I. Điều kiện tự nhiên
1. Vị trí địa lý
Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới thuộc vùng Tây Bắc, cách thủ đô Hà Nội gần 500 km về phía Tây; phía Bắc giáp tỉnh Lai Châu, phía Đông và Đông bắc giáp tỉnh Sơn La, phía Tây Bắc giáp tỉnh Vân Nam – Trung Quốc; phía Tây và Tây Nam giáp với nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào.
Tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh hiện nay là 9562.9 km² với dân số 459100 người (chiếm 55,6% diện tích tự nhiên, 66,3% dân số của tỉnh Lai Châu cũ).
2. Đặc điểm địa hình
Điện Biên có địa hình phức tạp, được cấu tạo bởi những dãy núi chạy dài theo hướng Tây dọc biên giới Việt – Lào dài khoảng 100 km với đỉnh Pu Đen Đinh cao 1.886m và dãy Phu Sang Cáp dài 50 – 60 m. Xen lẫn với các dãy núi cao là những thung lũng, sông suối nhỏ hẹp và dốc phân bổ khắp nơi trong địa bàn tỉnh. Đặc biệt, thung lũng Mường Thanh với bề mặt bằng phẳng đã tạo cho tỉnh có cánh đồng Mường Thanh rộng lớn.
3. Khí hậu
Điện Biên có khí hậu nhiệt đới gió mùa núi cao, mùa đông tương đối lạnh và ít mưa; mùa hạ nóng, mưa nhiều với các đặc tính diễn biến bất thường, phân hoá đa dạng, ít chịu ảnh hưởng của bão, chịu ảnh hưởng của gió tây khô và nóng. Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 21 – 23°C, chất lượng mưa trung bình từ 1.700 – 2.500 mm, độ ẩm trung bình từ 83 – 85%.
Do diện tích tự nhiên rộng, địa hình lại bị chia cắt nên khí hậu ở đây bị phân hóa thành 3 tiểu vùng rõ rệt: tiểu vùng khí hậu Mường Nhé, tiểu vùng khí hậu Mường Lay và tiểu vùng khí hậu cao nguyên Sơn La và thượng nguồn sông Mã.
4. Dân tộc
Tỉnh Điện Biên có 21 dân tộc sinh sống với tổng dân số khoảng 500.000 dân, chủ yếu làngười Thái (~38%), tiếp đó là H'Mông (~30%) và Kinh (~20%).
5. Giao thông
Mạng lưới giao thông đường bộ:
Từ thành phố Điện Biên Phủ tới Hà Nội 474 km theo quốc lộ 279 và rẽ sang quốc lộ 6.
Quốc lộ 12: Từ thành phố Điện Biên Phủ đến cửa khẩu Ma Lu Thàng (Lai Châu) 195 km.
Quốc lộ 279: Nối Tuần Giáo qua thành phố Điện Biên Phủ đến cửa khẩu Tây Trang dài 117 km.
Đường hàng không: sân bay Điện Biên Phủ tại thành phố Điện Biên Phủ phục vụ tuyến Hà Nội - Điện Biên Phủ - Viêng Chăn - Luông Pha Băng
6. Hành chính
Tỉnh Điện Biên gồm 1 thành phố (tỉnh lỵ), 1 thị xã và 7 huyện gồm: Thành phố Điện Biên Phủ, Thị xã Mường Lay, Huyện Điên Biên, Huyện Điên Biên Đông, Huyện Mường Ảng, Huyện Mường Chà, Huyện Mường Nhé, Huyện Tủa Chùa, Huyện Tuần Giáo.
II. Tài nguyên thiên nhiên
1. Tài nguyên đất
Điện Biên có các nhóm đất chính là: nhóm đất phù sa, nhóm đất đen, nhóm đất mùn vàng đỏ trên núi. Những loại đất này rất phù hợp để phát triển các loại cây lương thực, hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày, trồng và khoanh nuôi tái sinh rừng.
Tổng diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh là 108.158 ha, chiếm 11,32% diện tích đất tự nhiên; trong đó diện tích đất lâm nghiệp có rừng là 309.765 ha (chiếm 32,42%), diện tích đất chuyên dùng 6.053 ha (chiếm 0,68%). Ngoài ra, Điện Biên còn có 528.370 ha đất chưa sử dụng, chiếm 55,3% tổng diện tích đất tự nhiên, trong đó chủ yếu là đất đồi núi (96,9%).
2. Tài nguyên rừng
Hiện nay, toàn tỉnh có 348.049 ha rừng, đạt tỷ lệ che phủ 37%. Trong rừng có nhiều loại gỗ quý hiếm, giá trị kinh tế cao như: lát, trò chỉ, nghiến, táu, pơmu…ngoài ra còn có các loại cây đặc sản khác như cánh kiến đỏ, song mây…Không chỉ có nhiều loại thực vật quý hiếm, rừng Điện Biên còn có 61 loài thú, 270 loài chim, 27 loài động vật lưỡng cư, 25 loài bò sát, 50 loài cá đang sinh sống. Trong những năm gần đây do nạn đốt rừng và săn bắt chim thú tự do nên lượng chim thú quý trong rừng ngày càng giảm, một số loài đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.
3. Tài nguyên khoáng sản
Điện Biên không có nhiều loại khoáng sản, tuy nhiên qua điều tra sơ bộ trên địa bàn tỉnh vẫn có một số loại khoáng sản chính như than đá, đá đen, vàng, cát, sỏi và các loại vật liệu xây dựng khác…Hiện, mỏ than mỡ Thanh An có trữ lượng khoảng 156.000 tấn; mỏ cao lanh ở Huổi Phạ trữ lượng khoảng 51.000 tấn; mỏ đá xây dựng ở Tây Trang; vàng sa khoáng ở thượng nguồn sông Đà; nước khoáng Mường Luân… Tuy các mỏ này có trữ lượng không lớn, nhưng đây là nguồn lực khá quan trọng để phát triển các ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở địa phương.
III. Tiềm năng kinh tế
1. Tiềm năng du lịch
Tỉnh Điện Biên có di tích lịch sử Điện Biên Phủ, khu chỉ huy chiến dịch Mường Phăng…là tài sản vô cùng quý giá để khai thác phát triển du lịch và nghiên cứu lịch sử, bên cạnh đó tỉnh còn có nhiều điểm du lịch hấp dẫn như: hồ Pa Khoang, suối khoáng nóng Hua Pe, hồ U Va, thác Mường Luân, bia Lê Lợi, thành Bản Phủ…Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 18 dân tộc anh em sinh sống với những nét văn hóa đặc trưng riêng, gồm cả văn hóa vật thể và văn hoá phi vật thể, rất thích hợp để phát triển du lịch văn hóa.
2. Những lợi thế so sánh
Điện Biên có lợi thế lớn về tiềm năng đất đai, đặc biệt là diện tích đất chưa sử dụng còn rất lớn (trên 500.000 ha, chiếm 55% tổng diện tích tự nhiên). Đây chính là tiềm năng lợi thế lớn để tỉnh đầu tư phát triển lâm nghiệp, trồng cây công nghiệp, chăn nuôi đại gia súc… Ngoài ra cánh đồng Điện Biên rộng lớn với đất đai màu mỡ, được coi là vựa lúa của vùng Tây Bắc, nếu được đầu tư thoả đáng và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thì sẽ trở thành nơi sản xuất lúa gạo chất lượng cao của cả nước để xuất khẩu. Tại các vùng Mường Nhé, Si Pa Thìn, Điện Biên có rất nhiều thuận lợi để tập trung phát triển chăn nuôi các loại gia súc theo hướng kinh tế trang trại.
Trên địa bàn tỉnh còn có rất nhiều di tích lịch sử có giá trị văn hoá, du lịch cao, trong đó đáng chú ý là di tích Điện Biên Phủ và nhiều danh lam thắng cảnh gắn với nền văn hoá truyền thống của các dân tộc anh em, đây là lợi thế lớn để tỉnh phát triển mạnh ngành du lịch, dịch vụ.
Ngoài những tiềm năng trên Điện Biên còn có đường biên giới chung với nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào và Trung Quốc. Tại đây có các cửa khẩu Tây Trang (đang đề nghị được nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế), cửa khẩu Pa Thơm, cửa khẩu Mường Lói, cửa khẩu A Pa Chải… Đây là những cửa khẩu quan trọng để tỉnh Điện Biên mở mang phát triển kinh tế và giao lưu với các nước. Ngoài tỉnh còn có sân bay Điện Biên đang được nâng cấp và mở rộng, đồng thời còn có nhiều tiềm năng để phát triển thủy điện và các nguồn điện năng khác.
(Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư)