích lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi cho phép các trường quốc tế nới “zoom” tỷ lệ học sinh người Việt Nam lên gần 50% theo học chương trình nước ngoài.
“Vượt mặt” giáo dục đại học
Về sức hút của giáo dục liên cấp, ông Lê Xuân Đồng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn thị trường (FiinResearch) tại Công ty cổ phần FiinGroup cho rằng, phân khúc giáo dục liên cấp sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm của dòng vốn đầu tư tư nhân, gồm cả vốn đầu tư nước ngoài, hơn là lĩnh vực giáo dục đại học trong thời gian tới.
Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến năm học 2018-2019, số lượng học sinh liên cấp dưới đại học tại Việt Nam khoảng 20,5 triệu học sinh, trong đó học sinh tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập hơn 1 triệu học sinh, chiếm 5,3%. Trong khi đó, số lượng sinh viên đại học có khoảng 1,53 triệu, còn sinh viên học tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập hơn 264.000.
“Cho nên, phân khúc giáo dục liên cấp ngoài công lập (dưới đại học) có tiềm năng phát triển và được kỳ vọng tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư tư nhân”, ông Đồng nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo quy định tại Nghị định 46/2017/NĐ-CP và Nghị định 135/2018/NĐ-CP, các điều kiện để cấp phép trường đại học là cao nhất so với các cấp học thấp hơn. Đặc biệt, để được mở trường đại học, nhà đầu tư cần có quỹ đất tối thiểu 5 ha và vốn đầu tư tối thiểu là 1.000 tỷ đồng (không bao gồm giá trị đất xây dựng trường).
“Chúng tôi cho rằng, đây là những rào cản kỹ thuật lớn đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực đại học không có tiềm lực tài chính mạnh. Trong khi đó, giáo dục đại học là lĩnh vực đầu tư đòi hỏi tầm nhìn dài hạn, có thời gian thu hồi vốn lâu và quy mô thị trường nhỏ hơn các cấp học khác”, chuyên gia FiinGroup nêu.
Về xu hướng đầu tư nước ngoài vào thị trường giáo dục Việt Nam, ông Joshua James tin rằng, vốn đầu tư nước ngoài đổ vào giáo dục sẽ tiếp tục tăng, khi vị thế và tiếng tăm của Việt Nam đã mạnh lên trong công cuộc phòng chống Covid-19. Chưa kể, quy mô dân số và mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam cũng sẽ tạo thêm sức hấp dẫn đối với đầu tư vào giáo dục.
Trong dài hạn, đại diện FiinGroup nhận định, thị trường giáo dục Việt Nam được kỳ vọng sẽ thu hút thêm nguồn vốn tư nhân, bao gồm vốn đầu tư nước ngoài, nhờ một số yếu tố thuận lợi.
“Tốc độ đô thị hóa và thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, mức sống ở các đô thị ngày càng được cải thiện, các bậc cha mẹ Việt Nam có xu hướng dành ngân sách lớn hơn để con cái họ được hưởng thụ các dịch vụ giáo dục có chất lượng cao từ nhóm các trường tư thục và các trường quốc tế tại Việt Nam, bên cạnh việc gửi con đi du học”, ông Đồng phân tích.
Hơn nữa, nhu cầu về giáo dục chất lượng quốc tế cho con cái của người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam ngày càng tăng. Theo số liệu từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến cuối năm 2018, có gần 89.000 người nước ngoài có giấy phép làm việc tại Việt Nam. Số lượng này tăng trung bình 4,2%/năm kể từ năm 2013 trở lại đây.
Ngược dòng với tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 9 tháng năm 2020, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào giáo dục và đào tạo tăng gần 58% so với cùng kỳ năm trước, lên 78,89 triệu USD. Có 41 dự án giáo dục được cấp phép mới trong 9 tháng với tổng vốn đăng ký cấp mới là 15,01 triệu USD, giảm 8 dự án và 1,47 triệu USD so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá trị góp vốn, mua cổ phần tăng vọt lên 51,41 triệu USD, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. |