I. Điều kiện tự nhiên
1. Vị trí địa lý
Hà Nam nằm ở Tây Nam châu thổ sông Hồng, trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là cửa ngõ của thủ đô Hà Nội với diện tích đất tự nhiên 84.952 ha; có thị xã Phủ Lý là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hoá của tỉnh, cách Hà Nội 58 km, tương lai không xa sẽ trở thành phố vệ tinh của Hà Nội. Hà Nam có mạng lưới giao thông rất thuận lợi, là tỉnh nằm trên trục đường sắt Bắc Nam và quốc lộ 1A – huyết mạch giao thông quan trọng của cả nước, tạo điều kiện thuận lợi để giao lưu hợp tác kinh tế với các tỉnh, thành phố và các trung tâm kinh tế lớn của cả nước cũng như từ đó tới các cảng biển, sân bay ra nước ngoài.
2. Đặc điểm địa hình
Hà Nam có địa hình đa dạng vừa có đồng bằng, có vùng bán sơn địa, vừa có vùng trũng. Vùng đồi núi phía Tây có nhiều tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là đá vôi, để phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, nhất là xi măng; cũng là vùng có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Vùng đồng bằng có diện tích đất đai màu mỡ, bãi bồi ven sông Hồng, sông Châu, là tiền đề để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm và du lịch sinh thái. Địa hình đó là điều kiện để phát triển kinh tế đa dạng, với hướng kết hợp kinh tế vùng đồng bằng với kinh tế vùng đồi núi.
3. Khí hậu
Hà Nam cũng như các tỉnh đồng bằng sông Hồng có khí hậu mang đặc điểm của khí hậu nhiệt đới, gió mùa, mùa đông lạnh hơn nhiều với điều kiện trung bình cùng vĩ tuyến. Nhiệt độ trung bình khoảng 23°C, nhiệt độ trung bình tháng thấp nhất là tháng 1 khoảng 15,1°C và cao nhất là tháng 6 khoảng 29°C. Tổng giờ nắng trung bình khoảng 1.100 – 1.200 giờ. Lượng mưa trung bình năm 1.700 – 2.200 mm, song lượng mưa không đều tập trung 70% lượng mưa cả năm vào mùa hạ (từ tháng 5 đến tháng 10); mùa khô kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau, ít mưa khô lạnh.
II. Tài nguyên thiên nhiên
1. Tài nguyên đất
Hà Nam có tổng diện tích đất tự nhiên là 84.952 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm 47.206 ha, diện tích nuôi trồng thuỷ sản 4.529 ha; đất lâm nghiệp 9.635 ha; đất chuyên dùng 11.692 ha, đất ở 4.326 ha; đất chưa sử dụng 7.564 ha.
2. Tài nguyên khoáng sản
Tài nguyên khoáng sản trên địa bàn Hà Nam chủ yếu là đá carbonate (có trữ lượng trên 7,4 tỷ m³). Nguồn đá này cung cấp cho sản xuất xi măng, xây dựng, bột mịn cho xây trát, bột nhẹ thương phẩm. Đá quý (đá vân hồng tím nhạt ở huyện Thanh Liêm, Kim Bảng, có vỉa cao 60 m, dài 30 – 40 m, song cũng có vỉa dài tới gần 200 m. Đá vân mây da báo ở Thanh Liêm. Đá đen tập trung ở Bút Sơn. Đất sét với tổng trữ lượng 393,1 triệu tấn (trong đó, đất sét làm nguyên liệu sản xuất xi măng 331 triệu tấn; đất sét làm gạch ngói 62 triệu tấn). Than bùn có trữ lượng trên 11 triệu m³ tại vùng Hồ Tam Chúc – Ba Sao, hồ Đồng Hán, Xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng (nguyên liệu này có thể làm phân vi sinh và một số chất phụ gia khác). Cát xây dựng ở Hà Nam rất dồi dào, đặc biệt là nguồn cát đen ở bãi ven sông Hồng dài 10 km, bãi sông Đáy, sông Châu, sông Nhuệ hàng năm cung cấp cho san lấp và xây dựng, có khả năng cung cấp cho tỉnh ngoài hàng triệu m³.
III. Tiềm năng kinh tế
1. Những lĩnh vực kinh tế lợi thế
Công nghiệp chủ đạo của tỉnh là xi măng, vật liệu xây dựng. Công nghiệp dệt may và tiểu thủ công nghiệp với làng nghề dệt lụa Nha Xá, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên chuyên dệt lụa tơ tằm, đũi, quy mô hiện tại có 500 khung dệt, công suất đạt từ 850.000 – 1.000.000 mét lụa/năm; làng nghề dệt vải xã Hoà Hậu, huyện Lý Nhân chuyên sản xuất vải, khăn tắm, khăn ăn các loại; làng nghề thêu ren thủ công xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm với các sản phẩm thêu chăn, ga, gối, đệm, khăn ăn, khăn trang trí,… chủ yếu xuất sang châu Âu và Bắc Á (doanh thu mỗi năm làng nghề đạt 25 -30 tỷ đồng). Mây tre giang đan ở Hoàng Đông, Duy Tiên với các sản phẩm chủ yếu là hàng mây, giang, đan thủ công, thị trường tiêu thụ là ở châu Âu, châu Mỹ và một phần Bắc Á. Nghề sừng thủ công mỹ nghệ ở xã An Lão – Bình Lục, dùng nguyên liệu sừng động vật để chế tác ra các vật dụng trang trí, đồ dùng sinh hoạt, thị trường xuất khẩu chủ yếu của sản phẩm là Đông Âu, Bắc Á, doanh thu bình quân 1 năm từ 2 – 3 tỷ đồng.
2. Tiềm năng du lịch
Hà Nam có nhiều điểm sinh thái khá hấp dẫn như khu du lịch Ngũ Động Sơn có Đền Trúc thờ Lý Thường Kiệt, vị anh hùng dân tộc thời Lý. Ngũ Động Sơn là quả núi có 5 hang động nối liền nhau tạo thành một dãy hang động liên hoàn. Trên đỉnh núi có bàn cờ thiên tạo bằng đá, trong động có nhiều nhũ đá tạo vẻ đẹp huyền bí. Nhiều thi nhân và du khách đã từng qua đây dừng chân chiêm ngưỡng. Di tích này cánh thị xã Phủ Lý 7 km nằm sát với dòng sông Đáy và lại kề bên quốc lộ 21A.
Đền Trần Thương ở huyện Lý Nhân, thờ Quốc công Tiết Chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Đền được xây dựng năm 1783 với diện tích 1,4 ha. Riêng nội tự rộng 0,5 ha, kiến trúc của đền mang đậm nét nghệ thuật cổ truyền dân tộc. Hàng năm ở đây có lễ tưởng niệm và liên hệ mật thiết với lễ hội ở Côn Sơn - Kiếp Bạc, Bảo Lộc – Nam Định
Hồ Tam Chúc ở xã Ba Soa, huyện Kim Bảng, diện tích mặt nước hồ 585 ha, diện tích phụ cận và khu du lịch sinh thái là 600 ha. Hiện nay, Nhà nước đang thi công dự án với kinh phí 90 tỷ đồng để hoàn thiện khâu đắp đập ngăn nước và giải phóng lòng hồ; tái tạo vùng du lịch bơi thuyền trên hồ nước, du lịch sinh thái 600 ha, du lịch thắng cảnh thiên nhiên núi rừng, du lịch leo núi… Cần đầu tư thêm 120 – 150 tỷ đồng để xây dựng các nhà nghỉ, khách sạn, sân gôn, quần vợt, cầu lông. Lòng hồ đang thiết kế công viên nước, nhà thủy tạ; khách có thể đến bơi thuyền du ngoạn, câu cá, sinh hoạt thể thao. Nơi đây cách chùa Hương 7 km, cách Hà Nội 70 km, Nam Định 40 km, Ninh Bình 45 km, Hưng Yên 40 km. Khu sinh thái “Hồ Tam Trúc” là điểm dừng chân cho khách nhiều tỉnh, là nơi dưỡng trí vào các ngày nghỉ cuối tuần của khách thập phương.
Chùa Long Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, thường tổ chức lễ hội vào ngày 19 đến ngày 21 tháng 3 hàng năm. Lịch sử xây dựng chùa với tháp từ thế kỷ XI, tháp “sùng thiện diên linh” có nghệ thuật kiến trúc đặc trưng thời Lý, xây dựng xong vào năm 1121. Tháp cao 13 tầng, mở 40 cửa, đỉnh tháp có xá lỵ được niêm cất, toả trường quang cho đời Thịnh sau này. Di tích Long Đọi Sơn được xếp hạng từ năm 1992. Hàng năm có trùng tu, tôn tạo để gìn giữ cho muôn đời sau. Năm 2002 được Nhà nước và tỉnh quan tâm, dự án đầu tư được duyệt với mức vốn 18 tỷ đồng. Thời gian thi công đảm bảo kịp với kỷ niệm 1.000 Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.
Khu trung tâm du lịch thị xã Phủ Lý được xây dựng bên cạnh dòng sông Đáy, giáp cửa sông Châu. Tại đây có khách sạn 5 sao, 11 tầng, có khu bến thuỷ phục vụ du thuyền đi chùa Hương, Ngũ Động Sơn, chùa Bà Đanh, hang Luồn. Mỗi năm, du lịch Hà Nam đưa tiễn khách vào chùa Hương bằng đường bộ và đường thủy tới hàng chục nghìn du khách. Ngoài ra, đây còn là địa điểm bơi thuyền dọc sông Châu, sông Đáy vãn cảnh non nước vùng quê hương Hà Nam.
(Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư)