1. Tổng quan về tỉnh Bạc Liêu:
Tỉnh Bạc Liêu nằm trên bán đảo Cà Mau, thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, miền đất cực Nam của Việt Nam, có diện tích đất tự nhiên là 2.570km², chiếm gần 0.8% diện tích cả nước và đứng thứ 7 trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Phía Bắc giáp tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang, phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Sóc Trăng, phía Tây và Tây Nam giáp tỉnh Cà Mau, phía Đông và Đông Nam giáp Biển Đông. Bạc Liệu có đường bờ biển dài 56km nối với các biển quan trọng như Gành Hào, Nhà Mát, Cái Cùng. Vùng biển thuộc quyền quản lý của tỉnh Bạc Liêu rộng hơn 20.000km², là vùng biển giàu tiềm năng, nguồn lợi hải sản rất phong phú và đa dạng.
Bạc Liêu nằm ở vị trí trung chuyển trên tuyến đường giao thông huyết mạch quan trọng của cả nước (quốc lộ 1A), cách thành phố Cần Thơ khoảng 110km và thành phố Hồ Chí Minh khoảng 280km về phía Bắc; hiện nay còn có các tuyến đường mới như Nam Sông Hậu, Ngã Bảy - Cà Mau đi qua địa phận tỉnh Bạc Liêu. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho Bạc Liêu trong sự giao lưu, phát triển kinh tế. Bạc Liêu từng là vùng đất có một vị trí quan trọng trong chiến lược khai thác và xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long của người Pháp, được người Pháp lên kế hoạch xây dựng thành trung tâm hành chính của miền Tây, đồng thời đầu tư nhiều tiền của xây cất dinh thự và công sở tại đây.
2. Tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế của Bạc Liêu:
2.1. Công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp
Công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đang là lĩnh vực được Bạc Liêu đẩy mạnh thu hút đầu tư trong những năm gần đây, tỉnh đang xúc tiến xây dựng quy hoạch phát triển các ngành: công nghiệp chế biến nông – lâm – thủy hải sản; ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, cơ khí gia công kim loại: đóng tàu, sản xuất và lắp ráp ô tô, máy móc và thiết bị nông nghiệp, cơ điện, điện tử, sản xuất phụ tùng, chi tiết máy…; ngành công nghiệp hóa chất bao gồm cả hóa chất cơ bản, phân bón và hóa dầu, khí đốt, dược phẩm, hóa mỹ phẩm; ngành công nghiệp sản xuất thiết bị điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin, công nghiệp phần mềm, nội dung số; ngành công nghiệp năng lượng, năng lượng mới, năng lượng tái tạo; sản xuất vật liệu xây dựng; các ngành công nghiệp hỗ trợ…
2.2. Thương mại, dịch vụ
Hoạt động thương mại của Bạc Liêu diễn ra khá sôi động, các mặt hàng xuất khẩu chính của Bạc Liêu là gạo, thủy sản tăng rất nhanh trong các năm qua. Các doanh nghiệp của Bạc Liêu có quan hệ xuất nhập khẩu với hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tỉnh hiện có hơn 10 mặt hàng chủ lực có khả năng cạnh tranh trên thị trường, gồm: gạo, thủy sản, muối, hàng thủ công mỹ nghệ, … Trong đó, hai mặt hàng chủ lực, về xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của thành phố là: gạo và thủy sản.
2.3. Du lịch
Vùng đất Bạc Liêu có nhiều di tích ghi dấu những sự kiện từ ngày đầu khai hoang mở đất. Đây còn là vùng đất hội tụ văn hóa của ba dân tộc Kinh - Hoa - Khmer thể hiện qua những công trình văn hóa độc đáo, tạo nên vẻ đẹp riêng Bạc Liêu.
Thế mạnh du lịch của Bạc Liêu là du lịch sinh thái, du lịch biển với những cảnh quan thiên nhiên độc đáo như: vườn chim, vườn nhãn…; những di tích lịch sử - văn hoá như: Tháp cổ Vĩnh Hưng, Đồng Nọc Nạng, Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quần thể nhà Công tử Bạc Liêu, Nhà lưu niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, đồng muối Bạc Liêu, hệ thống đình, chùa…
Bên cạnh những di tích vật thể thì Bạc Liêu còn độc đáo bởi những giá trị văn hóa phi vật thể như: các lễ hội, phong tục, tập quán cổ truyền. Đó là các lễ hội Kỳ yên, lễ hội Phật giáo Thượng Ngươn, Trung Ngươn, Hạ Ngươn; lễ hội Chôl Chnăm Thmây, Oóc-om-bóc, Đôn-ta của người Khmer; lễ Giỗ tổ cổ nhạc, lễ cúng Thanh minh... Văn hóa ẩm thực cũng tạo nên nét đặc trưng cho vùng đất cuối trời Nam này. Ẩm thực Bạc Liêu mang sắc thái dân tộc và yếu tố bản địa vùng miền. Nhiều món ăn tạo nên thương hiệu Bạc Liêu như: bún bò cay, bánh xèo, bún nước lèo…
2.4. Kinh tế biển
Đây là một trong những thế mạnh chính của Bạc Liệu trong nhiều năm qua. Với lợi thế có đường bờ biển dài 56km, diện tích đất ven biển và vùng lãnh hải khá lớn, Bạc Liêu có tiềm năng kinh tế biển khá đa dạng và phong phú. Vùng đất ven biển của tỉnh có khả năng xây dựng cảng biển, xây dựng trung tâm điện gió, nhiệt điện, khu kinh tế biển, du lịch, nghề muối... Đặc biệt, những năm gần đây, Bạc Liêu luôn quan tâm đến các công trình xây dựng vùng nuôi, nhất là các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp. Công tác khuyến ngư, hướng dẫn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh, xử lý vệ sinh môi trường ao nuôi… cũng được triển khai thực hiện tốt. Nhờ vậy, diện tích nuôi tôm sạch, nuôi sinh thái được mở rộng; diện tích, sản lượng tôm thẻ chân trắng tăng khá nhanh; nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả được nhân rộng như: nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng thâm canh theo hướng VietGAP, nuôi thử nghiệm cá chạch quế tại huyện Hòa Bình, nuôi lươn bằng giống sinh sản nhân tạo trong bể trải bạc tại huyện Đông Hải… Công tác quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho ngư dân và phương tiện hoạt động trên biển được đảm bảo. Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản tại Bạc Liêu luôn ở mức cao, bình quân gần 300.000 tấn/năm, trong đó sản lượng tôm chiến khoảng 35%.
Tỉnh Bạc Liêu cũng đã có những chính sách đầu tư tín dụng ưu đãi góp phần phát triển phương tiện khai thác biển với công suất lớn để thực hiện việc đánh bắt xa bờ, mở rộng diện tích nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp, nâng cấp và xây dựng mới các nhà máy chế biến thủy sản với những thiết bị và công nghệ tiên tiến theo hướng xuất khẩu và có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho nghề biển mà trước mắt là hoàn chỉnh việc xây dựng cảng cá Gành Hào, một cảng cá có vị trí thuận lợi không chỉ đối với nghề biển Bạc Liêu mà còn đối với cả nước.
3. Tình hình thu hút đầu tư
Với cơ chế chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, sự nỗ lực của các sở, ngành, các địa phương trong phối hợp xử lý công việc đầu tư nhanh chóng, đảm bảo đúng trình tự về thủ tục đầu tư, đúng quy định về cải cách thủ tục hành chính…, những năm gần đây, môi trường đầu tư của Bạc Liêu đã được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt, chỉ số năng lực cạnh tranh PCI năm 2013 của tỉnh đã được xếp hạng thứ 14/63 tỉnh thành cả nước và xếp thứ 6/13 tỉnh khu vực Đồng bằng song Cửu Long. Điều này đã đem lại sự chuyển biến tích cực trong hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch.
Tính đến hết năm 2014, toàn tỉnh có 76 dự án đầu tư; trong đó có 59 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký 19.070 tỷ đồng, 17 dự án đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký 67,1 triệu USD. Hiện tại đã có 33 dự án (20 dự án đầu tư trong nước và 13 dự án đầu tư nước ngoài) đã đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư 1.106 tỷ đồng và 61,4 triệu USD; riêng trong năm 2014, thu hút hơn 30 dự án, trong đó có 23 dự án đăng ký với tổng vốn đầu tư là 4.260 tỷ đồng và 1,105 triệu USD. Một số dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác trong năm 2014 như: Nhà Công tử Bạc Liêu, Khu du lịch Nhà Mát (giai đoạn 1), Nhà máy chế biến lúa gạo Vĩnh Lộc. Ngoài ra, trong năm có một số doanh nghiệp lớn đến tìm hiểu, đăng ký đầu tư các dự án như: Trung tâm Thương mại Nguyễn Kim, Nhà máy sản xuất và gia công hàng may mặc (nhà đầu tư Hàn Quốc), Trung tâm Điện lực Bạc Liêu (nhà đầu tư Nhật Bản), Nhà máy Phong điện Hàn Quốc – Bạc Liêu, Nhà máy xử lý nước thải Bạc Liêu…
(Nguồn: nhipcauviet.com.vn)